Khó khăn trong phát triển giao thông ở Lâm Ðồng
Đường cao tốc nối sân bay Liên Khương với TP Đà Lạt. Lâm Đồng là tỉnh miền núi, có địa bàn dân cư không tập trung, giáp ranh với bảy tỉnh, nhu cầu giao thông bằng đường bộ rất lớn. Thế nhưng, các trục quốc lộ đi qua tỉnh cũng như đường liên tỉnh với chiều dài hơn 430 km, đang xuống cấp nghiêm trọng. Nếu không sớm có những hệ thống giải pháp toàn cục, giao thông của Lâm Đồng sẽ trở thành "điểm nghẽn" trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...Quốc lộ "huyết mạch" xuống cấpHệ thống giao thông theo chiều dọc và chiều ngang tỉnh, không những phá thế cô lập mà còn mở rộng cơ hội giao thương, giao lưu giữa các huyện, thành phố Lâm Đồng với các địa phương bạn. Đó thật sự là điều kiện cốt yếu để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho không những các trung tâm lớn của tỉnh mà còn giúp các vùng sâu, vùng xa kết nối với các khu vực rộng lớn của cả nước. Một trong những con đường quan trọng nhất đi qua tỉnh Lâm Đồng...
Đường cao tốc nối sân bay Liên Khương với TP Đà Lạt. |
Lâm Đồng là tỉnh miền núi, có địa bàn dân cư không tập trung, giáp ranh với bảy tỉnh, nhu cầu giao thông bằng đường bộ rất lớn. Thế nhưng, các trục quốc lộ đi qua tỉnh cũng như đường liên tỉnh với chiều dài hơn 430 km, đang xuống cấp nghiêm trọng. Nếu không sớm có những hệ thống giải pháp toàn cục, giao thông của Lâm Đồng sẽ trở thành “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương…
Quốc lộ “huyết mạch” xuống cấp
Hệ thống giao thông theo chiều dọc và chiều ngang tỉnh, không những phá thế cô lập mà còn mở rộng cơ hội giao thương, giao lưu giữa các huyện, thành phố Lâm Đồng với các địa phương bạn. Đó thật sự là điều kiện cốt yếu để tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội cho không những các trung tâm lớn của tỉnh mà còn giúp các vùng sâu, vùng xa kết nối với các khu vực rộng lớn của cả nước. Một trong những con đường quan trọng nhất đi qua tỉnh Lâm Đồng là QL 20, trục xương sống nối liền giữa Lâm Đồng qua Đồng Nai đến TP Hồ Chí Minh và miền đông, miền tây Nam Bộ. Có thể nói, đây chính là tuyến giao thông đường bộ huyết mạch của tỉnh. Theo tính toán của ngành giao thông vận tải Lâm Đồng, với chiều dài qua tỉnh Lâm Đồng 150 km, tuyến đường này hằng ngày chuyên chở khoảng 70% lượng hàng hóa, nông sản, sản phẩm công nghiệp của địa phương đến các địa phương khu vực khác.
