Khó khăn thu kinh phí công đoàn
(LSO) – Thời gian qua, các cấp công đoàn tỉnh đã tập trung nhiều giải pháp thu kinh phí công đoàn (KPCĐ), đảm bảo thực hiện tốt các hoạt động, chăm lo đời sống đoàn viên, người lao động (ĐVNLĐ). Tuy nhiên, trên thực tế, công tác thu KPCĐ, nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước (NKVNN) vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo Ban Tài chính LĐLĐ tỉnh, năm 2017, toàn tỉnh thu được hơn 40 tỷ đồng, đạt 96% so với dự toán, tăng 13% so với cùng kỳ 2016. Để có được kết quả này, LĐLĐ các huyện, thành phố, công đoàn ngành đã tích cực tuyên truyền, vận động doanh nghiệp thực hiện trích nộp KPCĐ theo Luật Công đoàn sửa đổi năm 2012 và Nghị định 191/2013/NĐ-CP, ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết tài chính công đoàn; đồng thời áp dụng nhiều biện pháp như: tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng (thuế, bảo hiểm xã hội…) kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, Luật Công đoàn, đồng thời đốc thúc các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính công đoàn. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp công đoàn đảm bảo kinh phí hoạt động, thực hiện tốt chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ĐVNLĐ.
Công đoàn Viễn thông Lạng Sơn thăm và tặng quà học sinh nghèo vượt khó tại xã Bằng Mạc, huyện Chi Lăng
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thu KPCĐ còn rất nhiều khó khăn. Hiện nay, việc trích nộp KPCĐ ở một số đơn vị, đặc biệt là các doanh nghiệp NKVNN chưa thực hiện nghiêm túc theo quy định (không trích nộp hoặc chỉ trích nộp cho công đoàn cấp trên, không trích chuyển kinh phí cho công đoàn cơ sở đơn vị hoạt động). Một số chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi khi thực hiện đóng KPCĐ. Bình quân từ năm 2013 đến nay, KPCĐ ở các đơn vị sản xuất kinh doanh chỉ thu được 50% kế hoạch; đơn vị chưa có tổ chức công đoàn đạt 5%.
Bà Phạm Thị Nhàn, Chủ tịch Công đoàn ngành y tế tỉnh cho biết: Công đoàn ngành chỉ có 2 công đoàn cơ sở doanh nghiệp. Tuy nhiên, do sản xuất kinh doanh gặp khó khăn nên những năm gần đây, chỉ có 1 đơn vị trích nộp KPCĐ, đơn vị còn lại không thu được. Chúng tôi đã tiếp cận, tuyên truyền vận động nhiều lần nhưng không hiệu quả.
Thu KPCĐ ở các công đoàn cơ sở doanh nghiệp đã khó, thu ở các đơn vị chưa có tổ chức công đoàn (theo Nghị định 191/2013/NĐ-CP) còn khó khăn hơn rất nhiều. Ông Nguyễn Bá Khoa, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Thực hiện Nghị định 191, chúng tôi đã gửi văn bản đến 40 doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn nhưng đến nay, qua nhiều lần gặp gỡ, tuyên truyền, đôn đốc, mới chỉ có 3 đơn vị trích nộp KPCĐ năm 2017 theo quy định. Còn các công đoàn cơ sở doanh nghiệp năm 2017 thu đạt 90% nhưng nộp chậm, chủ yếu nộp vào cuối năm, thậm chí sang 31/3 năm sau.
Việc các doanh nghiệp chây ì, chậm nộp KPCĐ cũng là thực trạng chung, dẫn đến việc quyết toán tài chính công đoàn LĐLĐ tỉnh không tính toán được theo tháng, theo quý như quy định. Cụ thể, số thu KPCĐ năm 2018 chỉ có số liệu tổng hợp vào cuối tháng 3/2019. Bà Vũ Thị Vân Nga, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tài chính LĐLĐ tỉnh cho biết: Để giải quyết những khó khăn trong việc thu KPCĐ, góp phần chăm lo, bảo vệ tốt hơn cho ĐVNLĐ, LĐLĐ tỉnh tiếp tục chỉ đạo LĐLĐ huyện, thành phố, công đoàn ngành tuyên truyền, vận động, thuyết phục làm cho chủ doanh nghiệp hiểu việc trích nộp KPCĐ là thực hiện quy định của pháp luật, đồng thời cũng để chăm lo NLĐ trong chính doanh nghiệp của mình, từ đó tự giác thực hiện; tăng cường kiểm tra, đối chiếu quỹ lương các cơ sở và kiểm tra công tác quản lý tài chính, đôn đốc thu KPCĐ. Đầu tháng 9/2018, LĐLĐ tỉnh đã làm tờ trình đề nghị UBND tỉnh ban hành chỉ thị yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện trích nộp KPCĐ theo quy định của pháp luật.
Nghị định 191/2013/NĐ-CPcủa Chính phủ ban hành ngày 21/11/2013 quy định: Đối tượng đóng KPCĐ theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở. Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. |
Ý kiến ()