Khó khăn xây dựng đạt chuẩn quốc gia về y tế xã
LSO-Xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế (ĐCQGVYT) là chính sách lớn của Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB), chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Tuy nhiên, quá trình triển khai ở huyện Lộc Bình còn gặp nhiều khó khăn, do xuất phát điểm các xã thấp, nhất là cơ sở hạ tầng.
Khám bệnh cho trẻ ở Trạm Y tế thị trấn Lộc Bình |
Nỗ lực thực hiện
Bác sĩ Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: Trong những năm qua, triển khai xây dựng xã ĐCQGVYT đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Các xã, thị trấn đều thành lập Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân; đưa nội dung xây dựng xã ĐCQGVYT vào nghị quyết của Đảng để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm.
Để đạt mục tiêu đề ra, Ban Chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân huyện thường xuyên đôn đốc các xã, thị trấn huy động các nguồn lực, dự án đầu tư nâng cấp các trạm y tế xã, bổ sung trang thiết bị KCB. Sau hơn 6 năm triển khai (từ năm 2010 đến nay), toàn huyện có 4/29 xã, thị trấn ĐCQGVYT.
Song song với xây dựng hạ tầng cơ sở, việc củng cố tổ chức, bộ máy và đào tạo nguồn nhân lực cho tuyến xã được ngành y tế quan tâm và đạt kết quả tích cực. Tính đến tháng 7/2017, 29/29 trạm y tế có bác sỹ, nữ hộ sinh và y sỹ sản nhi. Đa phần cán bộ trạm y tế xã và nhân viên y tế thôn bản được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng cơ bản về truyền thông giáo dục sức khỏe; các trạm y tế đều có từ trên 70% trang thiết bị y tế dành cho tuyến xã và tủ thuốc thiết yếu, đáp ứng nhu cầu phục vụ KCB cho nhân dân… Kết quả, 7 tháng đầu năm 2017, các trạm y tế xã đã KCB được 46.419 lượt người, 851 trẻ dưới 1 tuổi được tiêm phòng. Ngoài ra, các trạm y tế xã còn đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, vệ sinh an toàn thực phẩm và các hoạt động phòng chống bệnh dịch nguy hiểm.
Còn nhiều khó khăn
Thực tế việc triển khai xây dựng xã ĐCQGVYT trên địa bàn huyện thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn: trạm y tế xã xuống cấp và thiếu trang thiết bị là “rào cản” khiến y tế tuyến xã khó hoàn thành tiêu chí như quy định. Vì theo tiêu chí để xây dựng trạm y tế xã ĐCQGVYT phải đảm bảo đủ số lượng và diện tích các phòng chuyên môn. Cụ thể, đối với xã vùng I, tối thiểu mỗi trạm là 4 phòng; vùng III là 9 phòng. Tuy nhiên, đến tháng 7/2017, toàn huyện mới có 4 trạm y tế đạt chuẩn, còn lại 25 trạm đều đã xuống cấp, chật hẹp, cần phải đầu tư xây mới. Hơn nữa, hầu hết các trạm y tế chỉ có trang thiết bị thông thường, phục vụ công tác KCB ban đầu, chưa có trang thiết bị chuyên khoa và đủ theo quy định của Bộ Y tế.
Bà Hoàng Thị Duyên, Trạm Trưởng Trạm Y tế thị trấn Lộc Bình cho biết: Do khó khăn về cơ sở vật chất nên UBND huyện đã trưng dụng Phòng Tài chính Kế hoạch cũ làm trụ sở trạm. Do vậy, việc bố trí các phòng chức năng làm nơi KCB không phù hợp; không theo mẫu thiết kế của Bộ Y tế; phòng tiêm, phòng chờ, phòng trực đều không hợp lý…
Khó khăn ở Trạm Y tế thị trấn Lộc Bình cũng là khó khăn chung của nhiều xã trên địa bàn huyện. Ngoài ra, còn một số khó khăn đặc thù của địa phương như: giao thông không thuận lợi, tỷ lệ hộ nghèo cao; các xã vùng sâu, vùng xa tỷ lệ sinh con tại nhà cao; vấn đề vệ sinh môi trường còn nhiều hạn chế…
Theo kế hoạch trong năm 2017, huyện phấn đấu hoàn thành thêm 4 xã và hướng đến năm 2025, 100% xã, thị trấn ĐCQGVYT. Để đạt được mục tiêu trên cần nguồn kinh phí lớn. Theo cán bộ Phòng Kế hoạch, Trung tâm Y tế huyện, dự tính xây mới một trạm y tế chi phí khoảng 4 tỷ đồng. Do vậy, ngoài sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, rất cần sự vào cuộc tích cực của cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cũng như sự chung tay góp sức của nhân dân.
THẾ BẢO
Ý kiến ()