Khó khăn trong việc tiêu hủy vũ khí hóa học ở Xy-ri
Nhóm chuyên gia quốc tế về giải trừ vũ khí hóa học đã bắt đầu sứ mệnh tiêu hủy vũ khí hóa học ở Xy-ri, theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ (HÐBA), với hạn chót vào giữa năm 2014. Giới chuyên gia cảnh báo, nhiều khó khăn đang đặt ra, nhất là phải xử lý số vũ khí này trong lúc xung đột leo thang ác liệt ở quốc gia Trung Ðông này.
Nhóm chuyên gia quốc tế về giải trừ vũ khí hóa học đã bắt đầu sứ mệnh tiêu hủy vũ khí hóa học ở Xy-ri, theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ (HÐBA), với hạn chót vào giữa năm 2014. Giới chuyên gia cảnh báo, nhiều khó khăn đang đặt ra, nhất là phải xử lý số vũ khí này trong lúc xung đột leo thang ác liệt ở quốc gia Trung Ðông này.
Nhóm 19 chuyên gia thuộc Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đã tới Thủ đô Ða-mát hôm 2-10, bắt đầu nhiệm vụ liệt kê các kho vũ khí hóa học ở Xy-ri. Ðây là bước quan trọng trong lộ trình giải giáp vũ khí hóa học ở Xy-ri theo thỏa thuận Nga-Mỹ, gồm: Xy-ri gia nhập OPCW, công bố vị trí các kho vũ khí hóa học, cho phép các thanh sát viên OPCW tới kiểm chứng và hợp tác với thanh sát viên quốc tế tiêu hủy vũ khí hóa học. Trước đó, Ða-mát đã gia nhập OPCW và trình LHQ báo cáo về các kho vũ khí hóa học. Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực vũ khí vẫn cảnh báo, tiến trình xử lý số vũ khí hóa học ở Xy-ri sẽ không dễ dàng.
Khó khăn trước mắt là tìm kiếm và quản lý kho vũ khí hóa học tại Xy-ri. Các chuyên gia ước tính, ở Xy-ri hiện có khoảng 1.000 tấn vũ khí hóa học được cất giữ ở 45 địa điểm, trong đó có cả những địa điểm không nằm trong vùng kiểm soát của chính phủ. Cả Nga và Mỹ đến nay vẫn chưa có một bản sơ đồ đầy đủ về số lượng và địa điểm cất giấu vũ khí hóa học ở Xy-ri. Ðiều này đồng nghĩa, việc nỗ lực lên danh sách kho vũ khí hóa học ở Xy-ri phụ thuộc phần lớn thiện chí hợp tác của chính quyền Tổng thống A.Át-xát.
Nhưng ngay cả khi Ða-mát sẵn sàng hợp tác, con đường phía trước vẫn đầy gian nan. Trường hợp thông tin về vũ khí hóa học Ða-mát cung cấp là chính xác, cũng không ai bảo đảm không có những thất thoát, sai lệch trong các quá trình sản xuất, bảo quản và sử dụng thời gian qua ở Xy-ri. Ðể công việc kê khai hiệu quả, các thanh sát viên OPCW phải được tiếp cận mọi cơ sở và cá nhân liên quan chương trình vũ khí hóa học. Ðây thật sự là thách thức lớn trong bối cảnh chiến tranh ở Xy-ri, các chuyên gia không thể tiếp cận những địa điểm đã không còn nằm trong tay Ða-mát.
Loại bỏ kho vũ khí hóa học ở Xy-ri không đơn giản chỉ là tiêu hủy các chất hóa học, mà là cả một chương trình phức tạp, gồm nhiều công đoạn, tốn cả thời gian, không gian và chi phí hết sức tốn kém. Kinh nghiệm từ Mỹ cho thấy, quân đội nước này phải mất hơn hai năm và tiêu tốn hơn hai tỷ USD, nhưng cũng mới hoàn thành phá hủy gần 90% trong số hơn 30 nghìn tấn vũ khí hóa học sau chiến tranh lạnh. Nga cũng rất vất vả để loại bỏ kho vũ khí hóa học vào thời điểm nhiều nhất lên tới 40 nghìn tấn. Ước tính, chi phí tiêu hủy vũ khí hóa học tại Xy-ri có thể tới một tỷ USD.
Các công đoạn tiêu hủy vũ khí hóa học ở Xy-ri cần thực hiện tại các địa điểm riêng biệt, nhưng việc di chuyển vũ khí hóa học đến một địa điểm tập trung trong bối cảnh chiến sự vẫn diễn ra ác liệt sẽ hết sức khó khăn và thiếu an toàn. Vì thế, LHQ có thể phải xây dựng cơ sở xử lý vũ khí mới tại Xy-ri hoặc đưa các thiết bị di động của Mỹ tới xử lý. Tuy nhiên, các hệ thống di động của Mỹ chưa có kinh nghiệm xử lý tại khu vực chiến tranh, cũng như đối với khối lượng lớn vũ khí hóa học như ở Xy-ri, theo đánh giá của cả Nga và Mỹ là khoảng 1.000 tấn. Hơn nữa, việc bảo đảm an toàn cho các loại vũ khí hóa học được tập kết chờ tiêu hủy có thể gặp nhiều rủi ro. Một đề xuất có thể tính đến, đó là di chuyển vũ khí hóa học ra khỏi Xy-ri tới một nước khác để xử lý. Nhưng câu hỏi đặt ra là quốc gia nào, khu vực nào sẵn sàng đón nhận số vũ khí nguy hiểm này, chưa kể chi phí đội lên rất nhiều…
Thỏa thuận giữa Nga và Mỹ đặt lộ trình loại bỏ vũ khí hóa học ở Xy-ri được cộng đồng quốc tế hoan nghênh. Tuy nhiên, hai bên vẫn còn khác biệt lớn về đánh giá những cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học trong vụ tiến công ở ngoại ô Ða-mát hôm 21-8. Nga từng cảnh báo, thay vì đe doạ trừng phạt hay tiến công quân sự, các bên cần tập trung hoàn tất kế hoạch hoàn chỉnh và khả thi cho nhiệm vụ hết sức gian nan là tiêu hủy kho vũ khí hóa học này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()