Khó khăn trong quản lý sau cai nghiện
(LSO) – Cùng với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy (CNMT) thời gian qua tiếp tục được tỉnh và các cơ quan chức năng quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, tuy nhiên, trong công tác này hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay, tình hình mua bán tàng trữ, sử dụng trái phép ma tuý nhỏ, lẻ vẫn còn diễn ra, tập trung ở một số địa bàn và các khu vực cửa khẩu biên giới. Tình trạng sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, nhất là ma túy tổng hợp tại các điểm vui chơi, giải trí, các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự có thời điểm còn diễn biến phức tạp. Tình trạng trồng cây chứa chất ma tuý diễn ra nhỏ, lẻ ở một số địa bàn, vùng núi cao, rừng sâu, nơi hẻo lánh, chủ yếu là cây thuốc phiện… Đây là những điều kiện khách quan gây khó khăn cho công tác quản lý đối tượng nghiện cũng như quản lý sau CNMT trên địa bàn tỉnh.
Học viên cai nghiện tham gia lao động, xâu hạt làm đệm ghế tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh
Toàn tỉnh hiện có 2.997 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (tăng 14 người so với năm 2018), trong đó có 2.779 người nghiện heroin, 216 người nghiện ma túy tổng hợp, 2 trường hợp nghiện cần sa, ngoài ra, trên địa bàn hiện có 1.447 người nghiện đang tham gia điều trị bằng thuốc methadone.
Thời gian qua, công tác quản lý cai nghiện và sau CNMT bộc lộ một số hạn chế, khó khăn như: vẫn còn để xảy ra trường hợp người nghiện ma túy vi phạm pháp luật về trật tự xã hội; cai nghiện tại gia đình và tại cộng đồng chưa hiệu quả; quản lý người nghiện sau cai, tái hòa nhập cộng đồng còn gặp khó khăn, do người sau CNMT thiếu hợp tác hoặc đi làm ăn xa không trình báo. Cùng với đó, một số tổ chức xã hội và nhân dân ít quan tâm, ngại tiếp xúc; các cơ quan có liên quan chưa thực hiện tốt việc hướng nghiệp, dạy nghề để người cai nghiện sớm hòa nhập cộng đồng. Cơ sở CNMT tỉnh hiện nay có số lượng học viên đông nhưng cơ sở vật chất, số lượng cán bộ, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu.
Ông Hoàng Văn Thả, Giám đốc Cơ sở CNMT tỉnh cho biết: Hiện nay, tại cơ sở, người nghiện ma túy được điều trị cắt cơn và nếu đủ điều kiện sức khỏe được tham gia lao động, học làm một số nghề như: làm chiếu trúc, lắp ghép, xâu hạt làm thảm ghế xe ô tô… Qua đó nhằm giúp người cai nghiện phục hồi sức khỏe, đồng thời tạo cho họ có tay nghề, việc làm, thu nhập sau khi hoàn thành chương trình điều trị bệnh tại cơ sở, trở về hòa nhập cộng đồng.
Mặc dù trong quá trình cai nghiện, Cơ sở CNMT tỉnh đã tạo điều kiện cho các đối tượng cai nghiện học, làm một số nghề nhưng khi họ hòa nhập cộng đồng, muốn tìm kiếm được việc làm thực sự còn nhiều khó khăn. Bởi nhiều nơi, nhiều chủ lao động còn e ngại các đối tượng nghiện cũng như sau CNMT dẫn đến họ khó tìm việc làm. Cùng với đó, hiện nay chưa có nhiều chính sách hỗ trợ để người nghiện sau cai được tiếp cận vay vốn ngân hàng do thủ tục vay còn nhiều vướng mắc; cộng đồng và xã hội còn sự kỳ thị, chưa tin tưởng đã tạo rào cản cho người sau CNMT hòa nhập cộng đồng.
Ông Hoàng Quốc Tấn, Trưởng Công an xã Tú Xuyên, huyện Văn Quan cho biết: Hiện trên địa bàn xã có 4 đối tượng nghiện. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Công an xã phối hợp với Công an huyện hướng dẫn 1 trường hợp làm thủ tục vay vốn từ nguồn vốn tái hòa nhập cộng đồng của tỉnh với số tiền 30 triệu đồng để mở xưởng sửa chữa ô tô tại gia đình. Hiện hồ sơ vay vốn đã được Công an cấp trên thẩm định và đang chờ giải ngân nguồn vốn.
Anh H.V.H, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn hiện đang cai nghiện tại Cơ sở CNMT tỉnh cho biết: Tôi sắp hoàn thành thời gian cai nghiện, sau khi rời khỏi cơ sở, tôi rất mong muốn tìm được một việc làm có thu nhập ổn định, vừa để lo cho gia đình, vừa là động lực sống để tôi tránh xa cám dỗ từ ma túy.
Không chỉ thiếu việc làm, quản lý các đối tượng sau cai còn gặp nhiều khó khăn bởi khi họ hòa nhập cộng đồng thì sẽ đối mặt với rất nhiều cạm bẫy, trong đó có số “bạn nghiện” rình rập để rủ rê họ tái nghiện hoặc tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật. Vì vậy, để công tác cai nghiện và quản lý sau cai đạt kết quả cao, đòi hỏi sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, bản thân người nghiện, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Có như vậy mới chung tay đẩy lùi được ma túy, những người nghiện sau cai mới có thể tự tin hòa nhập cộng đồng.
Ý kiến ()