Khó khăn, vướng mắc trong xây dựng trường học, bệnh viện ở Hà Nội
Học sinh phải chơi trong một không gian chật chội tại phố Hàng Bè (một điểm lẻ của Trường tiểu học Trưng Vương, Hà Nội). ( Ảnh: VIỆT DŨNG )Tình trạng thiếu trường học, bệnh viện quá tải gây nhiều bức xúc trong những năm qua ở Hà Nội. Nguyên nhân của tình trạng này thường được các địa phương giải thích là do thiếu quỹ đất. Tuy nhiên, ngay tại những khu đô thị mới phát triển, được quy hoạch hạ tầng đồng bộ vẫn thiếu những công trình xã hội này. Vậy thực chất việc xây mới các trường học, bệnh viện ở Hà Nội gặp khó khăn, vướng mắc gì?Không chỉ do thiếu đất xây trườngNăm nào cũng vậy, tuy chưa đến mùa tuyển sinh, nhưng nhiều gia đình có con đến tuổi đi học mẫu giáo, tiểu học đã sốt sắng xin học cho con. Địa bàn các quận trung tâm như Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân "nóng" hơn cả, bởi tốc độ gia tăng dân số quá nhanh, trong khi hệ thống các trường học công lập không đáp ứng kịp. Quy hoạch phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn TP Hà...
Học sinh phải chơi trong một không gian chật chội tại phố Hàng Bè (một điểm lẻ của Trường tiểu học Trưng Vương, Hà Nội). ( Ảnh: VIỆT DŨNG ) |
Không chỉ do thiếu đất xây trường
Năm nào cũng vậy, tuy chưa đến mùa tuyển sinh, nhưng nhiều gia đình có con đến tuổi đi học mẫu giáo, tiểu học đã sốt sắng xin học cho con. Địa bàn các quận trung tâm như Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân “nóng” hơn cả, bởi tốc độ gia tăng dân số quá nhanh, trong khi hệ thống các trường học công lập không đáp ứng kịp. Quy hoạch phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn TP Hà Nội vừa được HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp gần đây, nêu rõ: Từ nay đến năm 2020, thành phố cần xây mới 635 trường học. Trong đó, riêng trường công lập là 439 trường, gồm: 300 trường mầm non, 74 trường tiểu học, 35 trường THCS… Từ năm 2021 đến năm 2030, cần xây mới 580 trường học; trong đó, hệ thống công lập có 200 trường mầm non, 70 trường tiểu học, 35 trường THCS… Điều đó cho thấy nhu cầu rất lớn về cơ sở giáo dục. Trong vòng chưa đầy mười năm tới, số lượng trường học cần xây dựng thêm bằng một phần tư tổng số trường hiện có trên địa bàn (hơn 2.400 trường).
Tuy nhiên, việc xây mới trường học không dễ thực hiện tại các quận nội thành. Chủ tịch UBND quận Đống Đa Trần Đức Học cho biết: Đến nay, quận không còn một khu đất trống nào để xây dựng trường học, chỉ có thể trông chờ vào quỹ đất của các doanh nghiệp quản lý. Nhưng, muốn xây trường học tại các khu đất này không dễ, bởi các doanh nghiệp không muốn bàn giao mặt bằng. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố, một số khu đất trên địa bàn quận do doanh nghiệp quản lý được trưng dụng để xây trường mầm non. Đó là khu đất rộng 1.500 m2 tại số 100 phố Thái Thịnh của Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Barotex Việt Nam; khu đất rộng hơn 1.900 m2 gần Chùa Láng của HTX Thương mại dịch vụ Láng Thượng; khu đất tại số 89 phố Lương Định Của do Công ty cổ phần Nhựa y tế Mediplast quản lý và đoạn cuối ao Thước Thợ nằm trong Quy hoạch dự án Công viên Đống Đa (phường Trung Liệt). Hiện, quận đang chuẩn bị khởi công xây dựng trường mầm non tại ngõ 157 phố Chùa Láng và trường mầm non tại một phần khu đất Ao Thước Thợ, bảo đảm tiến độ thi công công trình hoàn thành trong năm 2012; hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để khởi công xây dựng trường mầm non tại địa điểm 100 phố Thái Thịnh. Quận Hai Bà Trưng cũng có hai phường không có trường mầm non. Nhờ tích cực triển khai tìm quỹ đất cho nên tháng 3 vừa qua, Trường mầm non Thanh Nhàn đã chính thức được khởi công xây dựng, với tổng kinh phí là tám tỷ đồng. Quận phấn đấu xây thêm ba trường mầm non trong thời gian tới.
