Khó khăn quản lý xe ô tô “cóc” chở khách
LSO - Thống kê sơ bộ của phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Lạng Sơn, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 100 xe ô tô 7 chỗ, chủ yếu là xe ô tô hiệu Zusuki (thường gọi là xe su “cóc”) kinh doanh vận tải chở khách theo tuyến từ trung tâm thành phố Lạng Sơn đi Lộc Bình, cửa khẩu Chi Ma và tuyến từ thành phố đi cửa khẩu Tân Thanh. Loại xe này không thuộc loại hình kinh doanh vận tải nhưng vẫn tham gia vận tải khách, vận chuyển hàng hóa, gây khó khăn cho việc quản lý.
Bến “cóc” của xe “cóc” trên đường Ngô Quyền, thành phố Lạng Sơn
Không thuộc loại hình kinh doanh vận tải nào
Ông Đào Tuấn Anh, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Lạng Sơn cho biết: loại xe ô tô 7 chỗ này không phải xe chở khách cũng không phải xe taxi, vì vậy, hiện xe ô tô “cóc” này không được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép kinh doanh vận tải.
Thực tế, mặc dù không được cấp phép nhưng nhiều cá nhân vẫn xử dụng loại xe này chở khách, chở hàng hóa từ thành phố đi đến các cửa khẩu trên địa bàn và ngược lại. Loại xe này tồn tại từ nhiều năm, có thời kỳ khi lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông vào cuộc kiểm tra quyết liệt, cùng đó là hệ thống xe buýt Non Nước hoạt động mạnh (xây dựng tuyến từ trung tâm thành phố đi cửa khẩu) thì số lượng ô tô “cóc” này đã giảm. Tuy vậy, hiện nay với ưu thế nhỏ, gọn, dễ luồn lách, dễ chở hàng hóa, nhất là tuyến xe buýt không đi đến tận cửa khẩu (ví như hiện không có xe buýt đi đến cửa khẩu Chi Ma), do vậy, lượng xe ô tô “cóc” chở khách có chiều hướng gia tăng.
Với đặc thù là một tỉnh có nhiều cửa khẩu, lượng xe khách buôn nhỏ đi lại khá lớn, vì thế, mặc dù không được cấp phép, biết khi bị kiểm tra sẽ bị phạt nhưng hiện có nhiều người vẫn đầu tư mua xe Zusuki 7 chỗ này để chở khách. Hàng hóa. Điều nguy hiểm là phần lớn các xe ô tô này đều đã cũ, chỉ số an toàn của xe không còn đảm bảo, đặc biệt là hệ thống khung gầm và hệ thống phanh đã kém, do vậy, xe “cóc” tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao. Vụ tai nạn giao thông thương tâm khiến 11 người thương vong xảy ra vào chiều ngày 30/3/2016 (xe Zusuki chở khách từ khu vực biên giới về, khi đi đến khu vực Bản Rọi, xã Thanh Lòa, huyện Cao Lộc thì mất lái lao xuống vực) là ví dụ điển hình cho sự tiềm ẩn tai nạn khi sử dụng xe su “cóc” chở khách. Theo điều tra của cảnh sát giao thông, không nói đến việc lái xe chưa có bằng lái, nguyên nhân dẫn đến tai nạn cũng có một phần là xe quá cũ, hệ thống phanh không đảm bảo (xe mất lái do hệ thống hãm không đảm bảo nên xe đã lao xuống vực).
Cần tăng cường xử lý!
Trong tháng 7/2016, lực lượng chức năng của tỉnh đã kiểm tra, xử lý vi phạm 275 lượt xe ô tô con vi phạm Luật Giao thông đường bộ, trong đó, xử lý một số xe su “cóc” vi phạm những lỗi như: phóng nhanh, không tuân thủ tín hiệu đèn, hệ thống chiếu sáng không đảm bảo, dừng xe không đúng nơi quy định… Tuy nhiên, không có xử phạt về vi phạm chở khách không có giấy phép. Trao đổi về lý do này, trung tá Nguyễn Văn Quảng, Đội trưởng Đội Tuyên truyền và Xử lý vi phạm, Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: Khó xử lý lỗi xe “cóc” chở khách không có giấy phép, vì khi bị lực lượng CSGT kiểm tra, lái xe cất biển, nói rằng chở người trong gia đình, vì thế lực lượng CSGT chỉ kiểm tra, xử lý lỗi về vi phạm giao thông và áp dụng biện pháp xử phạt xe ô tô con dưới 9 chỗ. Để hạn chế loại xe này hoạt động vận tải khách thì cần phải có cơ chế quản lý đồng bộ, ngành GTVT phải ban hành chế tài thì lực lượng chức năng mới có thể xử lý một cách triệt để.
Thực tế, qua quan sát, các xe “cóc” này thường “lách” bằng cách để trên táp-lô của xe một bảng nhỏ ghi địa điểm đến như: Chi Ma, Lộc Bình hay Tân Thanh, nếu thấy lực lượng CSGT thì nhanh tay cất giấu và giả vờ chạy như xe gia đình. Và do chưa có chế tài cụ thể nên hiện tại vẫn còn một lượng xe su “cóc” 7 chỗ ngang nhiên kinh doanh vận tải chở khách và cả chở hàng hóa. Những điểm các xe này thường chạy lòng vòng để đón khách là khu vực ngã tư giao cắt giữa đường Ngô Quyền với quốc lộ 1A (đón khách đi thị trấn Lộc Bình, Na Dương, cửa khẩu Chi Ma và cửa khẩu Tân Thanh) và các tuyến trong thành phố khi quay xe lòng vòng đón khách, xe luôn mở cửa để đón khách tùy tiện bất cứ chỗ nào. Có lúc, các tài xế thản nhiên cho xe dừng giữa lòng đường để khách lên, xuống. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện khác mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Thiết nghĩ, trong khi chờ đợi phương án, các lực lượng chức năng cần siết chặt quản lý và xử lý nghiêm vi phạm. Sở GTVT cần chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra các loại xe này. Đặc biệt, cần triển khai một đợt rà soát tổng thể loại xe này, qua đó nắm bắt xe nào thực sự sử dụng với mục đích lưu thông trong gia đình, xe nào sử dụng với mục đích kinh doanh.
Bài, ảnh: Trí Dũng
Ý kiến ()