Khó khăn trong thu hút đầu tư
LSO-Tính đến tháng 9/2016 tại cửa khẩu Tân Thanh có 28 doanh nghiệp được nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư. Tuy nhiên số dự án được thực hiện theo đúng giấy phép và tiến độ đầu tư chỉ chiếm chưa đến 1/3.
Dự án khu trưng bày sản phẩm tại cửa khẩu Tân Thanh của Công ty xuất nhập khẩu Đạt Anh đầu tư đang trong giai đoạn hoàn thiện |
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Quản lý cửa khẩu Tân Thanh-Cốc Nam, tại cửa khẩu Tân Thanh, nhiều doanh nghiệp đã chuyển công năng hệ thống cơ sở hạ tầng đã được đầu tư vào mục đích khác. Cụ thể tại cửa khẩu này có 9 dự án vận hành, sử dụng không đúng mục tiêu của dự án được cấp phép ban đầu. Phổ biến nhất là sau khi đầu tư một số hạng mục, doanh nghiệp chuyển cho người dân thuê làm kho hàng, làm chỗ để ở hoặc tận dụng mặt bằng đã có để trông trẻ và làm chỗ gửi ô tô.
Ngoài ra không ít các dự án đang xây dựng được doanh nghiệp co lại quy mô, triển khai cầm chừng và chưa thực hiện đầu tư cơ sở vật chất mặc dù đã giải phóng xong mặt bằng. Cụ thể như dự án xây dựng văn phòng, khu trưng bày sản phẩm và kho hàng của Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Bắc Ninh; dự án trụ sở văn phòng làm việc, khu trưng bày sản phẩm của Công ty TNHH Trường An và dự án xây dựng khuôn viên cây xanh, gian hàng trưng bày sản phẩm và giới thiệu sản phẩm của Công ty xuất nhập khẩu Đạt Anh.
Có 5 dự án đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai xây dựng với diện tích hơn 7.000 m2 của các doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Phúc An Sinh; Công ty Bảo Nguyên; Công ty xuất nhập khẩu y tế Việt Nam; Công ty Cổ phần Thăng Long; dự án kho bãi của Chi nhánh Chi Lăng thuộc xí nghiệp công nghiệp xây dựng số I.
Bên cạnh đó một số dự án không thể triển khai xây dựng do người dân không hợp tác thực hiện khâu kiểm đếm, bồi thường hỗ trợ tái định cư thu hồi đất phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng như: dự án của Công ty TNHH vui chơi giải trí và du lịch Thái Dương với diện tích hơn 41 nghìn mét vuông; dự án mở rộng Trung tâm Thương mại Sài Gòn-Tân Thanh của Công ty Cổ phần đầu tư Thăng Long với diện tích hơn 23 nghìn mét vuông.
Ông Nguyễn Xuân Tiến, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Thăng Long cho biết: thực tế hoạt động sản xuất của doanh nghiệp tại cửa khẩu đang gặp không ít khó khăn, lượng khách du lịch, tiểu thương đến cửa khẩu Tân Thanh thuê ki ốt làm ăn buôn bán thưa thớt và nhiều tiểu thương rút khỏi cửa khẩu trong những năm gần đây làm cho doanh thu của doanh nghiệp sụt giảm. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch mở rộng phát triển kinh doanh cũng như buộc doanh nghiệp phải tính toán, xem xét lại các khoản đầu tư cửa khẩu.
Khoảng 3 năm trở lại đây số dự án đăng ký mới tại cửa khẩu Tân Thanh hầu như không có, các dự án đang triển khai chủ yếu là các dự án chuyển tiếp của doanh nghiệp. Do hoạt động buôn bán tại các chợ, trung tâm thương mại tại cửa khẩu thiếu sôi động, nhiều doanh nghiệp đã được cấp giấy phép đầu tư đều cân nhắc lại khoản đầu tư của mình.
Ông Lý Văn Khi, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý cửa khẩu Tân Thanh-Cốc Nam cho biết: Số doanh nghiệp lựa chọn đầu tư tại cửa khẩu Tân Thanh đã ít lại gặp nhiều khó khăn do hoạt động thương mại dịch vụ tại cửa khẩu thiếu hấp dẫn và cơ hội kinh doanh tại cửa khẩu Tân Thanh không còn hấp dẫn như trước đây khiến cho việc thu hút đầu tư vào cửa khẩu nhiều năm qua rất trầm lặng. Năm 2015 UBND tỉnh buộc phải thu hồi 1 giấy chứng nhận đầu tư do doanh nghiệp không triển khai dự án.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()