Khó khăn trong mở rộng diện tích trồng rau an toàn
- Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, các hộ dân, một số hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã chú trọng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích rau an toàn còn gặp nhiều khó khăn.
Sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn hữu cơ tại Hợp tác xã Nông sản Hữu Lũng
Rau là một trong những cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, hằng năm toàn tỉnh duy trì trồng trên 9.000 ha rau các loại, tập trung nhiều tại các huyện: Cao Lộc, Văn Quan, Lộc Bình, thành phố Lạng Sơn… sản lượng hằng năm đạt trên 31.000 tấn.
Thời gian qua, người dân, các tổ hợp tác, HTX đã thực hiện sản xuất rau an toàn và được cấp giấy chứng nhận VietGAP, hữu cơ. Tuy nhiên, diện tích còn ít so với tổng diện tích. Cụ thể, hiện nay, toàn tỉnh chỉ có 78 ha do 11 cá nhân, tổ hợp tác, HTX sản xuất. Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, việc phát triển, mở rộng quy mô sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ còn gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân.
Đầu tiên, phải kể đến là hầu hết các chủ thể sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ gia đình. Trong khi đó, chi phí để đầu tư sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ khá cao và phải thực hiện đồng bộ từ khâu cải tạo đất, đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo đúng tiêu chuẩn, ghi chép nhật ký theo dõi hằng ngày... Bên cạnh đó, để đạt được chứng nhận VietGAP, hữu cơ, chủ thể sản xuất phải thuê đơn vị tư vấn hướng dẫn.
Đơn cử, tại huyện Văn Quan, diện tích trồng rau hằng năm trên địa bàn huyện đạt hơn 1.200 ha, sản lượng hằng năm ước đạt 9.500 tấn/năm. Năm 2018, trên địa bàn huyện có 1 HTX sản xuất rau an toàn với diện tích 3,5 ha nhưng do chi phí đầu tư lớn, khó khăn về đầu ra nên đến năm 2023, HTX không còn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất rau an toàn. Hiện nay, trên địa bàn huyện không có diện tích sản xuất rau an toàn, người dân chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.
Bà Lăng Thị Huệ, thôn Bản Noóc, xã An Sơn, huyện Văn Quan cho biết: Gia đình tôi đã trồng rau nhiều năm, hằng năm gia đình luôn duy trì diện tích khoảng 5 sào rau cải ngồng. Tôi được các cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tuyên truyền, hướng dẫn sản xuất rau an toàn. Tuy nhiên, việc sản xuất rau của gia đình chủ yếu theo mùa vụ, diện tích ít mà chi phí đầu vào sản xuất rau an toàn lớn trong khi đó, đến vụ thu hoạch, chưa biết rau được giá hay mất giá, hơn nữa lại phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt nên nhiều năm qua, tôi vẫn chưa thực hiện được mà vẫn sản xuất rau theo cách truyền thống.
Một hạn chế nữa là sản xuất rau còn mang tính thời vụ, do đó sản lượng chưa đáp ứng yêu cầu, nhu cầu của các đơn vị, doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Bà Nông Thị Hoa, Phó Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Lạng Sơn cho biết: Hằng năm, diện tích trồng rau trên địa bàn thành phố khoảng 505 ha, sản lượng đạt 7.700 tấn. Tuy nhiên, diện tích sản xuất rau an toàn được cấp chứng nhận VietGAP còn ít (16 ha) do một số nguyên nhân như: việc canh tác rau chủ yếu được bà con, HTX sản xuất nhỏ lẻ, theo mùa vụ, không đáp ứng sản lượng liên tục theo yêu cầu của doanh nghiệp để hình thành các mối liên kết tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, cái khó nữa là giá rau an toàn cao hơn so với rau sản xuất theo hướng truyền thống, trong khi đó, việc phân biệt rau an toàn của người tiêu dùng còn hạn chế, nhiều người thường chọn mua sản phẩm giá rẻ hơn. Vì vậy, người dân cũng chưa mạnh dạn mở rộng sản xuất.
Theo đánh giá từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, việc sản xuất, liên kết tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn còn có khó khăn do những nguyên nhân chung như: hầu hết người dân và HTX trên địa bàn tỉnh thiếu chủ động, chưa mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào mở rộng sản xuất rau an toàn. Việc sử dụng phân vi sinh, phân hữu cơ còn hạn chế, hầu hết người dân vẫn sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, chưa có nhiều nhà đầu tư đủ lớn để tập trung người dân sản xuất rau quy mô lớn tạo thành chuỗi liên kết sản xuất, cung cấp sản phẩm liên tục cho các nhà hàng, siêu thị.
Ông Nguyễn Văn Hanh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cao Lộc cho biết: Để tạo điều kiện phát triển các mô hình sản xuất rau an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, phòng đã tham mưu UBND huyện hỗ trợ một phần kinh phí để các HTX đầu tư xây dựng nhà màng phục vụ sản xuất và kết nối cho các HTX quảng bá tiêu thụ rau thông qua các hội nghị, hội chợ. Cùng đó, tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân. Tuy nhiên, do yếu tố mùa vụ, chi phí sản xuất cao, hiện nay, diện tích rau an toàn trên địa bàn huyện mới có khoảng 24 ha.
Theo thống kê, diện tích rau các loại trên địa bàn tỉnh hằng năm đạt trên 9.000 ha. Tuy nhiên, diện tích rau an toàn được cấp giấy chứng nhận VietGAP, hữu cơ còn ít so với tổng diện tích. Cụ thể, hiện nay, toàn tỉnh chỉ có 78 ha do 11 cá nhân, tổ hợp tác, HTX sản xuất. |
Ngoài ra, hằng năm, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng tổ chức 8 – 10 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân về kỹ thuật sản xuất trồng trọt, bảo vệ thực vật và sản xuất nông nghiệp an toàn trên các loại cây trồng, trong đó có cây rau. Qua đó, trang bị kiến thức sản xuất cho người dân, HTX. Mặc dù ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố cũng đã chủ động tuyên truyền sản xuất, liên kết sản xuất rau an toàn, tuy nhiên, người dân vẫn không "mặn mà" với việc chuyển đổi và mở rộng diện tích rau an toàn, việc liên kết tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn vẫn còn hạn chế, thiếu tính bền vững.
Bà Phùng Thị Kim Khánh, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Để từng bước tháo gỡ khó khăn, chi cục đã tham mưu Sở NN&PTNT ban hành công văn số 465 ngày 12/3/2024 về việc tăng cường công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật trên cây rau. Trong đó, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện một số nội dung như: nâng cao ý thức của người sản xuất trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả; tăng cường công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, thực hiện các mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, trong đó có rau. Đồng thời, khuyến khích người dân có tiềm lực và doanh nghiệp, HTX liên kết đầu tư, sản xuất rau an toàn, nhất là các loài rau đặc sản, giá trị cao (cải ngồng, bò khai), hỗ trợ phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau an toàn.
Việc sản xuất và liên kết tiêu thụ rau an toàn có vai trò quan trọng góp phần nâng chất lượng, giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, để tháo gỡ khóa khăn, bên cạnh sự hỗ trợ của ngành chức năng, người dân, HTX cần mạnh dạn nghiên cứu, áp dụng khoa học kỹ thuật để mở rộng sản xuất.
Ý kiến ()