Trong khi một số quận nội thành cũ gặp khó khăn về quỹ đất thì tại các khu đô thị mới phát triển, việc thiếu trường học lại do nguyên nhân khác. Theo khảo sát mới nhất của UBND thành phố, tại mười khu đô thị mới đã đi vào sử dụng, theo quy hoạch có 38 trường học thì mới xây dựng được 27 trường, còn thiếu 11 trường. Trong đó, chỉ có bốn trường công lập (tỷ lệ 10,5%). Nhiều khu đô thị mới, đông dân như khu đô thị Mỹ Đình – Mễ Trì (huyện Từ Liêm) có chín nghìn người dân, nhưng hệ thống trường học ở cả ba cấp (mầm non, tiểu học và THCS) đều chưa có. Các khu đô thị mới Đại Kim – Định Công; Pháp Vân – Tứ Hiệp, Văn Quán – Yên Phúc, Mỹ Đình II… cũng trong tình trạng thiếu trường hoặc chậm triển khai xây dựng, mặc dù đã có quy hoạch.
Như vậy, ở đây việc thiếu trường học, nhất là trường công lập không hẳn là do thiếu quỹ đất. Nguyên nhân của tình trạng này là do các chủ đầu tư chỉ quan tâm xây dựng công trình dễ thu hồi vốn, có lợi nhuận ngay như nhà ở kinh doanh, công trình hỗn hợp, trung tâm thương mại – dịch vụ… Còn công trình hạ tầng xã hội, nếu không có cơ chế chính sách rõ ràng, quy định trách nhiệm cụ thể, thì các chủ đầu tư đều né tránh. Thực tế, việc triển khai xây dựng các công trình hạ tầng xã hội tại các khu đô thị cho thấy, một số dự án trường học, khi phê duyệt chưa xác định rõ trách nhiệm nguồn đầu tư từ đâu (từ ngân sách hay xã hội hóa), cho nên khi nhà đã xây dựng, người dân về ở, mà vẫn chưa có trường học, hoặc nếu có thì là trường dân lập với mức thu phí cao, không phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân.
Ngay cả ở khu vực nội thành cũng không phải là không có đất để xây trường học. Từ việc xây trường học tại các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng cho thấy, nếu các ngành chức năng và chính quyền địa phương quyết liệt triển khai, thì việc xây trường học dù có khó, vẫn có thể thực hiện. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định: Khó xây dựng trường học chủ yếu là do chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan chưa quyết tâm thực hiện, chứ không chỉ vì thiếu đất.
Cần nguồn lực to lớn để phát triển hệ thống y tế
Bên cạnh vấn đề thiếu trường học công lập, tình trạng bệnh viện quá tải đang là vấn đề người dân Thủ đô bức xúc không kém. Hệ thống cơ sở y tế công lập của thành phố hiện có 40 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến thành phố với 8.025 giường bệnh; 29 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã; 577 trạm y tế xã, phường, thị trấn… Phần lớn các bệnh viện tuyến thành phố đều trong tình trạng quá tải nghiêm trọng. Đáng chú ý là, thành phố có tới hơn sáu triệu dân nhưng không có bệnh viện chuyên khoa nhi.
Theo quy hoạch phát triển hệ thống y tế trên địa bàn thành phố được HĐND thành phố phê duyệt mới đây, từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ xây dựng thêm 25 bệnh viện với tổng số 8.850 giường bệnh nhằm bổ sung nguồn lực, góp phần giảm tải cho mạng lưới y tế hiện có. Con số này cũng gây những băn khoăn trong dư luận, bởi trong năm năm qua, mặc dù đã có nhiều dự án được phê duyệt, nhưng số lượng bệnh viện hoàn thành rất ít. Đến nay, mới có một bệnh viện được đưa vào hoạt động là Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm. Bốn bệnh viện đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư gồm: Bệnh viện 1.000 giường Mê Linh, Bệnh viện Đa khoa Mê Linh, Bệnh viện miền núi Ba Vì và Bệnh viện Nhi Hà Nội đều chậm triển khai do gặp khó khăn về quỹ đất. Khác với trường học, bệnh viện cần quỹ đất khá lớn, nhưng trên địa bàn thành phố cơ bản không còn quỹ đất sạch, do vậy công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp khó khăn và mất không ít thời gian. Bên cạnh đó, khó khăn trong tìm nguồn lực đầu tư cũng là nguyên nhân gây chậm triển khai dự án bởi vốn đầu tư xây dựng bệnh viện rất lớn. Theo đánh giá của UBND thành phố về thực trạng đầu tư nguồn lực cho y tế, mức chi ngân sách cho y tế dù tăng hằng năm nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đề ra. Trước những khó khăn ấy, thành phố đặt mục tiêu trong vòng tám năm tới xây dựng 25 bệnh viện với quỹ đất 94 ha, tổng kinh phí khoảng 16.400 tỷ đồng hẳn không tránh khỏi những ý kiến băn khoăn.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền khẳng định: Trước mắt, từ nay đến năm 2015, phải thực hiện được mục tiêu xây dựng mười bệnh viện, bởi tất cả đã có chủ trương đầu tư, vấn đề là triển khai với cơ chế nào và việc tạo quỹ đất xây dựng ra sao. Hiện nay, thành phố đã giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc giới thiệu địa điểm xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội tại huyện Từ Liêm cho nên dự án này có thể sẽ được triển khai sớm. Bệnh viện 1.000 giường Mê Linh, ngoài việc được bố trí địa điểm, còn được thành phố quyết định áp dụng cơ chế đặc thù để triển khai. Từ nay đến năm 2015, sẽ khởi công xây dựng các Bệnh viên Đa khoa Mê Linh, Xanh-pôn cơ sở 2, Bệnh viện truyền nhiễm Hà Nội, Bệnh viện Tim cơ sở 2, Bệnh viện Mắt Hà Nội…
