Khó khăn bảo đảm cân đối ngân sách
Gần 12 nghìn tỷ đồng là con số dự tính sẽ bị hụt thu ngân sách nhà nước (nsnn) trong năm tài chính - ngân sách 2013 của TP Hà Nội. Tại TP Hồ Chí Minh, số hụt thu này dự tính là 20 nghìn tỷ đồng. Trên phạm vi toàn quốc, Bộ Tài chính ước tính số hụt thu vào khoảng 60 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, tổng số nợ thuế của cả nước vào khoảng 64 nghìn tỷ đồng, tăng tới gần 30% so với năm 2012. Ðiều này cho thấy việc hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN năm 2013 là rất gian nan, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của tất cả bộ, ngành, địa phương.
Gần 12 nghìn tỷ đồng là con số dự tính sẽ bị hụt thu ngân sách nhà nước (nsnn) trong năm tài chính – ngân sách 2013 của TP Hà Nội. Tại TP Hồ Chí Minh, số hụt thu này dự tính là 20 nghìn tỷ đồng. Trên phạm vi toàn quốc, Bộ Tài chính ước tính số hụt thu vào khoảng 60 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, tổng số nợ thuế của cả nước vào khoảng 64 nghìn tỷ đồng, tăng tới gần 30% so với năm 2012. Ðiều này cho thấy việc hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN năm 2013 là rất gian nan, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của tất cả bộ, ngành, địa phương.
40 địa phương không đạt tiến độ thu
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh cho biết, đến thời điểm này, tỉnh Lào Cai đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu NSNN trên địa bàn với 3.320 tỷ đồng, bằng 115% dự toán trung ương giao, tăng 83,1% so cùng kỳ. “Không chỉ tính sát mức thu, nguồn thu mà tỉnh còn đẩy mạnh việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động tín dụng, tăng nguồn vốn huy động thêm 14% lẫn tổng dư nợ tín dụng lên 18,3%. Vốn đến với doanh nghiệp (DN), DN hoạt động được thì tỉnh mới có nguồn thu ngân sách và tạo đà phát triển. Từ nay đến hết năm, dự kiến Lào Cai sẽ tăng thu ngân sách được hơn 300 tỷ đồng”, Chủ tịch Nguyễn Văn Vịnh nói.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đã có một số địa phương gần đạt chỉ tiêu thu ngân sách cả năm như tỉnh Quảng Ngãi ước đạt 18 nghìn tỷ đồng, bằng 96,6% kế hoạch. Tuy nhiên, số địa phương này không nhiều mà ngược lại, càng về cuối năm, tình hình thu NSNN tại các địa phương càng nhiều khó khăn.
Cùng nằm trong vòng cung Tây Bắc với Lào Cai nhưng tỉnh Yên Bái lại không có nhiều lợi thế, đặc biệt là không có khu kinh tế cửa khẩu. Chính vì vậy, năm 2012, với việc hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu thu NSNN đạt 1.067,2 tỷ đồng, bằng 125% dự toán trung ương giao, lần đầu tiên tỉnh Yên Bái bước vào danh sách “câu lạc bộ 1.000 tỷ đồng”. Tuy nhiên, bước sang năm 2013, tình hình kinh tế còn khó khăn hơn. Phó Cục trưởng Cục Thuế Yên Bái Nông Xuân Hùng cho biết: Sau chín tháng nỗ lực thu, tỉnh Yên Bái cũng chỉ mới thu nội địa được 685 tỷ đồng, mới đạt 65% dự toán. DN không hoặc khó tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng vì các DN hầu như hết tài sản thế chấp; một số đơn vị sản xuất chè do không đầu tư vùng nguyên liệu, cộng với thời tiết nắng hạn đầu năm kéo dài khiến búp chè sinh trưởng chậm, không đủ nguyên liệu sản xuất; sức mua của người dân không tăng, một số mặt hàng nông sản tiêu thụ trong nước giảm giá mạnh… Ðây chính là những nguyên nhân khiến công tác thu NSNN ở Yên Bái đạt thấp.
