Khó khăn quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử
– Những năm gần đây, lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn tỉnh có những bước phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, việc quản lý thuế trong lĩnh vực này hiện đang gặp rất nhiều khó khăn và cần cơ quan chuyên môn có những giải pháp cụ thể để tháo gỡ.
Theo số liệu của Sở Công Thương, đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 20.350 sản phẩm trên sàn TMĐT, tăng 71,2% so với năm 2021, đứng thứ 2 toàn quốc; 47.360 giao dịch thành công, tăng 421% so với năm 2021; 60% gia đình có cửa hàng số cho người mua và người bán giao dịch trên các nền tảng TMĐT. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân có tài khoản trên mạng xã hội và tham gia hoạt động mua, bán sản phẩm trên nền tảng TMĐT…
Cán bộ Chi cục Thuế khu vực I hướng dẫn người dân thủ tục kê khai nộp thuế
Từ con số trên có thể thấy, lĩnh vực TMĐT trên địa bàn tỉnh đang phát triển nhanh chóng. Để khai thác có hiệu quả nguồn thu từ khu vực này, tháng 7/2021, Cục Thuế tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 33/KH-CT về triển khai quản lý thuế trong hoạt động TMĐT và tháng 10/2022 tiếp tục ban hành Kế hoạch số 40/KH-CT về tăng cường quản lý thu thuế trong hoạt động TMĐT.
Thế nhưng trong quá trình thực hiện quản lý thuế trong lĩnh vực này lại gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các cá nhân kinh doanh. Ông Ngô Ngọc Toàn, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ – Dự toán – Pháp chế, Cục Thuế tỉnh cho biết: Các giao dịch kinh doanh trên mạng điện tử phát sinh trên địa bàn tỉnh chủ yếu là hoạt động bán hàng trực tuyến của các cá nhân. Qua rà soát của cơ quan thuế, một số cá nhân có cửa hàng kinh doanh cố định đã thực hiện đăng ký và kê khai, nộp thuế với cơ quan thuế, việc bán hàng trực tuyến thực chất chỉ là mở rộng hình thức bán hàng, doanh thu đã được kê khai chung và nộp thuế.
Bên cạnh đó, một khó khăn lớn nhất chính là trường hợp cá nhân kinh doanh không có địa điểm cố định để giao dịch với khách hàng mà chỉ giao dịch qua điện thoại hoặc tài khoản trên mạng xã hội như facebook, zalo và chủ yếu bán hàng theo hình thức giao hàng, thu tiền hàng trực tiếp. Những trường hợp này rất khó kiểm soát, cơ quan thuế không đủ thông tin của cá nhân để mời đến làm việc, xác định nghĩa vụ thuế.
Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên khiến việc quản lý thu thuế trong lĩnh vực TMĐT, trong đó chủ yếu là hoạt động bán hàng trực tuyến của cá nhân trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn dẫn tới số thu từ hoạt động này rất ít, thậm chí có năm còn không thu được. Năm 2022, thu từ lĩnh vực TMĐT được 40 trường hợp với số thuế 361 triệu đồng. Qua 4 tháng đầu năm 2023, cơ quan thuế mới thu được 16 cá nhân kinh doanh, 4 doanh nghiệp chuyển phát với số tiền hơn 30 triệu đồng. Một kết quả rất thấp so với tiềm năng, lợi thế và sự phát triển bùng nổ của lĩnh vực TMĐT trên địa bàn.
Để từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý thuế từ lĩnh vực này, ngành thuế đang triển khai các giải pháp đồng bộ. Bà Nguyễn Hằng Nga, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Cục Thuế tỉnh đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, chi cục thuế trực thuộc tăng cường công tác tuyên truyền; phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc rà soát, nắm bắt danh sách người nộp thuế hoạt động kinh doanh TMĐT…Cụ thể, thời gian tới, ngành thuế tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế bằng nhiều hình thức về nghĩa vụ kê khai, chính sách thuế đến với NNT hoạt động kinh doanh TMĐT để nâng cao tính tự giác của người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách; công bố các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT có hành vi trốn thuế được cơ quan quản lý thuế thực hiện truy thu thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng; đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT không thực hiện kê khai, nộp thuế, có hành vi trốn thuế, không thực hiện các quyết định xử lý thì cơ quan thuế có văn bản gửi cơ quan chức năng thực hiện ngăn chặn hoạt động của website có hành vi vi phạm…
Cùng với đó, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý thuế trong hoạt động TMĐT, ngành thuế tiếp tục phối hợp với các ngân hàng để nắm bắt danh sách các tổ chức không phải là ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, từ đó nắm bắt thông tin, xác định doanh thu của các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT. Bên cạnh đó, cơ quan thuế phối hợp với các cơ quan liên quan nắm bắt danh sách các tổ chức, cá nhân trả tiền dịch vụ cho các đơn vị nước ngoài liên quan đến hoạt động TMĐT với việc khai, nộp thuế nhà thầu…
Hy vọng rằng với những giải pháp đang được triển khai thực hiện, thời gian tới, việc triển khai quản lý thuế trong lĩnh vực TMĐT trên địa bàn tỉnh sẽ có những chuyển biến tích cực. Qua đó, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, đồng thời góp phần vào việc nâng cao hiệu quả công tác thu ngân sách chung trên địa bàn.
Ý kiến ()