Khó khăn trong giải quyết dứt điểm nạn tảo hôn
(LSO) – Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, tính từ giai đoạn năm 2016 – 2019, toàn tỉnh có 254 trường hợp tảo hôn, chiếm 2,9% tổng số cặp kết hôn, phân bố hầu hết ở các huyện, thành phố. Mặc dù các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn nhưng trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn.
Gặp gỡ và trao đổi với em Nông Thị T, xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định, chúng tôi cảm nhận được hậu quả do tảo hôn đang bám riết cuộc đời em. Năm 2017, T lấy chồng khi mới 17 tuổi – cái tuổi theo quy định của nhà nước là chưa được phép kết hôn nhưng do gia đình thúc ép nên em đành lòng nghe theo mặc dù chưa học hết THPT. Hiện nay, đời sống của vợ chồng T chỉ trông vào hai sào ruộng do bên nội cho hồi đám cưới. Em T buồn bã tâm sự: “Cuộc sống của em vất vả lắm, chồng em chỉ hơn em một tuổi. Hai đứa đều trẻ nên kinh nghiệm chăm con không có, kiếm tiền nuôi con lại càng khó vì chưa học hết cấp 3”.
Cán bộ Hội Phụ nữ tỉnh tuyên truyền phòng, chống tảo hôn tại Văn Quan
Theo báo cáo đánh giá kết quả triển khai thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2025” và mô hình điểm giảm thiểu tảo hôn tại xã Nhượng Bạn, huyện Lộc Bình giai đoạn 2016 – 2020 của BDT tỉnh, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng tạo hôn ở tỉnh phần lớn là do ảnh hưởng từ các yếu tố phong tục, tập quán dân tộc và tâm lý sớm có cháu, nhu cầu có thêm lao động cho gia đình.
Từ năm 2016 đến 2019, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với một số ban, ngành tổ chức được 8 hội nghị tuyên truyền (5 hội nghị tổ chức tại xã, 3 hội nghị tổ chức tại tỉnh) với 860 người tham dự, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện được 52 chuyên đề về tuyên truyền phòng chống tảo hôn, cấp phát 43 băng đĩa tuyên truyền. Trong thời gian này, số trường hợp tảo hôn ở xã Nhượng Bạn là 2/70 cặp, chiếm 2,8% so với số cặp kết hôn trên địa bàn xã. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai ở mô hình điểm, cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp gặp không ít khó khăn, thách thức như chưa có định hướng, thống nhất về mặt tài liệu tuyên truyền, các câu lạc bộ còn thiếu chuyên môn nghiệp vụ, nội dung sinh hoạt còn đơn điệu,…
Bên cạnh những yếu tố kể trên, việc ngăn chặn nạn tảo hôn trên địa bàn huyện Lộc Bình nói riêng, tỉnh Lạng Sơn nói chung còn nhiều khó khăn khác. Ông La Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Vân Mộng, huyện Lộc Bình cho biết: Trong quá trình tuyên truyền vận động, chúng tôi gặp rất nhiều trở ngại do địa bàn vùng núi đi lại khó khăn, dân cư đa phần là người dân tộc Tày, Nùng, trình độ dân trí chưa cao, tiếp cận thông tin đại chúng còn hạn chế. Bên cạnh đó, đội ngũ tuyên truyền viên còn hạn chế về năng lực nên khó khăn trong việc tư vấn, theo dõi đối tượng.
Ngoài ra, công tác truyền thông, tư vấn cho đối tượng vị thành niên và thanh niên về việc không lập gia đình ở tuổi vị thành niên tại các địa bàn trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Cán bộ dân số chưa tiếp xúc được với đối tượng vị thành niên. Tại các cuộc họp thôn, bản hoặc khi đến truyền thông tại các hộ, cán bộ dân số chỉ gặp được người lớn, không tiếp cận được với trẻ vị thành niên.
Để giảm thiểu và tiến tới đẩy lùi nạn tảo hôn rất cần sự quan tâm, chung tay vào cuộc của chính quyền và các cơ quan, ban, ngành từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Ông Vi Hữu Bình, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Là cơ quan thường trực được UBND tỉnh giao thực hiện các nhiệm vụ giảm thiểu tình trạng tảo hôn, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số về tác hại của tảo hôn. Đồng thời, nghiên cứu, xem xét hỗ trợ tổ chức bồi dưỡng năng lực cán bộ cấp xã, thôn bản, tư vấn, định hướng đưa một số nội dung trong Quyết định 498 vào hương ước, quy ước của thôn bản; phấn đấu đến năm 2025 không còn tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh.
Tảo hôn là việc nam nữ kết hôn với nhau khi một hoặc cả hai bên chưa đủ điều kiện về độ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật, tức nam lấy vợ khi chưa đủ 20 tuổi, nữ lấy chồng khi chưa đủ 18 tuổi. Ngày 30/9/2015, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 97/KH-UBND về việc thực hiện đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, trong đó chọn mô hình điểm tại xã Nhượng Bạn, huyện Lộc Bình. |
HOÀNG HIẾU
Ý kiến ()