Theo Bộ Tài chính, tổng thu NSNN chín tháng đầu năm tuy đã tăng 8,7% so cùng kỳ nhưng vẫn chỉ đạt 543,8 nghìn tỷ đồng, bằng 66,6% dự toán, trong đó thu nội địa chỉ đạt hơn 353 nghìn tỷ đồng, bằng 64,7% dự toán pháp lệnh. Toàn quốc có 23/63 địa phương có tiến độ thu đạt 75% dự toán, 40 địa phương còn lại không bảo đảm được tiến độ thu, trong đó có tới 19 địa phương đạt dưới 65% dự toán. Trong số 19 địa phương này có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng… là những địa bàn thu lớn, có số thu bằng nhiều tỉnh nhỏ gộp lại.
Ðôn đốc thu hồi nợ thuế
Với tình hình thu ngân sách khó khăn, ngành thuế đã tập trung thực hiện một số giải pháp mang tính “đột phá”. Trong tháng 9, bên cạnh việc thành lập Ban chỉ đạo chống thất thu và đôn đốc thu nộp NSNN năm 2013, Tổng cục Thuế đã thành lập các đoàn công tác tỏa về các địa phương trọng điểm thu; tổ chức thanh tra, kiểm tra về thuế tại các tập đoàn, tổng công ty lớn. Chín tháng đầu năm, số thu từ khu vực DNNN ước đạt 106 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 60,6% dự toán. Tại các đơn vị trọng điểm, tỷ lệ nộp NSNN rất thấp. Trong khối ngân hàng, các ngân hàng thương mại nhà nước như Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV cũng chỉ mới nộp 3.510 tỷ đồng thuế thu nhập DN, bằng 32,4% dự toán, giảm 19,1% so cùng kỳ. Ðối với khối ngân hàng thương mại cổ phần, số nộp còn ít hơn: MB ước nộp 435 tỷ đồng, giảm 31,6%; VIB nộp 91 tỷ đồng, giảm 13,5%; VP Bank nộp 70 tỷ đồng, giảm 67%… Còn với khối DN lớn, Công ty thông tin di động ước nộp 1.733 tỷ đồng, bằng 29,4% dự toán, giảm 35,9% so cùng kỳ; Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam ước nộp 4.037 tỷ đồng, bằng 64% dự toán, giảm 13% so cùng kỳ… Số thu từ khu vực DN FDI tuy đã tăng tốc 34,7% so cùng kỳ nhưng cũng vẫn chỉ đạt gần 78,3 nghìn tỷ đồng, bằng 72,9% dự toán; từ khu vực công thương nghiệp – ngoài quốc doanh cũng chỉ đạt gần 77 nghìn tỷ đồng, bằng 54% so dự toán.
Vì những khoản nợ đọng rất lớn trên, nên để tăng tốc thu NSNN, bảo đảm nguồn thu, việc rà soát từng khoản thu, đôn đốc thu đủ số thuế phát sinh và những khoản thu bị phân tán… là những ưu tiên trong hoạt động của toàn ngành thuế. Kết quả thanh tra, kiểm tra gần 31 nghìn DN cho thấy, ngành đã truy thu, truy hoàn được 4.893 tỷ đồng
tiền thuế, giảm khấu trừ được 444 tỷ đồng, giảm lỗ 5.208 tỷ đồng. “Ngay việc kiểm tra hơn 1,2 nghìn hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế, chúng tôi đã xử lý điều chỉnh tăng thu hơn 423,3 tỷ đồng. Trước mắt, ngành sẽ động viên thu, và cũng đã chọn ra 12 đến 14 địa bàn trọng điểm để phối hợp với chính quyền địa phương xử lý việc thu thuế. Nhưng bên cạnh đó, phải chuẩn bị kỹ cho việc thanh tra, kiểm tra rốt ráo, vì thường là khi làm đúng đối tượng, chỉ đúng khoản phải thu, cần thu… thì người nộp mới giải quyết nhiều khoản nợ đọng lớn trong một thời gian dài” – một lãnh đạo ngành thuế cho biết.
Bên cạnh đó, việc tiếp tục triển khai 21 giải pháp thu NSNN đã đề ra của ngành được lãnh đạo ngành thuế khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt. Ba tháng cuối năm, ngành thuế sẽ chú trọng tổ chức thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của kinh tế nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Cảnh sát điều tra… Ðồng thời, ngành xác định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý thị trường, hải quan, thanh tra, kiểm toán nhà nước… khẩn trương xử lý dứt điểm các vi phạm trong lĩnh vực thuế đã được phát hiện để truy thu đầy đủ, kịp thời vào NSNN, đặc biệt là chú trọng các khoản thu còn tồn đọng trong các tập đoàn, tổng công ty lớn, các doanh nghiệp nhà nước.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()