Khó khăn trong bình ổn giá sau lũ
Tất cả hàng hóa đều tăng giá đến ba lần so với tháng 10, nhất là thực phẩm tươi sống. Tỉnh Ninh Thuận đã và đang triển khai nhiều giải pháp để bình ổn giá, nhưng do nguồn cung hàng hóa hầu hết đều phải nhập từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khác, nên việc bình ổn thị trường ở Ninh Thuận đang gặp nhiều khó khăn.Sau đợt lũ vừa qua, nhiều vùng trồng rau ở Ninh Thuận bị thiệt hại nặng. Nguồn cung tại chỗ chỉ còn lại duy nhất là rau muống. Nhưng, nếu trước thời điểm xảy ra mưa lũ, giá rau muống khoảng bốn ngàn đồng/kg, thì hiện nay tăng lên 12 ngàn đồng/kg. Giá các loại rau, củ, quả được nhập từ Đà Lạt về đến các chợ, siêu thị cũng tăng từ hai đến ba lần. Chị Nguyễn Thị Kim Phượng, ở Phường Tấn Tài, TP Phan Rang – Tháp Chàm bức xúc nói “ Đầu tháng 11, cà chua, rau các loại… chỉ bốn ngàn đồng/kg, nay vọt lên 12 ngàn đồng/kg làm mấy bà nội trợ mệt mỏi lắm”. Trả lời câu hỏi vì sao không niêm yết giá sản...
Sau đợt lũ vừa qua, nhiều vùng trồng rau ở Ninh Thuận bị thiệt hại nặng. Nguồn cung tại chỗ chỉ còn lại duy nhất là rau muống. Nhưng, nếu trước thời điểm xảy ra mưa lũ, giá rau muống khoảng bốn ngàn đồng/kg, thì hiện nay tăng lên 12 ngàn đồng/kg. Giá các loại rau, củ, quả được nhập từ Đà Lạt về đến các chợ, siêu thị cũng tăng từ hai đến ba lần. Chị Nguyễn Thị Kim Phượng, ở Phường Tấn Tài, TP Phan Rang – Tháp Chàm bức xúc nói “ Đầu tháng 11, cà chua, rau các loại… chỉ bốn ngàn đồng/kg, nay vọt lên 12 ngàn đồng/kg làm mấy bà nội trợ mệt mỏi lắm”. Trả lời câu hỏi vì sao không niêm yết giá sản phẩm theo quy định, tiểu thương Nguyễn Thị Ngọc Lan ở chợ Phan Rang, nói: Vì thương lái ở những chợ đầu mối các tỉnh, thành phố lớn cung cấp nguồn hàng cho tiểu thương với giá liên tục chênh lệch nhau, nên không thể niêm yết giá bán, chỉ còn cách thực tế nhất là dựa vào giá gốc của từng đợt hàng mà tiểu thương mua, nếu rẻ thì bán rẻ và ngược lại cho người tiêu dùng.
Trước tình hình giá cả hàng hóa ngày càng “leo thang”, Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp cùng Ban quản lý các chợ tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, nhưng có thể nói giải pháp này không hiệu quả. Nhiều hộ kinh doanh lý giải là do nguồn cung ứng không đủ cộng với việc giá cả lên, xuống từng ngày, họ chấp nhận bị phạt chứ không niêm yết giá (!).
Trao đổi cặn kẽ để tìm lời giải cho bài toán “niêm yết giá”, Phó Giám đốc Sở Công Thương Ninh Thuận Nguyễn Thanh Hoan cũng thừa nhận là hiện nay việc kiềm chế và bình ổn giá hàng hóa tại địa phương rất khó khăn, vì Ninh Thuận vẫn chưa có doanh nghiệp đủ năng lực sản xuất các mặt hàng thực phẩm công nghệ để cung ứng cho người tiêu dùng nội địa. Do phải nhập hàng hóa từ thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh khác về, nên việc mua, bán phải chịu cảnh trung gian nhiều lần, cứ mỗi một khâu trung gian, giá lại tăng lên nên khi đến tay người tiêu dùng thì giá đội lên khá cao.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Hoan, để bình ổn thị trường từ nay đến cuối năm và trước mắt, Ninh Thuận đang tập trung mọi điều kiện, chủ yếu bình ổn giá của tám mặt hàng thiết yếu được Chính phủ chỉ đạo, tỉnh đã chọn giải pháp hỗ trợ cho bốn doanh nghiệp được vay khoảng 15 tỷ đồng không lãi suất trong thời gian bốn tháng để đầu tư sản xuất, nhằm giảm giá thành sản phẩm, đảm bảo cung ứng ổn định hàng hóa thiết yếu cho người tiêu dùng. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp được vay ưu đãi phải khai thác nguồn hàng tận gốc, mở rộng các điểm kinh doanh, đưa hàng đến tận tay người tiêu dùng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, những nơi cách trở về giao thông và phải tuân thủ cam kết là bán hàng hóa thấp hơn giá thị trường 10%.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Đỗ Hữu Nghị khẳng định: Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm khắc những hành vi vi phạm quy định của nhà nước trong việc đầu cơ để trục lợi, không niêm yết giá và không bán đúng giá niêm yết, quyết tâm tạo chuyển biến tích cực về bình ổn giá cả thị trường ở thời điểm trước, trong và sau tết Nguyên đán Tân Mão 2011. Bên cạnh đó, chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền, vận động để tiểu thương nâng cao nhận thức, thực hiện tốt quy định chung. Với nhiều giải pháp được triển khai, hy vọng giá cả hàng hóa ở Ninh Thuận sẽ nhanh chóng hạ nhiệt, giảm bớt khó khăn cho người tiêu dùng, đặc biệt là nông dân.
Theo Nhandan
Ý kiến ()