Khó khăn về nguồn lực cho chương trình giáo dục phổ thông mới
Học sinh Trường tiểu học Lê Văn Hiến, quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) đọc sách trong khu vườn tuổi thơ.
Theo Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) TP Ðà Nẵng, nhiều năm qua, các cấp ủy chính quyền quan tâm đến chất lượng dạy học, nhất là xây dựng cơ sở vật chất để tổ chức dạy học hai buổi/ngày cho học sinh tiểu học đã được Hội đồng nhân dân TP Ðà Nẵng ban hành Nghị quyết riêng để thực hiện. Hiện tại, tỷ lệ học sinh được học hai buổi/ngày toàn thành phố là 97,04%. Sở GD và ÐT đã chỉ đạo phòng GD và ÐT các quận, huyện, các trường phổ thông có cấp tiểu học xây dựng kế hoạch, dự kiến số học sinh, số lớp chọn giáo viên, phân công giáo viên giảng dạy, ưu tiên phòng để 100% số học sinh lớp 1 được học hai buổi/ngày. Vì vậy, cơ sở vật chất của các trường cơ bản đáp ứng được các yêu cầu để triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới.
Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD và ÐT Ðà Nẵng cho biết, năm học 2020 – 2021, thành phố dự kiến có 617 lớp với 21.424 học sinh lớp 1; bình quân 34,7 học sinh/lớp. Khi thực hiện chương trình GDPT mới ở lớp 1, sẽ bảo đảm tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp, đủ để thực hiện chương trình dạy học hai buổi/ngày. Ðến nay, Sở đã cử cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán tham gia các lớp tập huấn về chương trình GDPT mới do Bộ GD và ÐT tổ chức cũng như xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng giáo viên tiểu học năm học 2019 – 2020 thực hiện chương trình GDPT mới. Theo đó, 100% số giáo viên giảng dạy lớp 1 năm học 2020 – 2021 được bồi dưỡng về tổng thể chương trình, sau đó sẽ tập huấn từng phần, về sử dụng sách giáo khoa.
Tuy nhiên, một số trường tiểu học có từ ba đến năm điểm trường như Trường tiểu học Hòa Bắc, Trường tiểu học Hòa Phú, Trường tiểu học số 2 Hòa Tiến, Trường tiểu học An Phước (huyện Hòa Vang) và Trường tiểu học Trần Cao Vân (quận Thanh Khê) còn khó khăn trong việc tổ chức dạy học các môn Ngoại ngữ, Tin học. Ngoài ra, tỷ lệ học sinh/lớp ở một số trường trung tâm khá cao so với sĩ số quy định là 35 học sinh cũng là thách thức trong quá trình triển khai và thực hiện dạy theo chương trình GDPT mới. Ðáng chú ý, thực tế hiện nay tại một số địa phương như huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu đang thiếu giáo viên và vẫn chưa thể thực hiện hoàn toàn việc dạy hai buổi/ngày.
Theo Trưởng phòng GD và ÐT huyện Hòa Vang Phạm Hồ Quỳnh Trang, nhiều năm qua, huyện thiếu giáo viên trầm trọng, mặc dù Sở GD và ÐT đã giao chỉ tiêu nhưng địa phương không có nguồn để tuyển. Nhiều trường đã phải hợp đồng cả giáo viên tốt nghiệp bậc trung cấp để dạy. Ðiển hình như tại Trường tiểu học Hòa Bắc, đang thiếu giáo viên vì khó tuyển và nếu tuyển được thì giáo viên không gắn bó lâu dài vì địa bàn quá xa, đi lại khó khăn.
Thầy Nguyễn Thọ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Bắc chia sẻ: Trường nằm ở địa bàn miền núi, với năm điểm ở cách xa nhau cho nên gặp nhiều khó khăn khi thực hiện chương trình GDPT mới. Hơn nữa, hiện nay các chế độ phụ cấp cho giáo viên miền núi không còn, vì thế giáo viên cũng ít mặn mà. Tại quận Liên Chiểu, theo báo cáo, những năm qua trên địa bàn quận dân số cơ học tăng nên tỷ lệ học sinh tăng hằng năm đáng kể. Dự kiến, năm học 2020 – 2021, toàn quận có 13 trường với 414 lớp và 16.082 học sinh. Ðể bảo đảm nâng tỷ lệ học sinh học hai buổi/ngày theo chương trình GDPT mới cần có hơn 600 giáo viên, tăng gần 50 giáo viên. Tại quận Sơn Trà, thiếu 15 giáo viên mới bảo đảm theo yêu cầu…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Ðà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, UBND thành phố đã yêu cầu các đơn vị liên quan sớm triển khai phương án tuyển dụng giáo viên, thay đổi các tiêu chuẩn để phù hợp với điều kiện như công tác tuyển dụng giáo viên ngoại tỉnh, yêu cầu trình độ đối với giáo viên tiểu học. Ngành GD và ÐT khẩn trương làm việc với Sở Tài chính về nguồn kinh phí để mua sắm trang thiết bị, kỹ thuật phục vụ chương trình; hướng dẫn quy trình chọn sách giáo khoa…
Ý kiến ()