Chính trường Ô-xtrây-li-a đang lâm vào giai đoạn khó khăn khi lần đầu trong 70 năm qua, nước này đứng trước nguy cơ “Quốc hội treo”, do không phe nào hội đủ đa số 76 ghế cần thiết tại Hạ viện để tự thành lập chính phủ sau cuộc bầu cử QH Liên bang ngày 21-8 vừa qua. Cả Công đảng cầm quyền lẫn liên đảng Tự do – Dân tộc đối lập đang tìm cách bảo đảm có được phần thắng, trong khi chờ đợi kết quả bầu cử chính thức được công bố cuối tháng 8 này.
Các nhà phân tích chính trị nói rằng, rất khó để dự báo kết quả chính thức của cuộc bầu cử QH Ô-xtrây-li-a, tuy nhiên, những động thái chính trị mới đây trên chính trường nước này cho thấy, cả Công đảng và liên đảng đối lập đều không bảo đảm chắc chắn về tương lai chính trị của họ. Ba hạ nghị sĩ độc lập, gồm T.Uyn-xơ, B.Cát-tơ, R.Oa-kê-sót và nghị sĩ QH duy nhất của đảng Xanh là B. Brao đã tiến hành đàm phán với lãnh đạo Công đảng, Thủ tướng G. Gi-lát và lãnh đạo phe đối lập T.Áp-bót để “mở đường” cho những thỏa hiệp về việc chia sẻ quyền lực đối với chính phủ sắp tới, có thể chính thức được bắt đầu từ ngày 3-9 tới.
Trong cuộc bầu cử ngày 21-8 vừa qua, hơn 14 triệu cử tri Ô-xtrây-li-a đã đi bầu toàn bộ 150 ghế ở Hạ viện, nhiệm kỳ ba năm và bầu lại 40 ghế trong tổng số 76 ghế của Thượng viện, nhiệm kỳ sáu năm. Sau tổng tuyển cử, Chính phủ mới sẽ được thành lập dựa trên cơ sở đảng nào chiếm đa số ghế tại Hạ viện và người lãnh đạo của đảng đó sẽ trở thành thủ tướng, nhiệm kỳ ba năm. Kết quả kiểm phiếu mới nhất từ Ủy ban bầu cử Ô-xtrây-li-a (AEC) cho thấy, Công đảng đang bị phe đối lập dẫn trước, với tỷ lệ tương ứng 70/71 ghế. Hiện còn khoảng 80.000 lá phiếu qua đường bưu điện chưa được kiểm. Các nhà phân tích dự đoán, Công đảng sẽ được thêm hai ghế, phe đối lập thêm một ghế và hai ghế còn lại thuộc về các ứng cử viên độc lập. Sau cuộc bầu cử, đảng Xanh nổi lên là một chính đảng lớn thứ ba ở Ô-xtrây-li-a, với khả năng tăng số đại biểu ở Thượng viện lên chín người và lần đầu có một đại biểu trong Hạ viện. Giới phân tích dự đoán, nhiều khả năng Công đảng sẽ lôi kéo được sự ủng hộ của đảng Xanh hơn là liên đảng đối lập. Trong khi đó, ba nghị sĩ độc lập đã nêu kiến nghị bảy điểm gửi lãnh đạo hai phe có nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử vừa qua, nhấn mạnh mục tiêu của họ là bảo đảm một chính phủ ổn định, đồng thời cảnh báo có thể tổ chức một cuộc bầu cử mới nếu không đạt thỏa thuận như mong muốn.
Kể từ cuộc bầu cử QH năm 1940 tới nay, chưa bao giờ cử tri Ô-xtrây-li-a đứng trước một kết quả bầu cử khó đoán như hiện nay do tỷ lệ ủng hộ của họ dành cho hai phe chủ chốt trên chính trường chỉ chênh nhau sít sao, thậm chí có thể chỉ được quyết định bởi bốn ghế bầu. Chính phủ Công đảng của nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Ô-xtrây-li-a G.Gi-lát lúc đầu ra tranh cử với ưu thế dẫn trước, nhưng kết quả thăm dò dư luận ngay trước thềm bầu cử cho thấy, phe đối lập nhanh chóng giành lại thế cân bằng. Các chủ đề vận động tranh cử của hai phe năm nay chủ yếu tập trung về kinh tế và việc làm, dân số và người nhập cư, kế hoạch “siêu thuế” 30% đánh vào lợi nhuận của ngành khai mỏ, biến đổi khí hậu và môi trường, y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội, trong khi ít đề cập các vấn đề an ninh, quốc phòng và ngoại giao – những lĩnh vực mà cả Thủ tướng Gi-lát lẫn thủ lĩnh phe đối lập Áp-bót đều được đánh giá là hầu như không có kinh nghiệm. Công đảng cầm quyền đã để mất 15 ghế quan trọng tại hai tiểu bang Niu Xao Uên và Quyn-xlen cho liên đảng đối lập, trong khi tiểu bang Tây Ô-xtrây-li-a nổi lên là một chiến trường bầu cử chính giữa hai phe. Mổ xẻ nguyên nhân thất bại của Công đảng, không ít nhà chính trị cho rằng, việc đảng này bất ngờ bầu bà Gi-lát làm Chủ tịch Công đảng, lên nắm quyền Thủ tướng thay người tiền nhiệm K.Rắt (người đã đưa Công đảng trở lại nắm chính quyền sau chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử năm 2007) hồi tháng 6 vừa qua và nhanh chóng kêu gọi tiến hành bầu cử là một nhân tố. Có ý kiến cho rằng, kết quả bầu cử cho thấy quyết định nêu trên của Thủ tướng Gi-lát có phần “vội vã” và rằng nội bộ Công đảng bộc lộ sự chia rẽ… Liên đảng đối lập dù chưa có được sự ủng hộ của đa số cử tri, nhưng đang vươn lên đầy sức thuyết phục.
Trong bối cảnh nói trên, các nhà quan sát cho rằng, rất có thể Chính phủ mới ở Ô-xtrây-li-a sẽ là một liên minh thiểu số. Trong trường hợp không thành lập được chính phủ liên hiệp, Ô-xtrây-li-a sẽ phải tiến hành cuộc bầu cử mới. Đây được coi là “kịch bản tồi tệ” đối với chính trường này. Điều đó có thể ảnh hưởng tiêu cực các thị trường tài chính và đồng nội tệ của Ô-xtrây-li-a.
Ý kiến ()