Khó duy trì “nồi cháo tình thương”
LSO - Mô hình “nồi cháo tình thương” do các cấp Hội Chữ thập đỏ triển khai được nhân rộng ra các huyện và được bà con các xã vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn điều trị tại bệnh viện đón nhận như một nguồn động viên từ những người có tấm lòng hảo tâm. Tuy nhiên việc duy trì mô hình này đang là bài toán khó đối với Hội Chữ thập đỏ các huyện.
LSO – Mô hình “nồi cháo tình thương” do các cấp Hội Chữ thập đỏ triển khai được nhân rộng ra các huyện và được bà con các xã vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn điều trị tại bệnh viện đón nhận như một nguồn động viên từ những người có tấm lòng hảo tâm. Tuy nhiên việc duy trì mô hình này đang là bài toán khó đối với Hội Chữ thập đỏ các huyện.
Khách chờ xe tại Bến xe Phía Bắc ủng hộ mô hình nồi cháo tình thương
Người bệnh khi nằm viện cần phải có chế độ dinh dưỡng đầy đủ nhất là việc đảm bảo bữa ăn sáng để uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Nhưng với những bệnh nhân nghèo, bà con các xã vùng sâu, vùng xa, do điều kiện kinh tế còn khó khăn và thói quen nhịn ăn sáng nên nhiều bệnh nhân bỏ qua bữa ăn quan trọng này, vì vậy, hiệu quả của việc điều trị chưa cao. Để giúp bệnh nhân nghèo tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, uống thuốc đúng giờ, mô hình “nồi cháo tình thương” đã được nhân rộng tại Trung tâm y tế của 3 huyện Cao Lộc, Chi Lăng, Lộc Bình. Bắt đầu triển khai tại các huyện từ năm 2011, trung bình mỗi ngày, mô hình này phục vụ từ 20 – 30 suất ăn sáng miễn phí cho người bệnh nghèo. Nhờ đó, “nồi cháo tình thương” đã phục vụ hàng trăm bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn những suất ăn sáng miễn phí giúp người bệnh giảm một phần chi phí khi nằm viện, kịp thời ăn sáng trước giờ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Bà Hoàng Thị Nhối, xã Minh Phát, huyện Lộc Bình cho biết: hơn một tuần chăm sóc con gái sinh cháu tại Trung tâm Y tế huyện Lộc Bình, mẹ con tôi được các bác sĩ tặng phiếu ăn sáng miễn phí. Tôi thực sự xúc động khi biết bữa sáng đó là sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, nó làm những người có hoàn cảnh như chúng tôi thấy ấm lòng hơn.
Hiệu quả là vậy song hiện nay mô hình nồi cháo tình thương đang gặp rất nhiều khó khăn, có huyện hoạt động còn cầm chừng, có địa phương đã phải dừng hoạt động. Ông Lộc Văn Chống, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Lộc Bình chia sẻ: trước đây, trung bình mỗi tháng, chúng tôi phục vụ từ 600 – 700 suất cháo cho bà con điều trị tại trung tâm y tế huyện. Hiện nay, số bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Trung tâm y tế huyện chiếm khoảng 20 đến 30%, như vậy, nhu cầu còn rất lớn nhưng từ cuối tháng 4/2013, mô hình “nồi cháo tình thương” đã dừng hoạt động. Qua tìm hiểu được biết, nguồn kinh phí ban đầu để triển khai mô hình tại huyện Lộc Bình là hơn 20 triệu đồng do một số nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ. Từ đó đến nay, việc duy trì nồi cháo chỉ dựa vào nguồn này, số quỹ do Hội Chữ thập đỏ huyện vận động được không đáng kể, vì vậy, sau một thời gian mô hình đã dừng hoạt động. Không chỉ riêng huyện Lộc Bình, các địa phương khác cũng đang gặp khó do nguồn quỹ vận động để duy trì mô hình ngày càng giảm, trong khi, nguồn vận động được lại không đáng kể. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn các huyện còn hạn chế. Hiện nay, mỗi huyện chỉ có 1 đến 2 cán bộ chuyên trách nên công tác tuyên truyền chưa được triển khai thường xuyên liên tục. Các cấp hội chưa chủ động phối hợp với các tổ chức đoàn thể, các cấp chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền cũng như hiệu quả của chương trình nên số người biết và ủng hộ mô hình chưa nhiều.
Cũng phải nói thêm rằng, hiện nay có rất nhiều tổ chức đoàn, hội cùng vận động xây dựng nhiều loại quỹ. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay, mỗi địa phương đều phải vận động hơn 10 loại quỹ thông qua các tổ chức đoàn, hội trong khi đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn nên việc ủng hộ mô hình chưa được thường xuyên, liên tục. Chỉ tính riêng trong Hội Chữ thập đỏ, mỗi năm nhân các dịp tết Nguyên đán, tháng hành động vì người nghèo, vì nạn nhân chất độc da cam, hiến máu tình nguyện… cán bộ hội đều phải căng ra làm công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức các hoạt động hưởng ứng, chào mừng… chính vì vậy, việc chăm lo cho mô hình “nồi cháo tình thương” chưa thực sự được quan tâm. Hơn nữa, một số địa phương sau khi nồi cháo đi vào hoạt động, kinh phí duy trì chỉ dựa vào nguồn vận động ban đầu, tổ chức hội chưa chủ động kêu gọi các doanh nghiệp, đơn vị đóng trên địa bàn hỗ trợ.
Mô hình “nồi cháo tình thương” đã và đang được người bệnh có hoàn cảnh khó khăn điều trị tại các trung tâm y tế đón nhận như một nguồn động viên từ xã hội, thiết nghĩ, các cấp Hội Chữ thập đỏ cũng như chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa việc duy trì và phát triển mô hình này. Qua đó, góp phần động viên người bệnh tiếp tục tin tưởng, tích cực phối hợp với y bác sĩ chiến đấu với bệnh tật, đó cũng là việc làm góp phần làm tốt công tác an sinh xã hội.
Bài, ảnh: Hoàng Vương
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()