Thứ 7, 23/11/2024 08:10 [(GMT +7)]
Khó khăn của một trường dân tộc nội trú
Thứ 2, 19/03/2012 | 08:32:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Trong một buổi hội thảo về các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, thầy Hứa Văn Khánh, Hiệu trưởng trường Phổ thông DTNTTHCS Văn Quan không khỏi nghẹn ngào sau khi nghe các ý kiến phát biểu về những khó khăn của các trường DTNTTHCS khác trong tỉnh. Thầy Khánh cho biết: nếu nói đến 2 từ “ khó khăn”, có lẽ đến với trường DTNTTHCS Văn Quan thì mới thấm thía hết 2 từ đó.
Công trình Trường DTNT THCS Văn Quan vẫn đang dang dở
Quả đúng như những gì thầy Khánh chia sẻ với chúng tôi. Được giới thiệu đến địa chỉ của trường nhưng loanh quanh khắp khu vực đó, chúng tôi không thể nào tìm ra ngôi trường DTNTTHCS Văn Quan và chỉ đến khi hỏi người dân 2 bên đường mới biết ngôi trường nhỏ đó nằm bên trong Trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) huyện Văn Quan. Bên cạnh dãy nhà 2 tầng là văn phòng và lớp học của TTGDTX huyện là các khu nhà cấp 4 xuống cấp đã được tu sửa bên ngoài nhưng vẫn không che được những mảng tường đã lở. Tiếp chúng tôi trong căn phòng chật chội với tấm ri đô che mảng tường nứt, thầy Khánh nói: không nói thì ít nhiều các anh cũng hình dung ra cái khó khăn về cơ sở vật chất của nhà trường. Toàn bộ văn phòng và lớp học, nhà ở của học sinh đều là nhờ mặt bằng của TTGDTX huyện Văn Quan và nó đã tồn tại như vậy suốt 14 năm. Rộng gấp gần 3 lần phòng hiệu trưởng nhưng phòng kế bên lại là nơi làm việc của hiệu phó, giáo viên, nhân viên và các phòng họp, phòng y tế, phòng đọc…mà thầy Khánh nói vui đó là phòng “ tổng hợp”. Thế nhưng với các thầy cô, việc khắc phục khó khăn để mang cái chữ cho học sinh luôn là động lực quan trọng nhất khiến những người thầy ở đây vượt qua. Song với đặc thù của trường nội trú, việc ăn, ở, học hành, sinh hoạt của các em đều diễn ra tại trường, do đó cơ sở vật chất ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sinh hoạt và học tập của học sinh. Hiện nhà trường có 6 phòng phục vụ cho việc giảng dạy, tuy nhiên do việc mở rộng lớp học của trung tâm giáo dục thường xuyên huyện nên buổi sáng trường nội trú chỉ còn 4 phòng. Các phòng học nằm dưới chân núi được các thầy cô cơi nới, mở rộng bằng các nguyên vật liệu thô sơ nhưng ít nhiều cũng làm cho lớp học rộng hơn và kết hợp cho các em phơi quần áo mỗi khi trời mưa. Điều kiện lớp học đã vậy nhưng chỗ ăn, ở của các em còn khó khăn hơn. Với 195 học sinh được chia làm 8 lớp, đa số các em học sinh ở đây đều ở các xã vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn nên 100% các em học sinh đều ở tại trường. Thế nhưng tất cả chỉ vẻn vẹn có 5 phòng ở, mỗi phòng rộng khoảng 40m2. Như vậy mỗi phòng trung bình có khoảng 40 em, tính ra diện tích cho 1 em học sinh để làm giường ngủ, bàn học, tủ sách, quần áo được có…1m2.
Những khó khăn đó đã ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học. Cô Nguyễn Thị Mến, Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn cho biết: phải sắp xếp khéo lắm thì phòng học mới đáp ứng đủ yêu cầu giảng dạy chính khóa. Còn lại giáo viên muốn bồi dưỡng học sinh giỏi hoặc phụ đạo cho học sinh yếu kém thì phải chọn vào hôm văn phòng không tổ chức họp, các thầy cô nhường phòng trực để các em vào phòng đó học. Hay như các kỳ thi học kỳ, nếu trùng với ngày thi của TTGDTX thì nhà trường phải bố trí cả phòng ăn, bếp để tổ chức cho các em thi cùng một ngày. Bên cạnh đó, điều kiện sinh hoạt của các em gặp phải những bất tiện không nhỏ. Trên một diện tích nhỏ hẹp bên cạnh bể nước là khu vệ sinh, tắm giặt, rửa bát…Các hoạt động đó không tránh khỏi tầm mắt của các anh chị học tại trung tâm, trong khi học sinh trung học cơ sở có nhiều em đang trong giai đoạn phát triển thể chất do đó những sinh hoạt cá nhân lại càng gò bó, bất tiện hơn. Em Hoàng Bích Ly, học sinh lớp 8B cho biết: các bạn nam còn đỡ chứ các bạn nữ mỗi lần vệ sinh, tắm giặt lại ngại lắm. Có khi tắm bên này thì phòng bên cạnh và trước cửa nhà tắm có các bạn nam nói chuyện, hay đang giặt quần áo trên nóc bể nước lại bị một nhóm bạn trai hay các anh học bên trung tâm trêu ghẹo…
Thực trạng như vậy đã diễn ra nhiều năm nay nên các cấp ủy đảng, chính quyền và ngành đã quan tâm tạo điều kiện để rồi năm 2008, dự án công trình trường DTNTTHCS Văn Quan được khởi công xây dựng với quy mô và điều kiện nhằm giải quyết dứt điểm những khó khăn trên của nhà trường. Thế nhưng do những biến động chung của nền kinh tế, thiếu vốn nên nhiều công trình bị dang dở và ngôi trường cũng không ngoại lệ. Thầy và trò trường Phổ thông DTNTTHCS Văn Quan vẫn khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ và chờ đợi một ngôi trường mới.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()