Khó có thể đạt được mục tiêu của Nghị quyết 19 nếu chỉ có sự tích cực của doanh nghiệp
Đó là nhận định của thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 19-2017 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực quốc gia diễn ra sáng 10/3 tại Hà Nội.
Hội nghị do Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự và chủ trì hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây là nỗ lực thực hiện đột phá chiến lược về thể chế, mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.
Bằng Nghị quyết 19, lần đầu tiên Việt Nam đã định vị và đặt mục tiêu về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia trong xếp hạng toàn cầu. Đồng thời, xây dựng và thực hiện hệ chính sách tương ứng theo thông lệ quốc tế.
Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, nếu như Nghị quyết 19/2014 và 19/2015 sử dụng phương pháp và đánh giá xếp hạng về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới thì Nghị quyết 19/2016 sử dụng phương pháp, bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, đồng thời bổ sung thêm trụ cột thể chế và một số chỉ tiêu về hiệu quả thị trường của Diễn đàn Kinh tế thế giới. Năm nay, Nghị quyết 19/2017 rất toàn diện, bao phủ hết các yếu tố của môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia; sử dụng đồng thời 4 đánh giá xếp hạng toàn cầu. Đó là: Đánh giá, xếp hạng về Mức độ thuận lợi kinh doanh của Ngân hàng Thế giới; Đánh giá, xếp hạng về Năng lực cạnh tranh quốc gia của Diễn đàn kinh tế thế giới; Đánh giá, xếp hạng về Năng lực đổi mới sáng tạo (của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới) và Đánh giá, xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh, cách làm nói trên đã mang đến sức sống cho các Nghị quyết 19 của Chính phủ; được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao; tích cực ủng hộ và tham gia thực hiện. Cách làm nói trên cũng giúp chúng ta đo lường và theo dõi được mức độ cải thiện và khoảng cách về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh so với các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Theo Báo cáo về Môi trường kinh doanh trong 3 năm gần đây, thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam liên tục được cải thiện, năm 2016 đã tăng 9 bậc (từ vị trí 91 lên vị trí 82). Tuy vậy, tốc độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Nghị quyết 19 còn chậm.
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đại diện các bộ, ngành hiệp hội đều cho rằng, trong mấy năm qua việc triển khai thực hiện Nghị quyết 19 còn rất chậm, kết quả đạt được hàng năm chỉ là một phép cộng giản đơn, tính trên đầu ngón tay. Một rào cản đối với doanh nghiệp được xóa bỏ, một thay đổi tạo thêm thuận lợi cho doanh nghiệp là kết quả của nỗ lực kiên trì, không mệt mỏi trong nhiều năm của nhiều bên, nhất là của cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, chưa đạt được mục tiêu đề ra, chưa thu hẹp được khoảng cách về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Nghị quyết 19 có nhiều yếu tố để gián tiếp giải tỏa những bức xúc hiện nay của doanh nghiệp mà trực tiếp là việc các bộ phải thực hiện. Chúng ta có nhiều cải cách, có nhiều văn bản tốt. Nhưng vấn đề quan trọng là thực thi. Tinh thần của Chính phủ là kỷ cương và yêu cầu các bộ nghiêm túc vào cuộc. Tuy nhiên, cũng cần phải chấp nhận thực tế là quy trình sửa luật không thể lập tức làm ngay. Có những luật vừa ra xong đã thấy bất cập. Lúc chuẩn bị đã lấy ý kiến rồi nhưng không lường hết thì cần có lộ trình. Có nhiều luật trực tiếp và gián tiếp đang vướng mắc. Vì vậy, đối với những vướng mắc Chính phủ yêu cầu tập hợp lại để báo cáo. Nghị định nào không phù hợp thì Chính phủ có thể thay thế hoặc bổ sung để xử lý.
“Cần chú ý công tác xây dựng luật pháp. Khi đăng lấy ý kiến thì góp ý sơ sơ quá, phải xác định là đã ra rồi thì rất khó sửa”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đánh giá cao những đóng góp của, góp ý của doanh nghiệp. Thời gian tới cần tiếp tục tổ chức nhiều cuộc đối thoại với doanh ngiệp để giải quyết các kiến nghị. Qua đó, tăng niềm tin của doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp với chính phủ.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu đại diện các bộ, ngành, địa phương cần có cam kết mạnh mẽ cải thiện môi trường cạnh tranh với doanh nghiệp và không để doanh nghiệp phải chờ đợi cơ quan quản lý./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()