Khó khăn thử thách doanh nghiệp
Lắp ráp ô-tô ở Công ty TNHH ô-tô Hòa Bình. ( Ảnh: ĐỨC ANH )Năm 2012 được nhiều doanh nghiệp (DN) nhìn nhận là năm đầy khó khăn, thách thức. Nguy cơ lạm phát cao vẫn đang rình rập, việc tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô sẽ khiến các DN tiếp tục gặp khó khăn về vốn đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.Tìm kiếm thị trường tiêu thụDịp Tết Nguyên đán năm nay, lượng hàng của Công ty TNHH Trung Thành đưa ra thị trường tăng hơn 20% so với dịp Tết năm trước. Tổng Giám đốc Công ty Phí Ngọc Chung cho biết, doanh thu của công ty năm 2011 tăng 16 - 17%, mặc dù không đạt so với kế hoạch đầu năm đề ra là 20% nhưng đây cũng là thành công lớn của công ty trong bối cảnh khó khăn như vậy. Năm 2012, nhận thấy khó khăn vẫn còn hiện hữu, công ty đã quyết định điều chỉnh lại mục tiêu tăng trưởng doanh thu từ mức 25% xuống còn 15%. Không trông chờ vào sự hỗ...
Lắp ráp ô-tô ở Công ty TNHH ô-tô Hòa Bình. ( Ảnh: ĐỨC ANH ) |
Tìm kiếm thị trường tiêu thụ
Dịp Tết Nguyên đán năm nay, lượng hàng của Công ty TNHH Trung Thành đưa ra thị trường tăng hơn 20% so với dịp Tết năm trước. Tổng Giám đốc Công ty Phí Ngọc Chung cho biết, doanh thu của công ty năm 2011 tăng 16 – 17%, mặc dù không đạt so với kế hoạch đầu năm đề ra là 20% nhưng đây cũng là thành công lớn của công ty trong bối cảnh khó khăn như vậy. Năm 2012, nhận thấy khó khăn vẫn còn hiện hữu, công ty đã quyết định điều chỉnh lại mục tiêu tăng trưởng doanh thu từ mức 25% xuống còn 15%. Không trông chờ vào sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, DN buộc phải tự xoay xở, bươn chải, vật lộn. Nhìn thấy rõ lạm phát tăng cao sẽ khiến sức mua trên thị trường giảm sút mạnh, xu hướng chuyển đổi từ sản phẩm này sang sản phẩm khác, nhất là đối với các sản phẩm thực phẩm chế biến…, Công ty Trung Thành buộc phải tính toán, tìm kiếm các giải pháp để bù đắp nguồn doanh thu sụt giảm. Các dự án đầu tư mở rộng sản xuất đều tạm thời dừng lại, thay vào đó Trung Thành tập trung mở rộng thị trường tiêu thụ bằng cách tìm kiếm những thị trường mới. Chỉ riêng tại địa bàn TP Hà Nội, Trung Thành phải chịu sức ép cạnh tranh với hơn 100 DN có cùng ngành nghề kinh doanh, vì thế, công ty quyết định mở rộng thị trường về khu vực nông thôn. Những chuyến đưa hàng về nông thôn giúp Trung Thành từng bước thâm nhập thị trường này, tìm hiểu, nghiên cứu nhu cầu thị hiếu tiêu dùng của người dân nông thôn để từ đó cho ra những sản phẩm phù hợp. Nhãn hàng Angon với các sản phẩm từ dấm, nước tương đến tương ớt… nhanh chóng chiếm được cảm tình của người dân nơi đây. Mặc dù chi phí bán hàng, vận chuyển rất lớn nhưng Trung Thành vẫn mạnh dạn thiết lập các kênh phân phối, hệ thống đại lý bán sản phẩm tại các vùng sâu, vùng xa. Sản phẩm mang thương hiệu Trung Thành hiện đã có mặt tại 40 tỉnh, thành phố trên cả nước, vươn tới các vùng sâu, vùng xa như Vị Xuyên (Hà Giang), Mù Cang Chải (Yên Bái), Si Ma Cai (Lào Cai)… Năm 2011, sản lượng tiêu thụ tại thị trường nông thôn tăng dần, chiếm hơn 20% tổng