Khó khăn bủa vây khu vực Mỹ Latin
Liên hợp quốc ước tính, sau hai năm chật vật ứng phó đại dịch Covid-19, khoảng 200 triệu người ở Mỹ Latin, tương đương gần một phần ba dân số khu vực phải sống trong tình trạng đói nghèo. Các dự báo về tốc độ tăng trưởng của Mỹ Latin khá bi quan khi khu vực này đang đương đầu hàng loạt thách thức.
Một lao động tại trạm đổ xăng ở Rio de Janeiro, Brazil, ngày 9/9/2021. (Ảnh: Reuters) |
Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribe (CEPAL) của Liên hợp quốc mới đây đưa ra báo cáo, trong đó dự báo nền kinh tế của khu vực Mỹ Latin sẽ chỉ tăng trưởng 1,4% vào năm 2023, thấp hơn đáng kể so mức tăng trưởng dự kiến 3,2% trong năm 2022.
Theo CEPAL, các quốc gia trong khu vực này tiếp tục phải đối mặt với bối cảnh quốc tế không thuận lợi, bao gồm tăng trưởng và thương mại trên toàn thế giới chậm lại, lãi suất tăng cao hơn và thanh khoản toàn cầu thấp hơn.
Thư ký điều hành CEPAL thậm chí mô tả hàng loạt tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 cho đến cuộc xung đột vũ trang tại Ukraine như “dòng thác khủng hoảng” mà khu vực Mỹ Latin và Caribe phải hứng chịu.
Ủy ban Kinh tế của khu vực nêu rõ, lạm phát và nợ công tăng mạnh trong khi không gian tài khóa đã sụt giảm, bên cạnh đó còn có những tác động từ cú sốc nguồn cung sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia Mỹ Latin năm tới dự kiến chậm lại, kéo theo sự gia tăng tình trạng đói nghèo trong khu vực.
Dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) về mức tăng trưởng của khu vực Mỹ Latin và Caribe cũng không lạc quan. WB ước tính đà tăng trưởng kinh tế của khu vực này trong năm 2023 giảm xuống còn khoảng 1,6% do lãi suất cơ bản tăng cao hơn khiến đầu tư chậm lại, cùng với đó là dự báo tăng trưởng chậm lại ở một loạt nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới.
Theo WB, hầu hết các nền kinh tế trong khu vực đã phục hồi khả quan so mức trước đại dịch Covid-19, song tốc độ phục hồi như vậy là chưa đủ. Các chuyên gia của ngân hàng này cho rằng, các quốc gia cần đẩy nhanh quá trình tái thiết kinh tế hậu đại dịch và củng cố một xã hội công bằng và hòa nhập hơn, trong đó đầu tư vào cơ sở hạ tầng và xã hội có thể là động lực chính nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) thậm chí còn bi quan hơn khi cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực Mỹ Latin và Caribe chỉ đạt 1,1%.
Theo UNCTAD, năm 2022 và năm 2023, các nền kinh tế Mỹ Latin và Caribe sẽ hứng chịu đợt suy thoái tồi tệ nhất trong số các khu vực có những nước đang phát triển.
Bên cạnh các yếu tố đan xen như đại dịch, gián đoạn chuỗi cung ứng, xung đột ở Ukraine và lạm phát, UNCTAD cho rằng, gánh nặng nợ nước ngoài là một trong những yếu tố đáng quan ngại nhất. Nhiều quốc gia, đặc biệt là ở tiểu vùng Caribe đang đứng trước bờ vực vỡ nợ và nhiều nước khác cũng có nguy cơ đặc biệt cao.
Với dân số khoảng 667 triệu người, Mỹ Latin và Caribe là một trong những khu vực hứng chịu nhiều thiên tai nhất trên thế giới. Dù phát thải CO2 ở mức thấp, song các nước ở khu vực này nằm trong số những nạn nhân chịu tổn hại nhiều nhất do nhiệt độ tăng cao.
Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IDB) ước tính, tình trạng trái đất ấm lên, mực nước biển dâng cao và lượng mưa thay đổi tại khu vực Mỹ Latin và Caribe sẽ khiến khu vực này thiệt hại từ 2% đến 4% GDP mỗi năm trong 30 năm. Trong dự báo đưa ra 10 năm trước đây, ngân hàng này ước tính đến năm 2050, biến đổi khí hậu có thể khiến khu vực này tổn thất tới 100 tỷ USD/năm.
Bức tranh kinh tế khu vực Mỹ Latin và Caribe ngay cả trước khi dịch Covid-19 bùng phát cũng không mấy sáng sủa. Theo CEPAL, nền kinh tế khu vực này chỉ tăng trưởng trung bình 0,3%/năm giai đoạn 2014-2019, thấp nhất từ những năm 50 của thế kỷ trước. Giới chuyên gia cảnh báo nếu không tìm được động lực để hồi phục mạnh mẽ hơn, Mỹ Latin và Caribe có nguy cơ phải mất thêm một thập niên mới vực dậy sau những tác động sâu rộng của đại dịch. Ngoài việc thực hiện các cải cách cơ bản và đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng, chính phủ các nước cũng cần giải quyết những vấn đề gây cản trở đà phục hồi, nhất là trong các lĩnh vực như giáo dục và an ninh lương thực.
Ý kiến ()