Thứ 4, 27/11/2024 03:32 [(GMT +7)]
Khó khăn của sinh viên ngành xã hội trong nghiên cứu khoa học
Thứ 3, 15/06/2010 | 14:25:00 [(GMT +7)] A A
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, những cử nhân tương lai đã được khuyến khích tìm hiểu nghiên cứu khoa học (NCKH) để bước đầu tạo lập tư duy khoa học. Tuy vậy, với những đặc thù của khối ngành, sinh viên khoa học xã hội và nhân văn gặp không ít khó khăn khi thực hiện các đề tài nghiên cứu của mình. Bên cạnh đó, một thực tế cho thấy, một bộ phận sinh viên còn “thiếu lửa”, thiếu sự đam mê. Nhà trường và tổ chức Đoàn, Hội sinh viên cần có biện pháp tạo điều kiện và hỗ trợ sinh viên ngành xã hội NCKH đạt hiệu quả.
Những khó khăn từ thực tế
Để bắt đầu NCKH, sinh viên nói chung và sinh viên khối ngành khoa học xã hội nói riêng cần phải đọc, tham khảo rất nhiều, trong khi tài liệu không phải lúc nào cũng dễ dàng tìm kiếm. Thầy Lê Thành Khôi, Ban quản lý khoa học (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: Khoa học xã hội không phải là ngành khoa học chính xác. Tính ứng dụng của các đề tài nghiên cứu thường thấp hơn các ngành khoa học khác, đặc biệt là đối với sinh viên. Vì thế, nhiều vấn đề nghiên cứu xong thì thực tiễn đã được giải quyết. Đây là đặc thù của khoa học xã hội và là vấn đề cơ bản gây khó khăn cho sinh viên khi nghiên cứu các đề tài, lĩnh vực thuộc khối ngành này.
Một trong những khó khăn lớn nhất mà mỗi sinh viên ngành xã hội gặp phải trong quá trình thực hiện nghiên cứu là việc lựa chọn được đề tài thích hợp, có tính thực tế và ứng dụng. Nguyễn Thị Hằng, sinh viên K52, khoa Triết, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn luôn tự hào vì mình được học chuyên sâu một ngành được coi là “khoa học của mọi khoa học” và đã tham gia NCKH tại trường. Tuy nhiên, Hằng cho biết: “Chọn được đề tài có tính thực tế để nghiên cứu là rất khó. Lúc nào tôi cũng phải suy nghĩ để tìm được vấn đề mới, không trùng lắp với những nghiên cứu đã thực hiện trước đó, trong khi khoa học xã hội có phạm vi nghiên cứu rất rộng, nó đòi hỏi nhiều kỹ năng, nhất là kỹ năng phân tích, điều tra, tổng hợp…”.
Việc tìm tài liệu cũng là một khó khăn không nhỏ bởi đa số sinh viên không có điều kiện tiếp cận với nhiều tài liệu khác nhau. Những khó khăn về nguồn lực tài chính, sự thiếu kinh nghiệm trong việc tổng hợp, phân tích những kiến thức có được cũng là những vấn đề đối với sinh viên khi tham gia NCKH. Đặc biệt, tâm lý của một bộ phận sinh viên hiện nay thích làm những đề tài lớn mà chưa hiểu rằng những đề tài nhỏ rất phù hợp với điều kiện của sinh viên và có tính thực tế cao. Là sinh viên năm thứ 2, lớp chất lượng cao, khoa Lịch sử, Trường đại học Sư phạm Hà Nội nhưng Đỗ Đức Dũng đã là Phó chủ tịch CLB sinh viên NCKH của khoa và cũng vừa hoàn thành một đề tài về lịch sử thế giới. Theo Dũng, một trong những công việc quan trọng của sinh viên khi NCKH là phải đọc nhiều sách, phải đến nhiều thư viện. Để thực hiện xong đề tài nghiên cứu của mình, Dũng phải mất gần 3 tháng “lang thang” khắp các thư viện ở Hà Nội để tìm kiếm tài liệu. Tài liệu của khối ngành khoa học xã hội rất nhiều, phong phú. Việc lựa chọn được tài liệu tốt nhất phục vụ hiệu quả quá trình nghiên cứu cũng là một công việc không dễ dàng đối với những sinh viên ngành xã hội mới bắt đầu tham gia công việc nghiên cứu.
