Khó khăn và giải pháp tháo gỡ
Các cháu lớp 4 tuổi, cơ sở mầm non Hương Ly (thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc) trong giờ tập tô màu |
Yếu ớt về quy mô, bất cập trong thực hiện
Năm học 2016-2017, toàn tỉnh có 7 trường, 9 cơ sở và 6 nhà trẻ tư thục với 86 nhóm lớp, thu hút 2.409 học sinh. Trừ 3 trường trên địa bàn thành phố như: Tuổi Thơ, Đông Kinh, Tuổi Thần Tiên được thuê đất và xây dựng trường, một số cơ sở MN thuê và cải tạo phòng của cơ quan, doanh nghiệp như: cơ sở MN Anh- Việt, Cung Thiếu nhi… còn lại chủ yếu là cải tạo, sử dụng đất của gia đình để xây dựng, bố trí phòng học. Khảo sát của Sở GD&ĐT cho thấy, chỉ có 7/22 trường và cơ sở đủ diện tích tối thiểu/ trẻ theo quy định của Điều lệ trường MN (từ 8-12 m2/trẻ). Số còn lại không đảm bảo diện tích theo quy định như: Trường MN Thúy Nga 1,4 m2, Trường MN Hằng Nga 2,6 m2, cơ sở MN Anh-Việt 2,0 m2, cơ sở Hương Ly (Cao Lộc) 2,7 m2… Cơ sở chật hẹp, tuyển sinh vượt quá số trẻ/lớp dẫn đến tình trạng vi phạm cam kết khi xin cấp phép thành lập, cấp phép hoạt động giáo dục. Thậm chí một số cơ sở không có phòng học, phòng vệ sinh đúng quy cách, không có không gian vui chơi, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ và nguy cơ gây mất an toàn.
Trong những năm gần đây, do nguồn “đầu ra” của các trường sư phạm MN khá phong phú nên các trường và cơ sở NCL đã hợp đồng được đội ngũ giáo viên có chất lượng. Tuy vậy, do tỷ lệ phần trăm chi trả cho giáo viên trong tổng thu học phí thấp nên tiền công, tiền lương chưa đảm bảo. Trong 22 cơ sở, chỉ có Trường MN Hằng Nga (thành phố) trả lương ở hệ số 2,38; Trường MN Đông Kinh và Tuổi Thần Tiên trả theo hệ số 1,86; cơ sở MN Nguyễn Trãi, Hoa Trạng Nguyên (Cao Lộc) trả theo mức 1 hệ số, còn lại đều trả lương “cứng” theo thỏa thuận. Bên cạnh đó, chỉ có 8 cơ sở chi trả phụ cấp khu vực, 9 cơ sở chi trả phụ cấp đứng lớp với các mức khác nhau. Trong tổng số 22 trường và cơ sở, có 3 trường, cơ sở có mức chi trả trên 4 triệu đồng/tháng, 6 trường và cơ sở chi trả từ 3 triệu đến 3,7 triệu đồng/tháng; số còn lại chỉ từ 2 triệu đến 2,8 triệu đồng/tháng. Trong tổng số 185 giáo viên, chỉ có 91 người được đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.
Thu nhập thấp, không được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách, một bộ phận giáo viên thiếu chuyên tâm trong công việc nên ảnh hưởng đến chất lượng nuôi dạy.
Những giải pháp tháo gỡ
Loại hình NCL là bộ phận hữu cơ của cấp học MN. Nó vừa là sự phát triển tất yếu do tác động của chính sách xã hội hóa, vừa là sự đáp ứng đa dạng của xã hội trong khi nhà nước chưa đủ lực để gánh vác cấp học này. Quan trọng như vậy, song trong nhiều năm qua mới chỉ có 3 trường được thuê đất (Tuổi thơ, Đông Kinh, Tuổi Thần tiên), trong đó có 2 trường được miễn thuế sử dụng đất (Tuổi Thơ, Tuổi Thần Tiên); ngoài ra vẫn chưa có cơ chế, chính sách giúp đỡ loại hình này phát triển. Một chủ trường ở khu vực thành phố nói với chúng tôi: “Vẫn biết là bỏ vốn ra để làm giáo dục là phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm hoàn toàn. Song giáo dục là một hoạt động đặc biệt, vốn bỏ ra nhiều, thu lời rất thấp nên rất cần sự giúp đỡ của nhà nước, của địa phương”.
Về phương án hỗ trợ, cô Vi Thị Giao, Trưởng phòng Giáo dục MN – Sở GD&ĐT cho biết: Phòng đã tiến hành tổng hợp nguyện vọng của các chủ trường và cơ sở NCL: có 21/22 đơn vị đề nghị hỗ trợ đồ dùng, đồ chơi ngoài trời, bộ thiết bị tối thiểu cho nhóm, lớp. Hỗ trợ lương cho giáo viên. Một phương án khác được các cơ sở kiến nghị là hỗ trợ mức 50% tiền học phí đối với các cơ sở có quy mô dưới 100 trẻ, mức 25% đối với cơ sở có quy mô từ trên 100 trẻ đến dưới 200 trẻ và mức 15% đối với các cơ sở có từ 200 trẻ trở lên. Ngoài ra, các cơ sở kiến nghị hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp để mở rộng quy mô và hỗ trợ kinh phí cho bồi dưỡng nghiệp vụ giáo viên.
Theo tính toán của Sở GD&ĐT, nếu hỗ trợ đồ dùng, đồ chơi, mỗi năm ngân sách phải chi trên 1,7 tỷ đồng, hỗ trợ lương cho giáo viên trên 2,6 tỷ đồng; hỗ trợ tiền học phí khoảng trên dưới 4 tỷ đồng. Qua tham khảo kinh nghiệm phát triển Giáo dục MN loại hình NCL của các tỉnh bạn, việc hỗ trợ trực tiếp cho việc xây dựng trường theo mức từ 150-250 triệu đồng/phòng cũng đã được ngành GD&ĐT tính đến trong việc soạn thảo cơ chế đối với loại hình MN NCL để trình UBND tỉnh.
Ý kiến ()