Khó khăn cần tháo gỡ
LSO-Qua 7 năm triển khai Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956), không thể phủ nhận kết quả mà đề án đã đem lại, đó là có trên 25.600 lao động nông thôn (LĐNT) được hỗ trợ học nghề, 80% trong số đó áp dụng kiến thức đã học vào sản xuất. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Đề án 1956 còn tồn tại nhiều khó khăn cần tập trung tháo gỡ để đề án có hiệu quả thiết thực.
Học sinh, giáo viên Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn sửa chữa |
Khó về người học
Những năm đầu khi mới triển khai dự án, LĐNT không mặn mà với chính sách này. Họ cho rằng, chỉ bằng kinh nghiệm của người đi trước truyền lại là có thể “sống” được. Thế mới có chuyện, nhiều xã được phân bổ chỉ tiêu, kinh phí để mở lớp nhưng không thể huy động được người dân tham gia học nghề. Người dân có xu hướng lựa chọn việc họ quen tay hơn là chọn học nghề với kỹ thuật bài bản. Lý do để không đăng ký học nghề của LĐNT thì vô vàn như: người trẻ thì có tâm lý “thích làm thầy”, nếu học thì muốn được đào tạo chính quy, tập trung để “có cái bằng”; số còn lại, vì điều kiện tuổi tác, hạn chế trình độ, khả năng tiếp nhận kiến thức nên chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc học nghề; hoặc vì ngại đường xa, đi lại khó khăn; không tin tưởng vào chất lượng đầu ra nên không thiết tha học… Nhiều LĐNT học xong lại không mạnh dạn đầu tư để phát triển sản xuất. Hoặc học nghề phi nông nghiệp lại có tâm lý không muốn đi làm xa nhà, trong khi ở địa bàn, doanh nghiệp phần lớn là nhỏ, siêu nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu tìm việc của người dân.
Ông Hoàng Văn T ở xã Cường Lợi, huyện Đình Lập cho biết: Gia đình tôi thuộc diện cận nghèo, cũng đã có thời gian chăn nuôi gà. Nên khi biết xã mở lớp dạy nghề chăn nuôi gà tôi muốn đi học nhưng cứ băn khoăn vì sợ mình lớn tuổi, không theo kịp lớp trẻ. Đã thế còn việc gia đình, nhà neo người không biết bố trí thời gian thế nào để theo học, rồi học về lấy đâu tiền để đầu tư chăn nuôi…
Khó về người dạy
Khó về người học đã đành, thời gian qua, đề án còn khó về người dạy, nhất là việc thiếu giáo viên cơ hữu để dạy nghề. Hiện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có trên 250 giáo viên. Đội ngũ giáo viên cơ hữu chủ yếu là của các trường, còn các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) có từ 1 đến 2 giáo viên cơ hữu đào tạo nghề, còn lại là giáo viên thỉnh giảng, thậm chí có 2 trung tâm không có giáo viên cơ hữu là Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tràng Định và huyện Đình Lập. Do thiếu giáo viên nên nhiều nơi không chủ động được việc tổ chức các lớp dạy nghề cho LĐNT. Theo báo cáo của UBND huyện Tràng Định với Đoàn Giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tháng 4 vừa qua, từ năm 2011 đến nay, huyện tổ chức được 31 lớp dạy nghề cho hơn 1.000 LĐNT. Trong đó, có những năm như: 2011, 2013, huyện cố gắng mới chỉ mở được 1 lớp cho 34 người học. Sau này, khi LĐNT có nhu cầu học thì phải chờ đến cuối năm, khi mời được giáo viên thỉnh giảng thì huyện mới mở được lớp dạy nghề để đạt chỉ tiêu đề ra. Do đó, có thể nói, việc mở lớp dạy nghề cho LĐNT trên địa bàn đã mất tính chủ động, ảnh hưởng đến tâm lý người muốn học nghề.
Cần giải pháp tháo gỡ
Để thực hiện có hiệu quả Đề án 1956 trong thời gian tới, ngành chức năng (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) xác định tập trung tuyên truyền là giải pháp quan trọng. Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức trên 100 hội nghị, gần 200 buổi tuyên truyền lồng ghép, phát trên 4.000 sổ tay và 600 áp phích cho trên 350.000 lượt người được phổ biến. Cơ quan truyền thông đã tuyên truyền gần 1.000 tin, bài, phóng sự về Đề án 1956… Các cơ sở GDNN, tổ chức hội, đoàn thể cũng lồng ghép trong các cuộc tuyên truyền cho đoàn viên, hội viên và người dân. Hiện các biện pháp tuyên truyền vẫn được các cấp, ngành nỗ lực thực hiện, đặc biệt là thường xuyên cử cán bộ xuống tận xã vận động, tư vấn tuyển sinh LĐNT. Điều lưu ý là LĐNT cần ý thức hơn quyền và lợi ích của bản thân khi tham gia học nghề.
Còn đối với khó khăn về giáo viên cơ hữu, thiết nghĩ, thời gian tới, ngành chức năng nên triển khai việc ký hợp đồng với giáo viên thỉnh giảng theo hướng mở lớp đào tạo nghề gì thì ký hợp đồng với giáo viên đào tạo nghề đó. Cùng với đó, cần đề xuất chủ trương đi kèm với hỗ trợ tài chính để khuyến khích giáo viên dôi dư trong giảng dạy văn hóa (do sáp nhập Trung tâm Dạy nghề và Trung tâm GDTX huyện), chuyển đổi chuyên môn giảng dạy để đáp ứng nhu cầu giáo viên cơ hữu dạy nghề.
THANH HÒA
Ý kiến ()