Khó khăn cần được tháo gỡ
LSO-Sau 10 năm triển khai áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008, hiện tỉnh mới chỉ có 18/226 UBND cấp xã áp dụng hệ thống. Sở dĩ kết quả thấp bởi việc triển khai HTQLCL tại cấp xã còn gặp nhiều khó khăn.
Cán bộ UBND thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 |
Tính đến thời điểm này, tỉnh mới chỉ đạt 8% (18/226) đơn vị hành chính cấp xã công bố và áp dụng HTQLCL. Ngày 17/7/2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 130, phấn đấu đến năm 2020 đạt ít nhất 70% đơn vị hành chính cấp xã công bố HTQLCL. Theo đó, dự kiến bình quân mỗi năm, Ban Chỉ đạo ISO tỉnh phải đưa HTQLCL vào áp dụng tại 60 xã, phường, thị trấn. Đây là thử thách lớn, đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực cao của Ban Chỉ đạo ISO tỉnh.
Theo Quyết định số 19 ngày 5/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước, UBND xã, phường, thị trấn thuộc đối tượng khuyến khích xây dựng, áp dụng HTQLCL chứ không bắt buộc. Điều này dẫn tới việc triển khai tiêu chuẩn ISO tại cấp xã chưa được quan tâm, thực hiện quyết liệt. Đến thời điểm này, cơ sở cũng chưa nhận được nguồn kinh phí đầu tư cho đề mục này.
Bà Nguyễn Thị Lợi, Chủ tịch UBND thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng cho biết: Chúng tôi áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia ISO từ năm 2012. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng còn gặp nhiều vướng mắc nên việc thực hiện chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Ngoài cơ sở vật chất chưa đảm bảo cho quá trình cập nhật các văn bản mới, các cán bộ làm công tác giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cũng chưa được tập huấn bài bản mà chỉ thông qua sự hướng dẫn từ lãnh đạo và thư ký ISO, nhiều vấn đề chưa nắm rõ, dẫn tới sự lúng túng trong thực hiện.
Đến nay, khái niệm ISO không còn mới lạ nhưng đây là nội dung phức tạp, gồm nhiều thuật ngữ “tây hóa”. Yếu tố này khiến một bộ phận cán bộ cấp xã có tâm lý ngại tìm hiểu vì cho rằng đây là vấn đề khó và mang tính vĩ mô. Năm 2016, Ban Chỉ đạo ISO tỉnh đã tổ chức được 2 lớp tập huấn kiến thức về xây dựng và áp dụng HTQLCL cho đại diện lãnh đạo và thư ký ISO của 122 đơn vị áp dụng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, lãnh đạo và thư ký ISO không phải là người trực tiếp giải quyết TTHC nên việc nắm nội dung và đưa vào áp dụng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, đối tượng tập huấn còn hạn chế nên số lượng cán bộ được tiếp cận với nội dung của HTQLCL còn chưa cao.
Ông Trần Quốc Anh, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo ISO tỉnh cho biết: Nhằm từng bước khắc phục khó khăn, tổ đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng mô hình khung áp dụng ISO tại các xã bằng phương pháp lồng ghép một số quy trình TTHC vào mô hình ISO. Đồng thời tổ chức tập huấn và triển khai tới các huyện. Đây sẽ là mô hình chuẩn giúp cho việc áp dụng HTQLCL tại cấp xã được thuận lợi và nhanh hơn.
Ngoài ra, từ ngày 6/9/2017, Ban Chỉ đạo tiến hành kiểm tra đợt 2 tại các cơ quan, đơn vị đang áp dụng HTQLCL, trong đó có 5 đơn vị cấp xã, kịp thời nắm rõ những vướng mắc, tồn tại để tiếp tục tìm hướng giải quyết, phấn đấu hoàn thành theo kế hoạch UBND tỉnh đã đề ra.
HOÀNG NHƯ
Ý kiến ()