Khó khăn trong thu và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm
LSO-Trong những năm qua, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã thực hiện nhiều giải pháp để mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nhằm đảm bảo quyền, lợi chính đáng của người lao động. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn cần được tháo gỡ.
Chi trả lương hưu tại Bưu điện tỉnh – Ảnh: MINH NGỌC |
Đến cuối tháng 3/2017, tổng số người tham gia các loại bảo hiểm trên địa bàn tỉnh là 697.189 người, bằng 97,6% kế hoạch. Tổng thu bảo hiểm các loại được hơn 311 tỷ đồng, đạt 24,9% và tổng số nợ hơn 59 tỷ đồng. Ông Đỗ Văn Khoan, Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: BHXH tỉnh và các huyện, thành phố đã tích tham mưu cho các cấp, các ngành đề ra các giải pháp nhằm tuyên truyền chính sách, pháp luật về các loại bảo hiểm giúp người sử dụng lao động, người lao động, các tầng lớp nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia. Điển hình như: BHXH tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai BHYT học , sinh viên đến các trường ngay từ đầu năm học với 127.918 em tham gia, đạt 96,26% tổng số học sinh, sinh viên; phối hợp với Cục Thuế tỉnh tiếp nhận thông tin về 1.599 doanh nghiệp với 45.449 lao động đang hoạt động và đôn đốc các đơn vị kịp thời điều chỉnh số lao động, mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động… Đến nay, toàn tỉnh có 57 đại lý thu đang hoạt động ở các xã, phường, thị trấn và 213 điểm thu qua hệ thống bưu điện, bước đầu đã tạo thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, người dân tham gia bảo hiểm. Để mở rộng và tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, BHXH tỉnh đã ban hành Quyết định số 98 ngày 22/3/2017 giao chỉ tiêu thu, chi cho BHXH các huyện, thành phố và đang chuẩn bị các điều kiện tổ chức ký kết hợp đồng đại lý thu với hội nông dân các huyện, thành phố.
Tuy nhiên việc mở rộng đối tượng tham gia vẫn còn những tồn tại cần được tháo gỡ. Qua rà soát cho thấy đối tượng tiềm năng tham gia BHXH, BHYT còn lớn với khoảng 45.000 người chưa tham gia BHYT hộ gia đình; trên 5.200 em học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT; khoảng 10.000 lao động thuộc các đơn vị, doanh nghiệp chưa tham gia BHXH, BHYT bắt buộc… Cùng với đó việc xác định dân số, số lao động có việc làm và chưa có việc làm để xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT còn khó khăn, chưa có số liệu chính xác.
Tình trạng chậm đóng, trốn đóng nợ đọng diễn biến phức tạp và xuất hiện ở tất cả các huyện, thành phố. Hiện nay, số nợ BHXH, BHYT, BHTN còn hơn 59,6 tỷ đồng, bằng 4,75% kế hoạch thu; trong đó số nợ của nguồn ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng BHYT năm 2016 chuyển sang lớn (33,6 tỷ đồng). Nguyên nhân chính là do công tác thanh tra, kiểm tra về thực hiện chính sách BHXH, BHYT của cơ quan quản lý nhà nước chưa thường xuyên. Theo đó, kế toán ở một số đơn vị năng lực còn hạn chế, không kịp thời tham mưu thực hiện chính bảo hiểm với các thủ trưởng đơn vị, sử dụng kinh phí đóng BHXH, BHYT vào mục đích khác, không quan tâm đến việc điều chỉnh tăng, giảm lao động và quỹ tiền lương đóng BHXH, BHYT… qua một thời gian dài (nâng 1 đến 2 bậc lương) mới điều chỉnh dẫn đến nợ tiền đóng và tiền lãi đóng BHXH, BHYT. Một số doanh nghiệp chuyển đổi và kinh doanh kém hiệu quả.
Để khắc phục, trong thời gian tới BHXH tỉnh sẽ chủ động tham mưu cho các cấp, các ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Quan tâm đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHYT, quyền lợi khi tham gia bảo hiểm, đặc biệt là lao động tự do, từ đó mở rộng, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm tăng số người tham BHXH, BHYT tự nguyện. Tổ chức đối thoại trực tiếp với người lao động và nhân dân; coi tuyên truyền là biện pháp cơ bản và chủ yếu để phát triển đối tượng, góp phần giúp nhiều người lao động, người dân trong tỉnh được thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
MAI VĂN HOA
Ý kiến ()