Khó khăn về vốn thực hiện Quyết định 1441 của Thủ tướng Chính phủ
LSO-Quyết định số 1441/QĐ-TTg ngày 6/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch đầu tư xây dựng trụ sở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2009-2015.
LSO-Quyết định số 1441/QĐ-TTg ngày 6/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch đầu tư xây dựng trụ sở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2009-2015. Trong đó phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ 2009-2012 và giai đoạn 2 từ 2013-2015. Theo đó, mục tiêu ban đầu của kế hoạch là phấn đấu đến 2015 xây dựng mới và cải tạo nâng cấp mở rộng trụ sở cấp xã đã xuống cấp trên phạm vi toàn quốc; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước cũng như bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính ở cơ sở đặc biệt là ở khu vực vùng sâu, miền núi biên giới đặc biệt khó khăn. Ngay sau khi Quyết định 1441 của Thủ tướng có hiệu lực, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện thống kê, rà soát hiện trạng các trụ sở cấp xã, nhu cầu đầu tư mới. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã có cơ chế và hỗ trợ bằng nguồn kinh phí của tỉnh thực hiện chương trình xây dựng trụ sở cấp xã, phường, thị trấn địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, kết thúc giai đoạn 1, tỉnh Lạng Sơn mới thực hiện được 56% kế hoạch của giai đoạn do khó khăn về vốn đầu tư cho chương trình.
Trụ sở UBND xã Đội Cấn, huyện Tràng Định đang phát huy hiệu quả |
Theo thống kê, rà soát của ngành chức năng, đến hết năm 2008, tỉnh có 70 trụ sở cấp xã đã được đầu tư kiên cố cơ bản đáp ứng được điều kiện làm việc, còn 156 trụ sở là nhà cấp 4 không bảo đảm điều kiện làm việc cần phải xây dựng mới hoặc cải tạo trong giai đoạn 2009-2015. Trên cơ sở kết quả thống kê, rà soát, tỉnh đã xây dựng kế hoạch đầu tư, phân bổ lồng ghép các nguồn vốn, phấn đấu đến 2015, 100% số xã có trụ sở cơ bản đáp ứng được yêu cầu làm việc. Quá trình thực hiện chương trình, UBND tỉnh đã ban hành một số cơ chế nhằm rút ngắn thời gian đối với công tác chuẩn bị đầu tư dự án như thiết kế mẫu bản vẽ thi công, cho thực hiện hình thức chỉ định thầu xây lắp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Trong đó, giai đoạn 1 (2009-2012), phấn đấu xây dựng mới 74 trụ sở mới và cải tạo, mở rộng 10 trụ sở. Kết thúc giai đoạn 1, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng được 47 công trình, đã hoàn thành đưa vào sử dụng 35 công trình, chuyển tiếp sang năm 2013 là 12 công trình, bằng 56% kế hoạch. Còn 37 dự án chưa được triển khai với nhu cầu vốn để thực hiện khoảng 120 tỷ đồng. Về nguồn vốn tỉnh đã bố trí cho cả giai đoạn là trên 82 tỷ đồng, trong đó, vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương là 28,8 tỷ đồng, vốn cân đối ngân sách địa phương là 53,3 tỷ đồng. Sở dĩ kế hoạch đầu tư xây dựng trụ sở xã giai đoạn 1 chưa đạt kế hoạch đề ra bởi khả năng cân đối vốn từ ngân sách địa phương hạn chế và giá nguyên vật liệu, ngày công tăng cao. Hơn nữa nhiều công trình được xây dựng ở khu vực các xã vùng sâu điều kiện vận chuyển vật liệu quá khó khăn đã làm tăng dự toán đầu tư. Theo dự toán ban đầu, để xây dựng một trụ sở xã có diện tích xây dựng 410 m2, chi phí đầu tư vào khoảng 1,5 đến 1,7 tỷ đồng nhưng thực tế khi triển khai xây dựng xong một trụ sở, giá thành đã bị đội lên gần gấp đôi tức là vào khoảng 2,5 đến 3 tỷ đồng/trụ sở. Thực tế việc xây dựng trụ sở xã hoàn toàn dựa vào ngân sách nhà nước, việc huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của Chính phủ để thực hiện chương trình gặp nhiều khó khăn cũng là nguyên nhân dẫn đến chương trình xây dựng trụ sở xã của tỉnh chưa đạt kế hoạch.
Giai đoạn 2013-2015 tỉnh Lạng Sơn dự kiến triển khai xây dựng 49 trụ sở xã với tổng nhu cầu vốn khoảng 249 tỷ đồng, trong khi khả năng tự cân đối của tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu vốn cho chương trình. Tìm hiểu thực tế từ các chủ đầu tư cho thấy, trong bối cảnh nguồn vốn tỉnh cân đối cho huyện hạn chế như hiện nay, công tác đầu tư xây dựng trụ sở xã sẽ ngày càng khó khăn. Giai đoạn 2013-2015, nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ nguồn vốn của trung ương thì đến năm 2015, kế hoạch cơ bản thực hiện xong chương trình đầu tư xây dựng trụ sở xã của tỉnh Lạng Sơn sẽ khó hoàn thành.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()