Khó khăn ở thành phố Lạng Sơn
LSO-Thực hiện lộ trình nâng cấp, phát triển đô thị thành phố Lạng Sơn trở thành đô thị loại II, Thành ủy, UBND thành phố Lạng Sơn đã xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể hóa các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực ngoài ngân sách, phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiết yếu và hạ tầng kinh tế. Tuy nhiên, việc thu hút nguồn lực xã hội hóa còn gặp nhiều khó khăn.
Đơn vị tư vấn lập quy hoạch báo cáo các đồng chí |
Trong chiến lược huy động nguồn lực ngoài ngân sách củng cố kết cấu hạ tầng thiết yếu, thành phố Lạng Sơn đã lập danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó, giai đoạn 2016 – 2017 có 2 dự án, giai đoạn 2018 – 2020 có 13 dự án đầu tư bằng phương thức đối tác công tư (PPP) với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới gần 10 nghìn tỷ đồng. Theo đó, lĩnh vực phát triển khu đô thị mới 6 dự án; lĩnh vực du lịch 4 dự án; hạ tầng giao thông kết hợp xây dựng hạ tầng khu tái định cư 3 dự án; hệ thống điện chiếu sáng đô thị và trụ sở liên cơ quan 2 dự án.
Nhằm học hỏi kinh nghiệm thu hút đầu tư từ các đô thị bạn, lãnh đạo thành phố đã tổ chức nhiều cuộc học tập kinh nghiệm tại các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Ninh… về thực hiện các dự án theo hình thức PPP. Qua đó, tìm ra hướng đi cho riêng mình, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Mặc dù vậy, vấn đề triển khai thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn.
Trong số các dự án thu hút đầu tư theo hình thức PPP đến nay, mới có dự án Khu dân cư và tái định cư Nam Nguyễn Đình Chiểu với tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng đang được triển khai thực hiện. Một số dự án khác dù đã được nhà đầu tư quan tâm lập quy hoạch, dự án đầu tư nhưng tính khả thi không cao và nhiều dự án khác vẫn chưa tìm kiếm được các nhà đầu tư.
Nguyên nhân là do có nhiều rào cản khiến cho công tác thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư vào thành phố gặp khó khăn. Một trong những khó khăn lớn là những bất cập do chính sách, pháp luật về đất đai thiếu ổn định, có nhiều thay đổi. Khung pháp lý về thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức PPP chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật khác; trình tự thực hiện, quy định về hợp đồng đối với các dự án còn rườm rà, bất cập. Hiện các cơ chế chính sách này đang được trung ương nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp.
Về chủ quan, khi lập đề xuất dự án đầu tư, việc tạo quỹ đất đối ứng, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, cộng với tinh thần, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ trong việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ dự án chưa cao. Điều này khiến cho việc triển khai các bước của dự án kéo dài làm mất cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư.
Dự án Khu dân cư và tái định cư Nam Nguyễn Đình Chiểu là dự án đầu tiên của tỉnh và thành phố được các ngành tích cực triển khai, nhưng nhà đầu tư cũng phải mất hơn 2 năm để hoàn thiện hồ sơ chuẩn bị đầu tư dự án.
Nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn trong thu hút đầu tư vào thành phố, ông Nguyễn La Thông, Bí thư Thành ủy thành phố Lạng Sơn cho biết: Thực hiện hiệu quả chương trình cải cách thủ tục hành chính; đưa dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4 vào áp dụng, xây dựng trung tâm hành chính công; nâng cao tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ theo phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp; đặc biệt, quyết liệt trong giải phóng mặt bằng đó là những nhiệm vụ, giải pháp trước mắt và lâu dài mà cấp ủy, chính quyền thành phố đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, nghiêm túc thực hiện nhằm cải thiện môi trường thu hút đầu tư.
Trong bối cảnh các nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước ngày càng hạn hẹp thì huy động nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố Lạng Sơn là xu thế tất yếu. Do đó, để thu hút được các dự án đầu tư của doanh nghiệp thì rất cần có cơ chế tạo nguồn lực đối ứng và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp triển khai nhanh các dự án. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng quyết định đến việc thành bại trong khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện dự án trên địa bàn.
TRANG NINH
Ý kiến ()