Khó khăn trong quản lý cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ
Hiện cả nước có 456 cơ sở giết mổ động vật tập trung tại 37 tỉnh, thành phố được cấp giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y/an toàn thực phẩm. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường và khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Ðây được coi là bài toán không dễ tìm ra lời giải đối với các nhà quản lý.
Việc buôn bán giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ không bảo đảm dẫn đến mất vệ sinh an toàn thực phẩm và gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh BĂNG DƯƠNG) |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có hơn 22 nghìn cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ; tại các cơ sở này, tỷ lệ kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm ở mức thấp, hoặc không kiểm soát được (không có đăng ký kinh doanh), không truy xuất được nguồn gốc đối với sản phẩm chăn nuôi.
Ðơn cử như ở Hà Nội, với 732 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có bảy cơ sở công nghiệp, 58 cơ sở bán công nghiệp, còn lại là các cơ sở giết mổ thủ công; mới chỉ kiểm soát được hơn 60% lượng sản phẩm gia súc, gia cầm tiêu thụ trên địa bàn, còn lại đang bị thả lỏng. Nguyên nhân bởi các điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ này nằm xen kẽ trong khu dân cư, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, dụng cụ không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y.
Do đặc thù hay hoạt động lúc nửa đêm và kết thúc vào sáng sớm nên lực lượng chức năng khó tiếp cận. Ngoài ra, tại các chợ “cóc”, chợ tạm mọc tràn lan trong thành phố còn rất nhiều điểm giết mổ gia cầm nhỏ lẻ, mất vệ sinh. Mỗi điểm có một nồi nước sôi dùng chung cả ngày cho hàng trăm con gà, vịt, ngan và một vài chiếc chậu cáu bẩn để làm lông. Chung quanh khu vực nhốt gia cầm, phân và nước thải lênh láng, bốc mùi hôi thối. Như điểm giết mổ của chị Lê Thị Hồng (quê Hưng Yên) ở một chợ tạm ở gần chợ Long Biên (Hà Nội) mỗi ngày giết mổ khoảng 50 đến 60 con gia cầm cho khách. Chị Hồng bộc bạch: Làm nghề này nhiều năm vì miếng cơm, manh áo chứ lúc nào tôi cũng nơm nớp lo nhiễm dịch bệnh.
Không chỉ ở Hà Nội, nhiều tỉnh như: Thái Nguyên, Nam Ðịnh, Bắc Giang, Bình Ðịnh… cũng lâm vào tình trạng tương tự. Do lực lượng thú y quá “mỏng” mà các điểm giết mổ này lại quá nhiều, cho nên công tác quản lý các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ đang nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng?
Thực tế cho thấy, trong khi các lò mổ tự phát vẫn hoạt động tấp nập thì nhiều cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp lại trong cảnh đìu hiu, hoạt động với công suất thấp, thậm chí có cơ sở đã ngừng hoạt động. Giám đốc Công ty TNHH Thy Thọ (tỉnh Ðồng Nai) Nguyễn Quang Thọ chia sẻ, thời điểm hoạt động tốt, trung bình mỗi ngày doanh nghiệp giết mổ khoảng 250 con lợn cung cấp ra thị trường. Hiện giờ chỉ giết mổ vài chục con/ngày, thấp hơn hẳn so với công suất thiết kế.
Doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng ở mức không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ vì chi phí đầu vào quá cao do công suất giết mổ giảm nhưng công ty vẫn phải gánh chi phí vận hành dây chuyền giết mổ và công lao động tăng. Thông tin thêm về vấn đề này, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Lan Vinh (huyện Gia Lâm, Hà Nội) Nguyễn Thị Lan cho biết, đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung có kiểm soát cần nguồn vốn lớn, nhưng đầu ra cho thực phẩm an toàn vẫn khó khăn, do vậy các doanh nghiệp chưa mặn mà.
Dư luận xã hội đặt câu hỏi: Vì sao nhiều năm qua các điểm giết mổ nhỏ lẻ vẫn tồn tại, trong khi người dân ở một xã, một huyện của một tỉnh nào đó, ai cũng biết ông nào là chủ lò mổ lợn, bà nào chủ lò mổ trâu, bò “chui”? Phải chăng do chính quyền ở các địa phương còn lơ là trong việc xử lý nghiêm các điểm giết mổ tự phát; chưa thật sự quan tâm và đẩy mạnh công tác quản lý giết mổ trên địa bàn?
Mặt khác, các hộ giết mổ chưa nhận thức đúng, chạy theo lợi ích trước mắt, chưa ủng hộ việc đưa động vật vào giết mổ tập trung. Tiến độ xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung ở nhiều nơi còn chậm, chưa có thêm cơ chế sát thực tế về quỹ đất, nguồn vốn đầu tư để thu hút doanh nghiệp tham gia. Lò mổ “lậu” hút khách do chi phí rẻ, kiểm dịch còn lỏng lẻo, không khắt khe như cơ sở giết mổ công nghiệp…, cũng được xem là nguyên do để các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ có “đất sống”.
Theo các chuyên gia, để khắc phục những bất cập nêu trên, các tỉnh, thành phố cần thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, ban hành ngày 14/1/2023.
Các địa phương cần khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở, dây chuyền giết mổ động vật theo hướng hiện đại; có chính sách nâng cấp các cơ sở giết mổ được sắp xếp trong mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung; tổ chức triển khai xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung theo quy định của Luật Thú y, Luật Quy hoạch; có lộ trình đưa các cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ vào cơ sở giết mổ tập trung có kiểm soát của chính quyền địa phương và của cơ quan thú y, có giải pháp quyết liệt để quản lý, kiểm tra việc thực hiện; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất về thú y, an toàn thực phẩm đối với cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ… Lực lượng liên ngành (nông nghiệp, công an, quản lý thị trường…), Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố…, cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Các “lò mổ chui” chưa có giấy phép, không đủ điều kiện vệ sinh thú y thì phải bị buộc dừng hoạt động… ■
Ý kiến ()