Khó khăn trong chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng
– Phí dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) do các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng DVMTR chi trả cho các chủ rừng tham gia bảo vệ rừng để phục vụ mục đích quản lý, bảo vệ rừng. Đây một trong những nguồn kinh phí góp phần giúp những người dân, tổ chức tham gia bảo vệ rừng có thêm nguồn vốn để phục vụ công tác bảo vệ rừng, cũng như phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc chi trả phí DVMTR trên địa bàn tỉnh hiện nay đang gặp nhiều khó khăn.
Cuối năm 2020, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh (Chi cục Kiểm lâm) tiến hành chi trả tiền DVMTR của năm 2018 và năm 2019 với tổng số tiền trên 7,8 tỷ đồng. Đây cũng là lần chi trả tiền DVMTR đầu tiên trên địa bàn tỉnh từ trước đến nay. Để đảm bảo công khai, minh bạch cũng như giảm bớt rủi ro trong quá trình chi trả, tiền DVMTR được triển khai thông qua tài khoản của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Lạng Sơn (Agribank Lạng Sơn). Đối với các đối tượng là UBND các xã, cộng đồng dân cư và chủ rừng nhóm II (gồm 10 doanh nghiệp), việc chi trả đã hoàn tất từ ngày 31/12/2020 với số tiền trên 5,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, với chủ rừng là các hộ gia đình, công tác trên gặp rất nhiều khó khăn.
Người dân xã Thiện Long, huyện Bình Gia chăm sóc rừng
Đơn cử như tại huyện Đình Lập, tổng số tiền DVMTR là gần 180 triệu đồng, được chi trả cho các chủ rừng gồm 912 gia đình. Tuy nhiên, đến nay, toàn bộ số tiền trên vẫn chưa thể đến tay người dân. Một trong những khó khăn lớn nhất chính là số tiền DVMTR của nhiều hộ dân nhận được là rất ít, nhiều trường hợp chỉ khoảng vài nghìn đồng, thậm chí vài trăm đồng. Trong khi đó, nhiều hộ dân cách xa các điểm rút, nhận tiền, số tiền nhận được thậm chí không đáp ứng được chi phí đi lại.
Ông Phạm Công Phong, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đình Lập cho biết: Đối với các hộ nhận tiền DVMTR ít, đơn vị đã đưa ra giải pháp tiến hành chi trả theo nhóm hộ hoặc theo thôn, bản để phục vụ cho các hoạt động phát triển, bảo vệ rừng của thôn, bản. Tuy nhiên, đến đây lại phát sinh một khó khăn. Việc chi trả khi tiến hành như vậy cần sự đồng thuận của toàn bộ các hộ dân được hưởng tiền DVMTR.
Ngoài các nguyên nhân trên, còn không ít khó khăn dẫn đến việc chi trả tiền DVMTR vẫn chưa thể hoàn thành. Trong đó, hầu hết đều do người dân không chủ động đến mở tài khoản ngân hàng tại các điểm giao dịch do số tiền nhận được quá ít. Ngoài ra, tại một số nơi, hạ tầng công nghệ thông tin còn hạn chế, người dân không có internet hoặc các mạng 3G, 4G để sử dụng các ứng dụng để theo dõi biến động tài khoản ngân hàng. Trong đó, điển hình là tại một số xã thuộc các huyện: Bình Gia, Lộc Bình, Đình Lập.
Ông Hoàng Văn Nam, chủ rừng tại xã Bắc Xa, huyện Đình Lập cho biết: Gia đình tôi được chi trả tiền DVMTR của năm 2018 và 2019 chưa đến 3.000 đồng. Trong khi đó, đi từ nhà tôi ra đến điểm rút tiền phải mất khoảng 1 tiếng đồng hồ, số tiền này thậm chí còn không đủ đáp ứng chi phí đi lại. Cùng đó, có nhiều người trong thôn chúng tôi không biết sử dụng các ứng dụng của ngân hàng trên điện thoại. Do vậy, việc sử dụng tài khoản ngân hàng là rất bất tiện đối với tôi cũng như một số hộ khác trong xã.
Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, diện tích có rừng của tỉnh là hơn 523.000 ha. Trong đó, 313.593 ha rừng mà chủ thể quản lý, bảo vệ được chi trả tiền DVMTR. Tính đến ngày 26/5/2021, mới chỉ có 7/11 huyện, thành phố hoàn thành chi trả tiền DVMTR năm 2018 và 2019.
Việc chi trả tiền DVMTR không dùng tiền mặt là chủ trương đúng đắn của Nhà nước trong việc đơn giản hóa thủ tục và minh bạch về thông tin. Tuy nhiên, đối với tỉnh có nhiều đặc thù về địa hình, dân cư, dân trí như Lạng Sơn, cần có những giải pháp để phù hợp với tình hình thực tiễn.
Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Để từng bước gỡ khó trong công tác chi trả tiền DVMTR, từ khi thực hiện, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã phát trên 20.000 tờ rơi nhằm tuyên truyền, vận động chủ rừng sử dụng phương thức nhận tiền qua tài khoản ngân hàng. Với các trường hợp người thụ hưởng không muốn thanh toán qua tài khoản ngân hàng do số tiền nhỏ, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các thôn để lấy ý kiến các chủ rừng. Từ đó, xây dựng các quy chế, thủ tục nhận tiền DVMTR bằng tiền mặt một cách công khai, minh bạch và sử dụng số tiền đó vào quỹ bảo vệ, phát triển rừng của thôn, bản.
Hiện nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cùng hạt kiểm lâm các huyện, thành phố đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm sớm hoàn tất việc chi trả tiền DVMTR đến người dân
GIA KHÁNH
Ý kiến ()