Khó khăn trong việc tiếp cận vốn của các HTX
LSO- Toàn tỉnh hiện còn trên 150 hợp tác xã (HTX) đăng ký hoạt động trên các lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ… Đa số các HTX đều có nhu cầu vay vốn để duy trì cũng như mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên,việc tiếp cận vốn của các HTX hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn.
LSO- Toàn tỉnh hiện còn trên 150 hợp tác xã (HTX) đăng ký hoạt động trên các lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ… Đa số các HTX đều có nhu cầu vay vốn để duy trì cũng như mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên,việc tiếp cận vốn của các HTX hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn.
Được thành lập từ năm 1998, HTX Khai thác sản xuất kinh doanh vật liệu Na Hoa (HTX Na Hoa) hoạt động khai thác cát ven sông Thương, sông Trung đoạn chảy qua địa bàn xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao nên các hộ xã viên đã thống nhất góp tiền đầu tư một dây chuyền khai thác cát với đầy đủ phương tiện như máy móc, thuyền, bè , ống dẫn, xây dựng bến bãi tập kết và vận chuyển cát. Ông Lương Văn Nhận, Chủ nhiệm HTX cho biết: Thị trường vật liệu xây dựng mà HTX tiếp cận được ngày một mở rộng, do đó Ban quản trị đã bàn với bà con xã viên mở thêm một số ngành nghề như sản xuất ống cống bê tông, vôi bột, gạch ba banh. Tính là vậy nhưng khi bắt tay vào thực hiện, HTX đã gặp phải không ít khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất chính là nguồn vốn. Ông Nhận cho biết thêm: Việc huy động vốn trong xã viên HTX rất khó bởi đầu tư dây chuyền vào sản xuất vật liệu đòi hỏi vốn tương đối lớn. HTX cũng đã chủ động tìm cách tiếp cận vốn từ ngân hàng, tuy nhiên do vướng mắc một số thủ tục nên vẫn không thể vay được vốn. Không có vốn, HTX vẫn hoạt động nhưng không có những bước chuyển tích cực nào.
Xã viên HTX nông màu Rọ Phải, xã Mai Pha lai ghép giống dưa hấu Thái Lan với giống bầu địa phương cho năng suất cao
HTX Na Hoa chỉ là một trong số ít những HTX có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Số đông các HTX khác trên địa bàn tỉnh cần đến nguồn vốn để duy trì hoạt động trước nguy cơ phải tạm ngừng sản xuất hay bắt buộc giải thể do thiếu vốn. Ông Hoàng Văn Sóng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Tính đến hết năm 2012, toàn tỉnh có 311 HTX (trên thực tế chỉ còn 151 HTX do 160 HTX đã ngừng hẳn hoạt động nhưng chưa làm thủ tục giải thể) với tổng số vốn điều lệ 86.365 triệu đồng, 6.068 xã viên và người lao động tham gia trong lĩnh vực kinh tế này. Tuy nhiên, chưa đến 10% số HTX của tỉnh vay được vốn, trong khi đó gần như 100% số HTX đều có nhu cầu vay vốn. Số ít HTX tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng do họ đáp ứng được những yêu cầu do ngân hàng đặt ra. Các HTX còn lại mặc dù thực sự có nhu cầu vay vốn nhưng những điều kiện căn bản như trụ sở, nhà xưởng, đất canh tác, phương án sản xuất kinh doanh chưa có hoặc đã có nhưng không rõ ràng. Phần lớn các HTX hiện nay đều chưa có trụ sở riêng, một số HTX vẫn nhờ trụ sở cũ ở UBND xã, thị trấn, còn lại phần lớn trụ sở vẫn đặt tại nhà của chủ nhiệm dẫn đến những khó khăn trong việc giao dịch, khó tạo được một cơ sở pháp lý vững chắc cho các HTX…
Một thực tế nữa dẫn đến việc khó tiếp cận vốn của các HTX chính là những phương án kinh doanh chưa rõ ràng, cụ thể để có thể thuyết phục phía ngân hàng cho vay. Để có được phương án kinh doanh hiệu quả đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo HTX phải có trình độ. Tuy nhiên, hiện tại toàn tỉnh mới chỉ có 6,4% quản lý HTX đạt trình độ cao đẳng, đại học. Số cán bộ quản lý HTX trình độ thấp vẫn chiếm số đông đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đưa ra một định hướng phát triển rõ ràng, toàn diện cho các HTX.
HTX thuỷ sản Nà Pia cần vốn để mở rộng quy mô nuôi trồng thuỷ sản
Ảnh: ĐÌNH QUYẾT
Từ những thực tế nêu trên, cơn khát vốn của các HTX vẫn chưa tìm ra được hướng đi cụ thể nào. Trong một buổi tọa đàm giữa đại diện các HTX với ngân hàng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Lạng Sơn cũng đã chia sẻ những khó khăn trong việc tiếp cận vốn của các HTX trong đó nhấn mạnh việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các HTX có cơ hội vay vốn. Tuy nhiên, các HTX còn thiếu rất nhiều điều kiện, trong đó có một số điều kiện căn bản nhất cũng không đáp ứng được khiến cho phía ngân hàng cũng khó giải quyết. Bởi vậy, chính các HTX cần chủ động đáp ứng những yêu cầu cơ bản để ngân hàng có cơ sở để giải quyết khó khăn về vốn cho các HTX.
Mặc dù đã có những cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho sự phát triển của HTX như Nghị định số 41/2010/NĐ-CP tháng 12/2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tuy nhiên, các HTX trên địa bàn tỉnh cũng chưa đáp ứng được những điều kiện để có thể tiếp cận được những nguồn vốn ưu đãi. Không tiếp cận được những nguồn vốn từ phía ngân hàng hay những nguồn vốn ưu đãi, các HTX trên địa bàn tỉnh còn chưa có cơ hội tiếp cận vốn thông qua quỹ hỗ trợ phát triển HTX do tỉnh hiện nay chưa thành lập được quỹ này. Để giải quyết bài toán về vốn cho các HTX, ngoài những cơ chế, chính sách ưu đãi của nhà nước đối với lĩnh vực kinh tế này thì tự bản thân các HTX cũng phải vạch ra cho mình những bước đi cụ thể, rõ ràng để việc tiếp cận vốn từ các kênh được thuận lợi hơn.
Đình Quyết
Ý kiến ()