Khó khăn trong thực hiện Đề án 818
– Đề án “Xã hội hoá cung cấp phương tiện tránh thai (PTTT) và dịch vụ kế hoạch hoá gia đình/sức khoẻ sinh sản (KHHGĐ/SKSS) tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển” (Đề án 818) được Bộ Y tế triển khai từ năm 2015. Bên cạnh những kết quả đạt được trong thực hiện đề án, thời gian gần đây, việc xã hội hoá cung cấp các PTTT, dịch vụ KHHGĐ/SKSS trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các hoạt động và hiệu quả của đề án.
Cán bộ chuyên trách Dân số xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn tuyên truyền, phát tờ rơi cho người dân về Đề án 818
Trước năm 2015, người dân trên địa bàn tỉnh được bao cấp sử dụng các PTTT, từ đầu năm 2016, thực hiện Đề án 818 của Bộ Y tế, ngành dân số tỉnh đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, tư vấn để phân phối các sản phẩm, PTTT đến người dân theo hình thức xã hội hoá. Kết quả, từ năm 2016, người dân đã dần thay đổi nhận thức, chủ động chi trả để sử dụng các PTTT phù hợp với nhu cầu. Nhờ đó, doanh thu từ việc phân phối các PTTT của tỉnh Lạng Sơn từ năm 2016 đến năm 2020 được Ban Quản lý Đề án 818 Trung ương đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về doanh số bán hàng.
Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, việc thực hiện Đề án 818 cũng gặp phải những khó khăn. Đầu tiên có thể kể đến là hiện nay, nhiều cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đi làm ăn xa tại các tỉnh khác, không ở địa phương nên không sử dụng các sản phẩm từ Đề án 818. Trong khi đó, người dân sống và làm việc tại địa phương chủ yếu làm nông nghiệp, mức thu nhập thấp nên chỉ chi trả để mua các sản phẩm như: bao cao su, thuốc tránh thai… còn các sản phẩm chăm sóc SKSS như: thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Tố nữ Hoàng Sâm, canxi daily… chưa được người dân quan tâm sử dụng do giá thành cao so với thu nhập của người dân ở nông thôn (dao động từ 100.000 đến 500.000 đồng/sản phẩm).
Cùng đó, nguồn PTTT xã hội hoá hay bị gián đoạn, làm ảnh hưởng nhiều đến việc phân phối, đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng. Chị Hoàng Thị Tuyết Nhung, cán bộ chuyên trách Dân số xã Long Đống, huyện Bắc Sơn cho biết: Người dân trên địa bàn ưa chuộng sử dụng các sản phẩm như: dung dịch vệ sinh phụ nữ, Canxi D3… nhưng do nguồn hàng không đều, nhiều người đến hỏi mua nhưng đều hết hàng. Khi đó, họ sẽ lựa chọn mua ở các hiệu thuốc tư nhân và không quay trở lại mua tại trạm y tế nữa. Từ đầu năm 2023 đến nay, chúng tôi đã đăng ký mua các sản phẩm với Trung tâm Y tế huyện nhưng đến nay vẫn chưa được phân phối về trạm.
Việc tuyên truyền, vận động người dân sử dụng các sản phẩm của Đề án 818 không phải lúc nào cũng thuận lợi. Đối với một số sản phẩm bảo vệ sức khoẻ còn mới, chưa được quảng bá rộng rãi trên thị trường nên người tiêu dùng thường e ngại, nghi ngờ về chất lượng. Do vậy, đội ngũ tuyên truyền dân số gặp khó khăn khi tiếp thị các sản phẩm này đến người dân. Thêm vào đó, nhiều người dân lựa chọn mua các sản phẩm, PTTT, dịch vụ KHHGĐ/SKSS ở các quầy thuốc tư nhân do có thể lựa chọn mẫu mã, giá cả sản phẩm phù hợp với nhu cầu và túi tiền hơn. Từ đó khiến sức cạnh tranh của sản phẩm trong Đề án 818 chưa cao.
Chị Hoàng Thu Hồng, người dân thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình cho biết: PTTT ở các quầy thuốc gần nhà tôi bày bán rất nhiều. Mẫu mã, giá cả đa dạng. Tôi đi làm hay đi chợ đều tiện mua chứ không cần phải đến trạm y tế thị trấn hay gọi điện cho cộng tác viên dân số mới có.
Các sản phẩm thuộc Đề án 818 được phân phối độc quyền trong hệ thống kênh phân phối xã hội hóa, trực tiếp cung cấp đến khách hàng là các cán bộ dân số – y tế cơ sở. Đề án 818 gồm 31 sản phẩm PTTT, dịch vụ KHHGĐ/SKSS gồm: 1. Nhóm sản phẩm, hàng hóa KHHGĐ: 2. Nhóm sản phẩm, hàng hóa hỗ trợ KHHGĐ, chăm sóc SKSS: |
Cùng với đó, kỹ năng tư vấn của đội ngũ làm công tác xã hội hóa cung cấp các PTTT và sản phẩm SKSS tại các tuyến còn hạn chế cũng gây khó khăn trong phân phối hàng hóa PTTT. Bà Vũ Vân Anh, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Dân số KHHGĐ tỉnh cho biết: Tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác dân số đã từng bước ổn định, tuy nhiên, do mô hình tổ chức mới nên nhiều huyện còn gặp khó khăn, vướng mắc khi chỉ đạo, triển khai thực hiện. Đội ngũ cộng tác viên dân số, nhân viên y tế luôn có sự thay đổi, chưa được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ nên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Mặt khác do sáp nhập các thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh, địa bàn rộng, số hộ đông đã làm ảnh hưởng tới việc triển khai, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động đối tượng thực hiện các biện pháp tránh thai, theo dõi quản lý di biến động tại hộ dân ở cơ sở.
Mặc dù mỗi năm toàn tỉnh có trên 50.000 người mới sử dụng phương tiện tránh thai nhưng số lượng PTTT được cung cấp qua kênh xã hội hóa giảm. Cụ thể: viên uống tránh thai năm 2020 có 20.080 sản phẩm đến 2022 còn 13.080 sản phẩm và từ năm 2023 đến nay là con số 0; tương tự, bao cao su giảm từ 71.367 sản phẩm (năm 2020) xuống còn 16.704 sản phẩm (năm 2021), còn từ năm 2022 đến nay cũng không phân phối được sản phẩm nào.
Thiết nghĩ, thực hiện xã hội hóa cung cấp PTTT là một hướng đi đúng đắn, tuy nhiên để thay đổi nhận thức của người dân và tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường không phải là một việc làm đơn giản. Do đó, Đề án 818 cần tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác truyền thông về sự cần thiết, lợi ích và hiệu quả của việc thực hiện xã hội hóa cung cấp PTTT, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS nhằm tạo dư luận xã hội đồng tình ủng hộ thông qua các kênh thông tin đại chúng và đội ngũ cán bộ dân số, góp phần thực hiện thành công Chương trình Dân số-KHHGĐ và hoàn thành các mục tiêu kinh tế – xã hội tại địa phương.
Ý kiến ()