Mới nhìn, những bó dây dọc hai bên đường cứu hộ, cứu nạn, tránh lũ Tuy An-Sơn Hòa, đoạn qua thôn Tân Lập, xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, ai cũng tưởng là đường dây điện lộ thiên. Nhưng thực tế, đây chính là những đường ống dẫn nước từ các mạch nước dưới chân núi về thôn Tân Lập cách xa hơn 1km.
Nắng nóng gay gắt nhiều tháng qua, các mạch nước đầu nguồn cuối cùng đã bắt đầu khô kiệt. Từ mờ sáng hằng ngày, hơn 100 hộ dân thôn Tân Lập phải xuống vùng đồng bằng cách xa 5km để xin nước hoặc tìm những hầm hố vét từng gàu nước đọng về dùng. Bà Phạm Thị Trung Hoa, ở thôn Tân Lập, xã An Mỹ, huyện Tuy An cho biết, nhiều năm qua, bà con thôn Tân Lập phải dùng ống nhựa bắc từ chân núi dẫn nước về nhà cách hơn 1km. Tuy nhiên, hiện nước mạch đã khô cạn, nhỏ từng giọt, người dân hết nước dùng. Nhiều người phải xuống thôn Hòa Đa, xã An Mỹ cách xa 5km, độ dốc cao để xin nước hoặc vét từng gàu nước ở chỗ trũng thấp về dùng từ mờ sáng. “Nước dẫn bằng ống nhựa chỉ đủ dùng trong mùa mưa, còn mùa nắng thì thiếu trầm trọng, nhất là năm nay”, bà Nguyễn Thị Hồng Oanh cũng ở thôn Tân Lập, xã An Mỹ, huyện Tuy An nói.
Giếng tự vét dưới chân núi đã kiệt nước, người dân đành phơi chai nhựa và đường ống dẫn.
Người xin nước ngày càng đông, những hộ gia đình có giếng nước ở vùng trũng cũng lo ngại hết nước sử dụng và họ đã tính đến việc “giếng ai nấy dùng”. Bà Phạm Thị Trung Hoa cho biết thêm, những giếng nước ở các thôn đồng bằng xã An Mỹ đã bắt đầu khô, nhiều hộ không cho ai lấy vì họ sợ không đủ nước dùng trong những tháng tới. Thông thường như mọi năm, từ tháng 5 âm lịch trở đi, khu vực này mới thiếu nước, nhưng năm nay mới chỉ đến tháng 3 đã thiếu nước nghiêm trọng. Dây dẫn nước về từ chân núi cũng đành bỏ không.
Cũng như các hộ dân khác, hầm nước tự vét sâu chừng 1m sát chân núi của gia đình anh Nguyễn Trọng Chinh ở thôn Tân Lập đã kiệt nước nhiều ngày qua. Cái chai nhựa dùng để hút nước vào đầu đường ống đành phải rút lên phơi trên thành giếng. Theo anh Chinh, từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau cũng chỉ hứng được hơn 100 lít nước nhỏ giọt chưa qua xử lý, mà theo anh có thể dùng ăn uống được. “Hiện mạch trên núi gần đứt nước. Nước không biết có hợp vệ sinh hay không, nhưng uống thấy cũng ngon, người dân không ngần ngại vì không còn cách nào khác”, anh Chinh chia sẻ.
Thực trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng ở thôn Tân Lập, xã An Mỹ, huyện Tuy An diễn ra nhiều năm qua, nhưng năm nay là nghiêm trọng và xảy ra sớm hơn hai tháng so với mọi năm. Nhiều giếng đào do Nhà nước đầu tư trước đây, nay cũng đã khô kiệt nước. Người dân tha thiết được chính quyền quan tâm xây dựng công trình cấp nước tập trung mang tính bền vững để ổn định cuộc sống.
Anh Nguyễn Trọng Chinh ngậm ngùi dứt đường ống nhựa bắc từ trên núi về trước cửa nhà để kiểm soát những giọt nước nuối cùng.
Hiện không chỉ thôn Tân lập, xã An Mỹ, mà nhiều nơi khác ở huyện Tuy An đang trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng với con số lên đến hơn 800 hộ dân. Ngoài vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, chính quyền địa phương đã thống kê, đề xuất UBND tỉnh Phú Yên hỗ trợ kinh phí đào, khoan giếng sâu để bơm nước lên bể chứa cung cấp cho nhân dân, nhưng đến nay vẫn chưa có kinh phí triển khai. Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết, thôn Tân Lập ở trên mô núi cao, hiện đang thiếu nước trầm trọng. Vì không có kinh phí nên UBND huyện đã xin tỉnh hỗ trợ khoảng 300 triệu đồng để khoan giếng và xây bể chứa nước cung cấp cho dân sử dụng, nhưng đến nay vẫn chưa có. Không chỉ riêng thôn Tân Lập, mà nhiều địa phương của huyện Tuy An cũng đang trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng cần được Nhà nước hỗ trợ.
Trên cơ sở dự báo thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô năm 2016 của các địa phương, từ tháng 3-2016, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh Phú Yên đã có báo cáo gửi các cấp, ngành liên quan, ước có khoảng 10.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt và đề xuất giải pháp, nhưng đến nay nhiều khu vực vẫn chưa được triển khai. Điều này đồng nghĩa mùa khô năm nay, nhiều nơi, nhất là vùng miền núi tỉnh Phú Yên, người dân tiếp tục phải “gồng mình” tự tìm nguồn nước để tồn tại, mưu sinh.
Ý kiến ()