Khó khăn trong xử lý các doanh nghiệp nợ đọng thuế ở Nam Ðịnh
Cán bộ Cục Thuế Nam Định hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thủ tục trả nợ thuế. Ngành thuế Nam Định đang đối mặt với nợ đọng thuế tăng cao cho dù đã hoàn thành kế hoạch thu thuế cả năm nay ngay từ cuối tháng 8. Khó khăn nhất là việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế, nhiều vướng mắc đang cần được quan tâm tháo gỡ.Cục Thuế tỉnh Nam Định cho biết, đến ngày 31-10, tổng nợ đọng thuế trên địa bàn toàn tỉnh đã vượt quá 200 tỷ đồng, chiếm hơn 10% tổng thu ngân sách của địa phương, trong khi ngưỡng quy định của Tổng cục Thuế là 4%. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp cố tình không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, nợ kéo dài từ năm này qua năm khác mặc dù cán bộ thuế thường xuyên nhắc nhở, thậm chí thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền gửi trong tài khoản ngân hàng của đối tượng nợ thuế. Điển hình là Công ty TNHH Đức Phương (khu công nghiệp Hòa Xá) có số nợ lên đến 46,9 tỷ đồng, trong đó nợ tiền phạt chậm nộp...
|
Cục Thuế tỉnh Nam Định cho biết, đến ngày 31-10, tổng nợ đọng thuế trên địa bàn toàn tỉnh đã vượt quá 200 tỷ đồng, chiếm hơn 10% tổng thu ngân sách của địa phương, trong khi ngưỡng quy định của Tổng cục Thuế là 4%. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp cố tình không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, nợ kéo dài từ năm này qua năm khác mặc dù cán bộ thuế thường xuyên nhắc nhở, thậm chí thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền gửi trong tài khoản ngân hàng của đối tượng nợ thuế. Điển hình là Công ty TNHH Đức Phương (khu công nghiệp Hòa Xá) có số nợ lên đến 46,9 tỷ đồng, trong đó nợ tiền phạt chậm nộp là 18,9 tỷ đồng. Doanh nghiệp này tìm mọi cách để trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước dù bị cán bộ thuế liên tục đốc thúc. Cuối cùng, Cục Thuế phải làm một việc chưa có tiền lệ, đó là mời đích danh chủ doanh nghiệp làm việc với lãnh đạo tỉnh để “ba mặt một lời”. Tuy nhiên, viện lý do không bán được hàng, kinh doanh thua lỗ nên doanh nghiệp đến nay vẫn chưa đóng một đồng tiền thuế nào!
Danh sách các “con nợ” thuế chây ỳ, kéo dài nhiều năm còn có Công ty liên doanh TNHH Luveco (nợ 3,7 tỷ đồng), Tổng Công ty xây lắp điện Nam Hà (3,2 tỷ đồng), Công ty cổ phần thương mại tổng hợp Nam Định (2,1 tỷ đồng). Trưởng phòng Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế (Cục Thuế Nam Định) Ngô Xuân Nam cho biết: Hiện nay, mức xử phạt chậm nộp thuế là 0,05%/ngày, tương đương 1,5%/tháng, thấp hơn so với lãi suất tín dụng của các ngân hàng thương mại. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp cố tình chậm nộp, chiếm dụng tiền thuế và chấp nhận để cho cơ quan thuế phạt! Điều đáng nói, việc cưỡng chế nợ thuế gặp rất nhiều khó khăn dù đã được quy định rõ trong Luật. Trong bảy biện pháp cưỡng chế thu thuế (theo Điều 93 Luật Quản lý thuế ngày 29-11-2006 của Quốc hội), ngành thuế hiện chỉ mới dừng lại ở biện pháp thứ nhất (trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác). Thực tế, cơ quan thuế không đủ khả năng thực hiện biện pháp tiếp theo là kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên đối với các doanh nghiệp nợ đọng thuế. Lý do là tài sản của hầu hết doanh nghiệp nợ đọng thuế trên địa bàn đều đã được thế chấp tại các địa phương khác, vượt quá quyền hạn của Cục Thuế. Hơn nữa, việc thực hiện biện pháp cưỡng chế này cần nhiều thời gian và rất phức tạp, từ việc kê biên, định giá tài sản đến thực hiện cưỡng chế. Ngoài việc phải có kho bãi để cất giữ số tài sản trên trước khi đem ra đấu giá, cơ quan thuế còn phải phối hợp với nhiều cơ quan, ban, ngành liên quan khác để thực hiện được việc này. Ngay cả khi áp dụng biện pháp dễ nhất là cưỡng chế trích tiền từ tài khoản của đối tượng nợ thuế, cơ quan thuế cũng đã gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là các doanh nghiệp có nhiều tài khoản để giao dịch tại các chi nhánh ngân hàng trong và ngoài tỉnh. Nếu bị phong tỏa tài khoản này, họ vẫn còn có những tài khoản khác để tiếp tục hoạt động. Hơn nữa, khi biết bị cưỡng chế, doanh nghiệp có đủ thời gian để rút hết tiền trong tài khoản ngân hàng của mình nên số tiền ngành thuế thu được chẳng bao nhiêu. Từ đầu năm đến nay, Cục Thuế Nam Định đã thông báo áp dụng biện pháp cưỡng chế tới 225 doanh nghiệp với tổng số tiền 249,3 tỷ đồng, trong đó đã áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản tiền gửi với tổng số tiền gần 11,7 tỷ đồng. Nhưng đến thời điểm này, số tiền thu được chỉ vỏn vẹn100 triệu đồng!
Theo quy định của Luật Quản lý thuế, các biện pháp cưỡng chế nợ thuế phải thực hiện theo đúng quy trình, đúng thứ tự từ biện pháp nhẹ nhất là trích tiền từ tài khoản tiền gửi của đối tượng nợ thuế đến hai biện pháp nặng nhất là thu hồi mã số thuế, đình chỉ việc sử dụng hóa đơn và thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh. Quy định này đang làm khó chi cục thuế nhiều địa phương vì nếu áp dụng tuần tự các biện pháp cưỡng chế vừa mất nhiều thời gian, lại mất cơ hội xử lý kịp thời những trường hợp cố tình chây ỳ. Nhằm tháo gỡ những khó khăn trên, Phó Chi cục trưởng Cục Thuế Nam Định Trần Thị Kim Dung kiến nghị, cần nhanh chóng nghiên cứu sửa đổi quy định về cưỡng chế nợ thuế theo hướng cho phép cơ quan thuế được chủ động áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp, thậm chí cho phép thực hiện đồng thời các biện pháp để thu hồi nợ đọng thuế một cách có hiệu quả nhất. Ngoài ra, cần nâng mức xử phạt nợ thuế hợp lý, bảo đảm công bằng cho các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()