Khó khăn gay gắt của ngành chè xuất khẩu
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu chè trong 10 tháng năm 2015 chỉ đạt gần 100 nghìn tấn, trị giá khoảng 170 triệu USD, giảm 9,1% về lượng và 8,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện giá chè xuất khẩu chỉ bằng 50 đến 60% giá bình quân thế giới, nhưng cũng khó tiêu thụ, khiến cho đời sống của hàng trăm nghìn nông dân trồng chè gặp khó. Đó là thực tế mà ngành chè Việt Nam đang phải đối mặt.
Bài toán thị trường
Tại Lâm Đồng – một trong những thủ phủ chè của cả nước, hàng nghìn hộ dân đang lao đao, mất phương hướng khi quyết định chặt bỏ nhiều diện tích trồng chè ô long để chuyển sang cây trồng khác. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè xuất khẩu hoạt động cầm chừng và giảm công suất chế biến, một số đã phải tạm ngừng sản xuất. Nguyên nhân là hầu hết các loại chè xanh, chè đen, chè ô long sản xuất trên địa bàn tỉnh đang tồn kho gần 5.000 tấn. Tồn kho cao, giá xuất khẩu lại giảm khiến giá thu mua chè nguyên liệu cũng rớt theo. Năm 2014, chè ô long ở mức giá từ 25 nghìn đến 30 nghìn đồng/kg, nay chỉ còn 15 nghìn đồng/kg, cá biệt có những thời điểm 10 nghìn đồng/kg. Với giá thu mua như vậy, người nông dân lỗ.
Sự suy giảm chung trên mọi mặt của ngành sản xuất và xuất khẩu chè Lâm Đồng bắt nguồn từ sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Hầu hết sản lượng chè ô long đều chỉ xuất khẩu duy nhất vào thị trường Đài Loan (Trung Quốc). Khi phía đối tác ngừng thu mua và dựng hàng rào kỹ thuật về vệ sinh an toàn thực phẩm đã gây điêu đứng cả một ngành sản xuất của tỉnh Lâm Đồng. Theo phía Đài Loan, chè vào thị trường này phải có tiêu chuẩn hoạt chất fipronil ở mức 0,002 ppm (mức gần như bằng 0), khắt khe hơn thị trường châu Âu và các thị trường khác với mức 0,005 ppm. Đối với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu chè nước ta, tiêu chuẩn này không khác gì đánh đố bởi nó đòi hỏi gần như tuyệt đối về dư lượng hóa chất trong sản phẩm.
Chánh Văn phòng Hiệp hội chè Việt Nam Hoàng Vĩnh Long cho rằng: Hàng rào kỹ thuật là một trở ngại lớn đối với chè nước ta khi tham gia xuất khẩu. Tuy nhiên, chúng ta phải chấp nhận nó như một điểm tất yếu của “cuộc chơi”. Và mỗi nước đều có quyền dựng lên hàng rào kỹ thuật riêng. Nhiệm vụ của chúng ta là phải đàm phán để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa hai bên. Chè ô long của Lâm Đồng là thí dụ điển hình cho việc chúng ta “bỏ hết trứng vào một giỏ”, phụ thuộc vào số ít thị trường để đến khi có biến động là cả ngành sản xuất và chế biến nông sản xuất khẩu nói chung và chè nói riêng có thể bị “vỡ trận”.
Nâng giá trị và chất lượng cho chè
Hiện nay, tổng diện tích trồng chè của nước ta khoảng 124 nghìn ha, với sản lượng chè khô chế biến đạt 200 nghìn tấn/năm. Ngành sản xuất và chế biến chè tạo việc làm cho hơn 400 nghìn lao động. Nhiều vùng chè cho năng suất cao và chất lượng tốt, nổi tiếng trong nước như Tân Cương (Thái Nguyên), Mộc Châu (Sơn La), Bảo Lộc (Lâm Đồng)…
Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, chè xuất khẩu vẫn chủ yếu dưới dạng thô, các sản phẩm chế biến tinh rất hạn chế. Đáng chú ý, vẫn chưa hình thành được một thương hiệu đúng nghĩa cho chè Việt Nam trên thị trường thế giới. Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Công ty cổ phần chè Tân Cương- Hoàng Bình (Thái Nguyên) Đỗ Thị Đức Lý cho biết: Sản phẩm chè của Công ty chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa. Lượng xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm, sang thị trường Nga, CH Séc… Để xuất khẩu vào các thị trường khó tính với giá thành cao, điều cần nhất của doanh nghiệp là phải có nội lực về tài chính và chất lượng sản phẩm. Đây là điều khó khăn với hầu hết doanh nghiệp sản xuất chè Việt. Thực tế, hiện nay ngành sản xuất và chế biến chè của nước ta vẫn hoạt động manh mún, riêng rẽ. Rất ít doanh nghiệp có vùng nguyên liệu riêng hoặc có hợp đồng tiêu thụ chè đối với người sản xuất. Vì vậy, chất lượng chè không đồng đều, không truy xuất được nguồn gốc và khó kiểm soát dư lượng hóa chất. Trong khi đó, yêu cầu của các nhà nhập khẩu ngày càng cao, cộng với sự cạnh tranh quyết liệt hơn từ các quốc gia sản xuất chè khác nên chè Việt chịu thua thiệt trên thương trường là điều khó tránh khỏi.
Về hướng phát triển lâu dài cho các doanh nghiệp xuất khẩu, Chánh Văn phòng Hiệp hội Chè Việt Nam Hoàng Vĩnh Long nhận định: Cần hướng tới liên kết trong sản xuất và tiêu thụ chè, quan tâm đặc biệt tới quy trình sản xuất chè an toàn, có chứng nhận được thị trường thế giới công nhận. Nhất là tới đây, nước ta tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ thì chắc chắn các nước sẽ dựng lên hàng rào kỹ thuật “gai góc” hơn, đòi hỏi doanh nghiệp phải sớm thay đổi và thích ứng.
Cũng giống như “số phận” của phần lớn nông sản Việt, chè đang đứng trong tốp đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu, nhưng trị giá kim ngạch lại thấp hơn nhiều so với các nước xuất khẩu khác. Quy hoạch lại ngành sản xuất và chế biến, xuất khẩu chè trên cơ sở tập trung vào chất lượng để mở rộng thị trường, đồng thời tăng giá chè thành phẩm là điều cần làm sớm để tránh nguy cơ “vỡ trận” của mặt hàng nông nghiệp truyền thống này.
Từ năm 2012, chè Việt Nam đã xuất khẩu sang 103 quốc gia nhưng đến năm 2014, chỉ còn khoảng hơn 60 nước. Ngoại trừ Pa-ki-xtan – thị trường xuất khẩu chè lớn nhất và các thị trường dễ tính như Các Tiểu vương quốc A rập thống nhất vẫn tăng trưởng ổn định, thì hầu hết thị trường lớn khác đều sụt giảm, trong đó, sụt giảm mạnh nhất là Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()