Thực tế cho thấy, dường như sinh viên khối ngành khoa học xã hội còn “thiếu lửa” trong nghiên cứu các đề tài khoa học. Nhiều bạn tham gia nghiên cứu chỉ do thầy cô thúc ép, hoặc để lấy thành tích chứ không phải do đam mê khoa học thật sự. Giải thích hiện tượng này, Nguyễn Minh Lập, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho rằng: “Sinh viên không hào hứng lắm với NCKH bởi nhiều lý do. Trước hết, đây là một việc khó, đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian, đọc nhiều tài liệu, trong khi một bộ phận sinh viên có tâm lý “ngại”. Tiếp đó là những vấn đề về tài liệu, phương tiện và kinh phí”.
Sự hỗ trợ của nhà trường và tổ chức Đoàn, hội
Nhà trường, tổ chức Đoàn và Hội sinh viên có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ sinh viên nói chung và sinh viên ngành xã hội nói riêng khi tham gia NCKH. Tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội, mỗi khoa đều có một giảng viên làm công tác trợ lý sinh viên NCKH. Các giảng viên này cùng với các cán bộ của Ban quản lý khoa học nhà trường làm công tác khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu, định hướng các đề tài, tư vấn và hỗ trợ về phương pháp NCKH cho sinh viên. Các khoa còn phối hợp cùng các bạn đoàn viên thanh niên thành lập các CLB sinh viên NCKH để hỗ trợ, giúp đỡ về phương pháp, phương tiện, trao đổi tài liệu, kỹ năng nghiên cứu… Các CLB sinh viên NCKH thật sự phát huy hiệu quả khi nó thu hút được nhiều bạn trẻ tham gia, mỗi năm thực hiện hàng trăm đề tài cấp khoa, nhiều đề tài cấp trường, đưa những trí thức tương lai bước vào môi trường hoạt động khoa học.
Ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, lãnh đạo Học viện và BCH Đoàn trường rất quan tâm đến công tác NCKH của sinh viên. Theo thầy Khôi (Ban quản lý khoa học Học viện), kinh phí hỗ trợ cho sinh viên NCKH tại Học viện không ngừng tăng và thuộc mức cao nhất trong hệ thống các trường đại học. Mỗi đề tài khoa học cấp trường của sinh viên đều được hỗ trợ gần bốn triệu đồng để chi phí cho việc thực hiện đề tài và thành lập các hội đồng báo cáo. Ban giám đốc Học viện còn khuyến khích sinh viên bằng cách cộng điểm thưởng cho những sinh viên tham gia hoạt động nghiên cứu và tổ chức gửi các đề tài nghiên cứu có chất lượng tham gia báo cáo ở cấp cao hơn.
Để nâng cao chất lượng các đề tài NCKH của sinh viên, các nhà trường cần hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn, khích lệ, khơi dậy niềm đam mê sáng tạo, NCKH của sinh viên. Đối với ngành khoa học xã hội, với những nét đặc thù, rất cần rèn luyện cho sinh viên tư duy phản biện bảo vệ quan điểm khoa học. Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư liên chi Đoàn kiêm Trợ lý sinh viên NCKH khoa Ngữ văn, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng: “Bên cạnh việc tạo nhiều thuận lợi hơn nữa để sinh viên khối ngành này tích cực nghiên cứu như hỗ trợ kinh phí, tài liệu nghiên cứu, cần hướng tới việc đưa NCKH trở thành nội dung quan trọng hơn, thậm chí bắt buộc trong chương trình đào tạo”.
Trong hoạt động NCKH của sinh viên, sự nỗ lực, tinh thần chủ động, say mê và quyết tâm của các bạn trẻ có vai trò quan trọng và là nhân tố quyết định. Tuy nhiên, sự hỗ trợ, giúp đỡ từ phía nhà trường, Đoàn Thanh niên và Hội sinh viên sẽ tạo nhiều thuận lợi hơn cho các bạn trẻ bước đầu tiếp cận với hoạt động NCKH. Sự quan tâm đó còn góp phần nâng cao chất lượng các đề tài nghiên cứu, nâng cao kỹ năng và tư duy khoa học của sinh viên, đồng thời giúp sinh viên tham gia các hoạt động của ngành khoa học xã hội và nhân văn trong giải quyết các vấn đề xã hội đang đặt ra.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()