Những năm gần đây, trên tuyến đường quan trọng này, ngoài việc đầu tư nâng cấp mở rộng các đoạn qua thị trấn các huyện Đức Trọng, Di Linh, Đạ Huoai và hai đoạn đèo Phú Hiệp và Bảo Lộc, phần đường còn lại chỉ được duy tu, bảo dưỡng nhưng hiện tại đều xuống cấp, hư hỏng nặng. Khảo sát trên toàn bộ tuyến đường này thì bất cứ đoạn nào cũng đều có những ổ voi, hố trâu, những đoạn sạt lở. Nguy cơ quá tải của QL 20 đã rất rõ nét. Theo thống kê của ngành chức năng, nếu đến năm 2007, toàn tỉnh Lâm Đồng có 11 nghìn 285 ô-tô và 340 nghìn xe máy được quản lý thì đến năm 2011 số phương tiện đã tăng lên gấp đôi với tổng số đầu phương tiện là 508 nghìn 712, trong đó lượng ô-tô lên đến 20 nghìn 388 chiếc. Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng, hiện trạng hạ tầng của QL 20 chỉ có thể đáp ứng khoảng 7.000 – 8.000 lượt xe mỗi ngày nhưng con số lưu thông hiện tại đã lên gấp đôi, trong đó hệ thống xe tải chuyên chở khoảng một triệu tấn rau và một tỷ cành hoa mỗi năm cũng đã chiếm một lưu lượng lớn. Đó là chưa kể quá trình vận chuyển quặng bô-xít và các phương tiện phục vụ khai thác, chế biến bô-xít – a-lu-min trong thời gian gần đây và sắp tới. Sự quá tải trên tuyến đường xuống cấp cũng dẫn đến hiểm họa tai nạn giao thông ngày càng tăng. Nếu toàn tỉnh Lâm Đồng xác định 21 “điểm đen” tai nạn giao thông trên các tuyến giao thông đường bộ thì riêng QL 20 đã có tới 11 điểm đen…
Các tuyến ngang cũng gặp khó khăn
Các tuyến đường bộ QL 27, QL 28, QL 55 và ĐT 723, ĐT 721… cắt ngang Lâm Đồng nối với các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Đác Nông, Đác Lắc. Trong đó, một con đường quan trọng, nối cắt chéo giữa các tỉnh duyên hải miền trung đến với các tỉnh Tây Nguyên qua Lâm Đồng là QL 27. Các ngành chức năng, các chủ phương tiện và người dân đang kêu trời với thực trạng của con đường này. Dự án cải tạo, nâng cấp QL 27, trong đó có các gói thầu thi công qua địa bàn huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), được khởi công từ tháng 2-2009 với thời gian thi công được ấn định là 23 tháng. Theo hợp đồng thì đến nay đoạn đường này đã được đưa vào sử dụng, nhưng thực tế thì hiện trạng còn ngổn ngang, có gói thầu chưa được triển khai thi công. Việc thi công dở dang, chậm tiến độ khiến cho QL 27 càng bị băm nát, xuất hiện nhiều ổ voi, hố trâu đằm mới, khiến việc lưu thông cực kỳ khó khăn. Giải thích về việc “đóng băng” của dự án, đại diện Ban quản lý dự án 2, đơn vị chịu trách nhiệm cho là do thiếu vốn. Đơn vị này cho biết, vì chưa thể giải ngân các hạng mục đã hoàn thành nên một số nhà thầu đã ngừng thi công và chưa biết lúc nào mới tiếp tục trở lại. Không những đoạn D’Ran – Phi Nôm dài 30 km nằm trong dự án nâng cấp nhưng đang xuống cấp vì thi công bị đình hoãn mà các đoạn từ ngã ba Liên Khương (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) đến cầu Krông Nô (Đác Lắc) dài 123,5 km cũng đang bị hư hỏng nghiêm trọng…
Tuyến đường tỉnh 723 (ĐT 723) nối hai thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) với Nha Trang (Khánh Hòa) đoạn qua địa bàn Lâm Đồng dài 54 km. Mặc dù đã được thông xe từ hơn hai năm nay nhưng đến nay dự án vẫn chưa thật sự hoàn thành. Đoạn đi qua địa bàn Thái Phiên (phường 11, TP Đà Lạt) đang bị trì hoãn do khó khăn trong việc giải tỏa mặt bằng, tái định cư cho dân và thiếu vốn. Dọc tuyến đường ĐT 723 có rất nhiều điểm dễ bị sạt lở, nhất là vào mùa mưa lũ. Đặc biệt là đoạn từ xã Đạ Chais (Lạc Dương, Lâm Đồng) đến huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) dài 31 km, được đưa vào sử dụng từ năm 2009 nhưng đến nay có ba vị trí đã sạt lở nghiêm trọng, nếu không có phương án sửa chữa kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ tắc đường trong mùa mưa lũ này. Chính sự ách tắc của con đường đặt ra nhiều kỳ vọng này làm cho quá trình kết nối giữa thành phố hoa Đà Lạt và thành phố biển Nha Trang bị ách tắc.