Nhiều chuyên gia cho rằng, xây dựng thêm các bệnh viện chuyên khoa của thành phố là rất cần thiết bởi các bệnh viện này đều nằm trong khu vực nội thành, diện tích chật hẹp, cơ sở vật chất cũ và thường trong tình trạng quá tải. Song để khắc phục quá tải tại các bệnh viện thì lại không nên chỉ tập trung vào việc xây mới bệnh viện. Thực tế, trong khi các bệnh viện tuyến trung ương và thành phố quá tải, thì các bệnh viện tuyến huyện, các trung tâm y tế, trạm y tế… lại vắng người bệnh. Nguyên nhân một phần do tâm lý của người dân chỉ yên tâm khi đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở tuyến trên, nhưng phần khác còn do năng lực khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế tuyến dưới còn hạn chế; nguồn nhân lực, thiết bị chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Vì vậy, mục tiêu xây dựng hơn hai mươi bệnh viện trong một thời gian ngắn đòi hỏi ngành y tế Hà Nội cần có sự đầu tư khẩn trương, đồng bộ nguồn nhân lực. Thành phố cần xây dựng cơ chế để thu hút thêm nhân lực. Cần thành lập Trường Đại học Y, Dược của thành phố để đào tạo, phát triển nguồn bác sĩ, cán bộ cho ngành.
Giải pháp nào khắc phục?
Kế hoạch phát triển mạng lưới trường học, bệnh viện trong những năm tới của Hà Nội cho thấy sự quan tâm và quyết tâm lớn của thành phố, nhằm giải tỏa thực trạng bức xúc hiện nay. Để đạt được mục tiêu đã đề ra, cần phải có những giải pháp đồng bộ như đầu tư quỹ đất, nguồn vốn, các cơ chế chính sách, quy định ràng buộc về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, thành phố đã đề ra nhóm giải pháp xác định quỹ đất để xây trường học. Đó là: Sử dụng quỹ đất 5% của các xã dành cho phục vụ công cộng và tận dụng quỹ đất còn trống chưa khai thác. Tại các trường học hiện có ở khu vực nội thành, sẽ mở rộng diện tích đất và nâng thêm tầng, bố trí các lớp học ở tầng thấp, cán bộ, giáo viên làm việc trên tầng cao. Những diện tích đất mà các cơ sở sản xuất, các trường cao đẳng, đại học, trụ sở các bộ, ngành đã di dời ra khu vực ngoại thành, thành phố ưu tiên dành cho xây dựng trường học. Đồng thời, kiên quyết hạn chế xây dựng các chung cư cao tầng tại khu vực bốn quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Đống Đa để hạn chế tăng dân số cơ học. Tại các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu nhà ở đông dân cư đều ưu tiên quỹ đất dành cho xây trường học…
Về nhu cầu sử dụng đất của hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh, thành phố sẽ thực hiện cải tạo, nâng cấp và mở rộng tại chỗ các cơ sở khám, chữa bệnh hiện có ngoài trung tâm thành phố, để nâng cao chất lượng phục vụ và tăng số lượng giường bệnh. Đối với các cơ sở hiện có trong trung tâm thành phố, chỉ cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất; cần thiết thì chuyển đổi thành các cơ sở nghiên cứu, y tế dự phòng hoặc cơ sở khám, chữa bệnh phục vụ dân cư đô thị trung tâm; xây dựng cơ sở mới tại các tổ hợp công trình y tế đa chức năng. Thành phố sẽ xây dựng năm tổ hợp công trình y tế đa chức năng, gồm tổ hợp công trình y tế tại Sóc Sơn, Hòa Lạc, Phú Xuyên, Sơn Tây và Gia Lâm – Long Biên, mỗi tổ hợp rộng từ 50 ha đến 200 ha, để xây dựng mới các cơ sở mới cho các bệnh viện tuyến trung ương và thành phố hiện đang tập trung trong khu vực nội thành.
Để có nguồn lực đầu tư, thành phố sẽ tăng nguồn vốn đầu tư để nâng cấp các cơ sở y tế; trong đó ưu tiên củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở và y tế dự phòng, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa theo quy hoạch. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện cơ chế chính sách đặc thù của thành phố về y tế cho phù hợp với nhu cầu phát triển mạng lưới y tế và tình hình phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô.
Theo Nhandan
Ý kiến ()