Khó khăn trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Hiện nay, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đang diễn ra ngày càng phức tạp. Việc xâm phạm biến tướng dưới nhiều hình thức để qua mặt cơ quan chức năng. Nhiều đối tượng còn công khai hoạt động buôn bán trên mạng in-tơ-nét, đăng tải những thông tin giả mạo khiến người tiêu dùng cho rằng, hàng giả đấy chính là… hàng thật.
Năm 2016, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai thực hiện 48 cuộc thanh tra về SHTT trên phạm vi toàn quốc, phát hiện nhiều cơ sở vi phạm về kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, cạnh tranh không lành mạnh… với 1số tiền xử phạt hơn 1,4 tỷ đồng. Trong đó, đã tiêu hủy và loại bỏ yếu tố vi phạm hơn 205.444 sản phẩm về dược phẩm, bánh kẹo, thuốc bảo vệ thực vật… Hoạt động bảo vệ, thực thi quyền SHTT đang được đẩy mạnh dựa trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy hoạt động thương mại và chuyển giao công nghệ hợp pháp. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam việc xâm phạm quyền SHTT vẫn diễn ra công khai hằng ngày, trên các tuyến phố buôn bán và ở các diễn đàn, mạng xã hội. Ngay cả những sản phẩm tưởng là khó bị giả mạo nhất như thuốc, các sản phẩm hỗ trợ điều trị một số bệnh… được bán tại các hiệu thuốc cũng đều có khả năng là hàng giả, gắn mác “xách tay” để lừa dối người tiêu dùng.
Theo đại diện Công ty cổ phần Thương mại và Xuất, nhập khẩu Hưng Thắng (HT Pharma), mặc dù HT Pharma là đại diện thương mại độc quyền về sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư Vidatox của Labiofam (Cu-ba) tại Việt Nam, nhưng trên thị trường cũng có nhiều địa chỉ giả mạo bán hàng giả, hàng kém chất lượng cạnh tranh một cách công khai. Nhiều đối tượng còn lập trang thông tin điện tử bán hàng, tự nhận là nơi bán sản phẩm “chính hãng”, đưa nhiều thông tin sai cho khách hàng. Thậm chí có nơi còn dán cả tem chống hàng giả, tem điện tử để người tiêu dùng tin tưởng hơn khi mua sản phẩm. Những sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ như vậy thường có giá bán chỉ bằng 1/2 đến 1/3 so với hàng thật… Khi chúng tôi tìm đến những địa chỉ bán sản phẩm “xách tay” như vậy, người bán giải thích do đây là hàng được “xách tay” trực tiếp từ trong công ty ra nên có giá rẻ…
Nhiều sản phẩm khác như các loại kem dưỡng da, túi xách, ví của thương hiệu DIOR, Louis Vuitton… cũng bị làm giả, bán tràn lan, công khai trên mạng. Chính vì vậy mà các đơn vị đang được ủy quyền một số nhãn hiệu, sản phẩm ở nước ngoài cũng “đau đầu” khi chưa biết phải giải quyết việc xâm phạm quyền SHTT hiện nay như thế nào. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp và khiến người tiêu dùng cũng bị thiệt hại khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang ngày càng tinh vi, qua mặt được người tiêu dùng và cả cơ quan chức năng. Thậm chí, để có thể xác định được việc giả mạo sản phẩm, nhiều đơn vị được ủy quyền thương hiệu buộc phải xác minh bằng chuyên gia từ hãng, rất tốn kém, nhưng hiệu quả xử lý vẫn chưa mang tính chất răn đe. Do đó, nhiều loại mặt hàng, sản phẩm chính hãng chỉ còn cách tự bảo vệ thông qua các phương tiện truyền thông, đưa các thông tin để chứng minh, dán tem bảo đảm… nhưng hiệu quả chưa cao.
Trao đổi với chúng tôi, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Minh Dũng cho biết, các sản phẩm không có nguồn gốc, hóa đơn mua hàng hay gọi là “xách tay”, không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ khi đưa ra thị trường tại Việt Nam thì đều là hàng giả. Nhiều đối tượng đã tìm cách hợp thức hóa bằng việc “dán tem” chống hàng giả, nhưng bản chất của việc này chỉ là một phương thức bảo đảm của “bên bán” với “bên mua” không có giá trị về mặt pháp lý. Việc hàng giả đang xuất hiện tràn lan trên thị trường là có thật, tuy nhiên để có thể xử lý được, cơ quan chức năng cần các chủ thể quyền của các nhãn hàng đó tại Việt Nam có yêu cầu xử lý. Do đó, những đơn vị đã được ủy quyền làm đại diện thương mại các sản phẩm, thương hiệu, nhãn hàng (chủ thể quyền tại Việt Nam) cần chủ động hơn nữa trong việc tự bảo đảm quyền lợi trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Hiện nay, các quy định, chế tài xử lý các vấn đề vi phạm về SHTT đã có đủ. Với mức xử phạt hành chính lên đến 500 triệu đồng và có thể đưa ra truy tố hình sự cũng đủ để răn đe các cá nhân, tổ chức vi phạm quyền SHTT. Tuy nhiên, vì lý do siêu lợi nhuận đến từ việc xâm phạm SHTT, cho nên việc vi phạm vẫn tiếp diễn. Do đó, bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm quyền SHTT, vẫn cần nâng cao nhận thức pháp lý của người dân về quyền SHTT trong việc xác lập, khai thác, phát triển và bảo vệ giá trị tài sản SHTT.
Theo Nhandan
Ý kiến ()