sản lượng tiêu thụ của Trung Thành, góp phần tăng doanh thu đáng kể cho công ty. Năm nay, công ty đặt mục tiêu đưa sản phẩm Trung Thành có mặt tại tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Không chỉ khai thác thị trường trong nước, Trung Thành còn tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu. Bên cạnh những thị trường truyền thống như Đông Âu, Ba Lan… năm 2011, công ty từng bước thâm nhập thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Séc, Nam Phi… Doanh thu từ hoạt động xuất khẩu này tăng hơn 20% so với năm 2010, chiếm khoảng 25% tổng doanh thu của công ty. Năm 2012, bên cạnh việc đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước, Trung Thành đang tập trung mở rộng thị trường xuất khẩu, chủ động tìm kiếm đối tác nước ngoài mới, đa dạng các hình thức bán hàng…
Tái cấu trúc DN
Giống như Trung Thành, Công ty cổ phần dịch vụ thời trang Linh Linh cũng không tham vọng mở rộng đầu tư sản xuất trong năm 2012. “Tìm kiếm thị trường tiêu thụ để duy trì ổn định việc làm cho công nhân là mục tiêu đầu tiên chúng tôi đang thực hiện”, Giám đốc Công ty Nguyễn Huyền Trinh chia sẻ. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chiến lược kinh doanh của công ty đã được kịp thời điều chỉnh, tập trung vốn vào lĩnh vực kinh doanh chính là may, thay vì mở rộng đầu tư sản xuất phụ liệu may như trước đây, đồng thời chủ động sắp xếp lại lao động, bộ máy quản trị điều hành… Theo Giám đốc Nguyễn Huyền Trinh, năm 2012 là thời điểm để các DN nhỏ và vừa nhìn lại hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, từng bước tái cấu trúc DN, đặc biệt tái cấu trúc tài sản, nguồn vốn, bảo đảm phân bổ vốn cho các hoạt động một cách hợp lý, nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn được sử dụng.
Lãi suất vay ngân hàng hiện vẫn ở mức cao, hơn nữa việc tiếp cận nguồn vốn vay này cũng không hề dễ dàng do các ngân hàng đều thắt chặt tín dụng, nên Công ty Linh Linh không đủ vốn để nhận những hợp đồng lớn, cho dù hợp đồng lớn thì đơn giá sản phẩm sẽ cao hơn, có lãi nhiều hơn. “Cái khó ló cái khôn”, công ty quyết định huy động vốn tự có của toàn bộ 200 lao động trong công ty. Giám đốc Nguyễn Huyền Trinh tâm sự, khó khăn nhất là thuyết phục anh chị em trong công ty tự nguyện đóng góp tiền cho công ty mặc dù công ty bảo đảm trả lãi suất theo mức hợp lý. Tuy nhiên, bằng những việc làm cụ thể, người lao động trong công ty cũng hiểu ra rằng, việc chia sẻ khó khăn với công ty trong lúc này cũng chính là cách để duy trì việc làm, ổn định thu nhập cho bản thân mình, thay vì công ty phải đóng cửa, người lao động mất việc. Bằng nguồn vốn huy động đó, công ty tranh thủ tìm kiếm và chớp cơ hội ký những hợp đồng giá trị lớn, đơn giá sản phẩm tăng cao, trong khi chi phí vốn đầu tư không quá lớn.
Khó khăn, thách thức với DN trong năm 2012 là không nhỏ. Song, ngay từ đầu năm, nhiều DN đã nhận thức rõ đồng thời chủ động thực hiện nhiều giải pháp sáng tạo vượt khó. Khó khăn thử thách DN và cũng là cơ hội để DN trưởng thành, vươn lên.
Theo Nhandan
Ý kiến ()