Những tín hiệu mới
Sự kéo dài, bê trễ trong thi công dự án cải tạo, nâng cấp QL 27 đã được lãnh đạo các huyện và tỉnh có ý kiến đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, giải quyết nhiều lần. Song đến nay, vấn đề vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Tương tự, từ cuối năm 2010, lãnh đạo ba tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng và Đác Nông đã ký chung một văn bản trình lên Thủ tướng đề nghị ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư nâng cấp QL 28. Theo ý kiến của ba tỉnh nói trên, việc đầu tư nâng cấp QL 28 là hết sức cần thiết và bức xúc. Kiến nghị này đã được hồi đáp. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải, các tỉnh và các ngành liên quan tiến hành khảo sát và lập dự án tổng thể trong việc nâng cấp QL 28 cũng như việc tìm các phương án khả thi và tối ưu về giao thông trong vấn đề giải “bài toán” vận chuyển bô-xít – a-lu-min trước và sau khi có cảng Kê Gà…
Mới đây, ngày 16-12, một tin vui đã đến với Lâm Đồng và các tỉnh chung quanh khi Dự án khôi phục sửa chữa Quốc lộ 20 và cải tạo Tỉnh lộ 725 (Lâm Đồng) đã được Chính phủ đồng ý sử dụng vốn ngân sách đầu tư, vì đây là công trình hạ tầng giao thông không chỉ đặc biệt quan trọng phục vụ vận chuyển sản phẩm cho tổ hợp bô-xít Nhân Cơ, Tân Rai mà còn phục vụ giao thông khu vực. Dự án khôi phục và cải tạo QL20 nối tỉnh Đồng Nai – Lâm Đồng sẽ được thực hiện theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – chuyển giao (BT) bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, để cân đối nguồn vốn từ ngân sách, dự án này sẽ được tách thành hai dự án thành phần, trong đó thành phần I (Km0 – Km 123 105) được ưu tiên đầu tư trước theo hình thức BT. Dự án thành phần II (Km 123 105 – Km 268) có tổng mức đầu tư 3.058,9 tỷ đồng sẽ được đầu tư sau khi có đủ điều kiện. Dự kiến Dự án thành phần I sẽ khởi công vào ngày 23-12 này, với tổng mức đầu tư hơn 4.466 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2011 đến năm 2014. Như vậy, bài toán giao thông cho QL 20, con đường xương sống, huyết mạch của Lâm Đồng đã có lời giải.
Tuy nhiên, theo đánh giá khái quát của Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng, hệ thống giao thông hiện chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Công tác duy tu, bảo dưỡng không kịp thời cho nên tình trạng xuống cấp khá phổ biến; vốn đầu tư thiếu dẫn đến một số công trình chậm hoàn thành, không phát huy được hiệu quả. Nhìn một cách tổng thể, hệ thống hạ tầng giao thông bị ách tắc đã tạo ra những “điểm nghẽn” trong tiến trình phát triển kinh tế – xã hội của Lâm Đồng. Chính vì vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đã xác định, việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông là lĩnh vực cần đột phá trong năm chương trình trọng điểm của tỉnh. Nếu giao thông không được cải thiện thì thật khó cho việc nối kết Lâm Đồng với vùng kinh tế trọng điểm phía nam, khu vực duyên hải miền trung và ngay đối với các tỉnh Tây Nguyên. Cải thiện hạ tầng giao thông, sẽ tạo động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội, nhất là phát triển nông nghiệp hàng hóa, các ngành dịch vụ, du lịch và công nghiệp địa phương. Vẫn biết thế, nhưng vốn vẫn là bài toán nan giải.
Theo Nhandan
Ý kiến ()