Khó khăn trong tăng trưởng dư nợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo
(LSO) – Những năm qua, chương trình cho vay vốn hộ nghèo, hộ cận nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã thật sự trở thành “bà đỡ” giúp hàng chục nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh vay vốn phát triển sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay, số hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa vay vốn còn tương đối cao, việc tăng trưởng dư nợ đối với hai chương trình này gặp nhiều khó khăn.
Chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo được NHCSXH triển khai nhằm hỗ trợ về vốn với lãi suất ưu đãi giúp các hộ đầu tư vào sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho các hộ có thu nhập, cải thiện đời sống. Từ khi triển khai đến nay, toàn tỉnh đã có hàng chục nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.
Tuy nhiên, theo thống kê của NHCSXH tỉnh, số hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa vay vốn tương đối cao, còn 21.125 hộ. Bên cạnh đó, dư nợ hai chương trình này liên tục giảm hoặc có tăng trưởng nhưng thấp. Cụ thể, năm 2018, dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo là 941,657 tỷ đồng, giảm 11,8 tỷ đồng so với năm 2017; chương trình cho vay hộ cận nghèo là 399,028 tỷ đồng, giảm 1,9 tỷ đồng so với năm 2017. Hiện nay, dư nợ chương trình hộ nghèo là 894,452 tỷ đồng, giảm 47 tỷ đồng so với năm 2018; chương trình vốn hộ cận nghèo là 410,637 tỷ đồng, tăng 11 tỷ đồng so với năm 2018.
Người dân thực hiện giao dịch tại xã Hùng Việt, huyện Tràng Định
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tăng trưởng dư nợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn. Trong đó nguyên nhân chính là do trình độ sản xuất của người dân ở một số nơi còn hạn chế, còn manh mún, nhỏ lẻ, tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn khiến người dân chưa mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế.
Ngoài ra, hiện nay, lực lượng lao động trẻ chủ yếu đi làm việc ở các khu công nghiệp trong nước. Ở nhiều nơi, nhiều hộ nghèo, cận nghèo thu nhập chủ yếu dựa vào công việc thời vụ, với suy nghĩ là có tiền ngay, còn đầu tư vào nông nghiệp, vay vốn phải mất thời gian dài mới thu lại vốn.
Ông Nông Văn Tài, Chủ tịch UBND xã Đào Viên, huyện Tràng Định cho biết: “Đào Viên là xã biên giới nên đa số người dân ở đây sang Trung Quốc lao động. Hiện nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi tại xã chỉ đạt gần 3 tỷ đồng, toàn xã còn 103 hộ nghèo nhưng có tới 60 hộ nghèo chưa vay vốn; trong 135 hộ cận nghèo thì có 123 hộ chưa vay”.
Từ những nguyên nhân như trên, nguồn vốn sau thu hồi giải ngân được cũng thấp. Cụ thể, trong năm 2019, doanh số thu nợ chương trình cho vay hộ nghèo là 302,315 tỷ đồng, doanh số giải ngân là 255,248 tỷ đồng.
Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo là chương trình mang ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo của tỉnh. Do vậy, trong thời gian tới, đơn vị sẽ đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức chính trị – xã hội, UBND các cấp… về chính sách cho vay ưu đãi của chương trình để mọi người nắm được và thực hiện.
Đồng thời, chi nhánh tiếp tục đơn giản hoá thủ tục vay vốn để phục vụ người dân nhanh chóng, thuận lợi; hướng dẫn làm hồ sơ và tổ chức giải ngân kịp thời đối với các hộ có hồ sơ vay vốn. Đặc biệt, đơn vị sẽ chủ động phối hợp với các xã, thị trấn, tổ chức hội, đoàn thể định hướng bà con đầu tư phù hợp với điều kiện thực tế; phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề để bà con áp dụng vào sản xuất, mạnh dạn vay vốn đầu tư làm ăn hiệu quả.
Ý kiến ()