Khó khăn kinh tế buộc Qatar giảm tiền lương của lao động nước ngoài
Theo đánh giá của giới phân tích, cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh chưa có lối thoát đang khiến Qatar chịu nhiều tổn thất về tài chính và buộc nước này phải cắt giảm tiền lương của lao động nước ngoài, động thái cho thấy Doha khó có thể vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Một loạt quốc gia Arab do Saudi Arabia đứng đầu ngày 5/6 quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao và phong tỏa Qatar cả về đường không, đường bộ và đường biển, với cáo buộc Doha ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và thực thi các chính sách gây bất ổn trong khu vực.
Nhóm bốn nước Arab gồm Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain sau đó đã đưa ra bản yêu sách gồm 13 điểm đối với Qatar, trong đó có việc yêu cầu quốc gia nhỏ bé ở vùng Vịnh này đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera, ngừng hỗ trợ các nhóm khủng bố và cực đoan, hạ cấp quan hệ với Iran và chấm dứt sự hiện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar.
Tuy nhiên, Qatar đã từ chối thực thi bản yêu sách này, cho rằng yêu cầu của các nước Arab vi phạm chủ quyền của Doha.
Xung đột ngoại giao tới nay vẫn ở thế bế tắc sau hai tháng rưỡi bùng phát, khi các bên không chịu thỏa hiệp hay nhượng bộ.
Theo giới chuyên gia kinh tế, rạn nứt ngoại giao với các nước Arab và vùng Vịnh đang gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế Qatar.
Ông Mahmoud Al-Saidi, thành viên Ủy ban các vấn đề Arab của Quốc hội Qatar, nhận xét rằng việc các nước Arab tẩy chay hoạt động giao thương với Qatar đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế, do đó nước này đã không thể chi trả đủ tiền lương cho lao động nước ngoài, khiến họ phải rời bỏ quốc gia này.
Ông Ahmed Fouad Abaza, một thành viên khác của Ủy ban các vấn đề Arab thuộc Quốc hội Qatar, cho rằng tình cảnh các lao động nước ngoài không nhận đủ lương cho thấy sự thất bại của Qatar trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng kinh tế hiện nay.
Giới chuyên gia tài chính nhận định khủng hoảng kinh tế ở Qatar đã được phản ánh thông qua vấn đề tiền lương của chính phủ nước này. Những thiệt hại lớn về kinh tế cũng như việc Iran và Thổ Nhĩ Kỳ không đủ năng lực bù đắp cho những tổn thất này đã buộc một lượng lớn lao động nước ngoài rời bỏ Qatar.
Cũng theo các chuyên gia, thiệt hại sẽ thể hiện ở các dự án phát triển của Qatar, đặc là những dự án xây dựng hạ tầng phục vụ giải World Cup vào năm 2022.
Mới đây, trang tin All-Iqtisadi của Saudi Arabia cho biết, số lao động nước ngoài làm việc tại Qatar đã giảm 6,2% trong quý 2/2017 khi có tới 123.860 lao động nước ngoài đã rời khỏi quốc gia vùng Vịnh này, do tác động của khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh.
Theo Al-Iqtisadi, mỗi giờ có 57 lao động nước ngoài rời Qatar sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh, khiến số nhân công nước ngoài làm việc tại đây trong quý 2/2017 giảm 6,2% so với quý trước đó, mức giảm hàng quý lớn nhất kể từ đầu năm 2016 tới nay.
Tổng số nhân công nước ngoài làm việc tại Qatar là 1,88 triệu người trong quý 2/2017, giảm đáng kể so với con số 2 triệu người trong quý 1/2016.
Lĩnh vực tư nhân cũng như nhà nước của Qatar dựa chủ yếu vào lực lượng lao động nước ngoài, chiếm 94,8% tổng số nhân lực của cả nước./.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()