Khó khăn trong cấp “sổ đỏ” cho di tích
LSO- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa quy định: các di tích đã xếp hạng phải được khoanh vùng, bảo vệ. Tuy nhiên, vấn đề bức thiết đặt ra hiện nay là việc cấp “sổ đỏ” cho các di tích để khoanh vùng bảo vệ đang gặp phải rất nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.
Thực hiện hướng dẫn của Sở Tài Nguyên – Môi trường tại văn bản số 1096/STNMT, ngày 25/9/2017 về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho di tích. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân liên quan hoàn thiện hồ sơ trình cấp GCNQSDĐ theo quy định. Tuy nhiên, công tác quy hoạch, khoanh vùng, cấp GCNQSDĐ còn chậm bởi nhiều khó khăn, vướng mắc.
Vướng mắc đầu tiên là tình trạng di tích bị xâm hại, lấn chiếm, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng khi di dời các hộ dân ra khỏi di tích. Chẳng hạn như 376 hộ gia đình đang sinh sống trong khu vực Khu di tích Nhị, Tam Thanh, núi Tô Thị, Thành Nhà Mạc (phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn). Trong đó: 261 hộ đã được cấp GCNQSDĐ trong khu vực quy hoạch bảo vệ di tích; 200 căn nhà cấp 4 đã cơi nới, xây dựng nhà ở trong khu vực bảo vệ di tích. Nhiều trường hợp trước khi công bố quy hoạch vùng di sản, họ đã ở đó từ rất lâu và được cấp GCNQSDĐ, đó là những “tồn tại lịch sử” không dễ giải quyết.
Ông Vương Lê Hoàng, Chủ tịch UBND phường Tam Thanh cho biết: Việc khoanh vùng bảo vệ di tích đã được xác định, nhưng để cấp GCNQSDĐ cho di tích lại liên quan đến việc di dời người dân ra khỏi vùng quy hoạch và liên quan cả tới cơ chế chính sách, phương án giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và quỹ đất tái định cư cho người dân…
Các hộ dân sinh sống lâu năm quanh khu vực di tích Nhị Thanh, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn
Không chỉ riêng ở Khu di tích Nhị, Tam Thanh, núi Tô Thị, Thành Nhà Mạc mà hầu hết các khu, điểm di tích trên địa bàn tỉnh hiện nay có tình trạng tương tự, ví dụ như: di tích nhà bia Thủy Môn Đình tại thị trấn Đồng Đăng (Cao Lộc) có 19 hộ gia đình xây dựng nhà ở trong khu vực di tích; địa điểm hang Rộc Mạ (Văn Quan), khu vực hang đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng cho nhân dân….
Mặt khác, trước khi được xếp hạng, các di tích chủ yếu chỉ khoanh vùng trên tổng thể và ước lượng nên tính chính xác không cao. Từ đó, việc khoanh vùng bảo vệ các di tích rất khó khăn vì có nhiều di tích hiện trạng đã bị thay đổi so với trước kia. Đơn cử như trường hợp tại cầu Rá Riềng, bãi Lân Bắc, (Bắc Sơn) không xác định được danh giới di tích do hiện tại các hộ dân xung quanh, lấn chiếm, chiếm dụng đất để dựng nhà ở và trồng hoa màu.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh mới có 23/126 điểm, khu di tích đã xếp hạng được cấp GCN QSDĐ (chiếm 18,2%), trong đó có 4 điểm di tích quốc gia, 19 điểm khu di tích cấp tỉnh. Bên cạnh đó, một số huyện thực hiện việc cấp “sổ đỏ” cho các di tích còn ít như: huyện Chi Lăng 1/8 điểm di tích được cấp GCNQSDĐ; Cao Lộc 3/12 điểm di tích được cấp… Thậm chí, các huyện: Văn Quan, Tràng Định, Văn Lãng chưa có di tích nào được cấp GCNQSDĐ.
Để từng bước tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong việc cấp GCNQSDĐ cho di tích, ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Sở sẽ tăng cường công tác tuyên truyền về Luật Di sản văn hóa đến từng người dân, đồng thời đẩy mạnh công tác phối hợp với UBND các huyện trong việc tiến hành lập và hoàn thiện hồ sơ trình cấp GCNQSDĐ.
TUYẾT MAI
Ý kiến ()