Khó có giải pháp cứu vãn tình hình Trung Đông
Hai cuộc xung đột đồng thời ở Gaza và Lebanon, cuộc tấn công tên lửa vào Israel của Iran đang khiến “lò lửa” Trung Đông nóng rực trong khi các giải pháp và sáng kiến ngoại giao trở nên mờ nhạt hơn bao giờ hết.
Trong bối cảnh Israel đang leo thang các hành động quân sự vào Lebanon để tiêu diệt nhóm vũ trang Hezbollah, tiến hành các cuộc không kích ở Gaza, cùng với đó là việc Iran nã tên lửa đạn đạo vào lãnh thổ Israel hôm 1-10 kéo theo nguy cơ Nhà nước Do Thái hành động trả đũa, những lo ngại về cuộc xung đột lan rộng, thậm chí một cuộc chiến toàn diện bùng nổ ở Trung Đông đang gia tăng hơn bao giờ hết.
Hàng loạt quốc gia đã lên kế hoạch và tiến hành sơ tán công dân khỏi Lebanon là một chỉ dấu cho thấy nguy cơ xung đột leo thang ở quốc gia này. Israel đã đẩy mạnh không kích và mở chiến dịch trên bộ nhằm vào Hezbollah ở miền Nam Lebanon và lần đầu tiên quân đội Lebanon đã tham gia vào giao tranh chống lại Israel kể từ khi bùng nổ xung đột giữa Israel và Hezbollah, khiến cho cục diện cuộc xung đột thêm phức tạp.
Israel đã tuyên bố sẽ tiếp tục tấn công Hezbollah cho đến khi hàng chục nghìn công dân của nước này phải di dời gần biên giới Lebanon có thể trở về an toàn. Trong khi đó, Hezbollah tuyên bố sẽ tiếp tục bắn tên lửa vào Israel cho đến khi có lệnh ngừng bắn ở Gaza.
Trong một động thái đáng chú ý khác, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei hôm 4-10 đã có bài phát biểu trước hàng nghìn người dân Iran tại thủ đô Tehran về cuộc tấn công bằng tên lửa vào Israel, đồng thời khẳng định các đồng minh trong khu vực sẽ tiếp tục chiến đấu với kẻ thù này. Đây là bài phát biểu đầu tiên của thủ lĩnh tinh thần tối cao Ali Khamenei kể từ khi Iran phát động cuộc tấn công thứ hai vào Israel hôm 1-10 và cũng là bài phát biểu đầu tiên kể từ khi các cuộc giao tranh giữa lực lượng Hezbollah với quân đội Israel leo thang thành cuộc chiến toàn diện. Trong khi đó, Phó tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Ali Fadavi cho biết, nếu Israel tấn công nước này, các lực lượng Iran sẽ nhằm mục tiêu vào các cơ sở năng lượng, nhà máy lọc dầu và mỏ khí đốt của Israel. Triển vọng chấm dứt cuộc xung đột leo thang hiện nay ở Lebanon cũng như Gaza vì thế hầu như không có nhiều hy vọng.
Trong thời điểm nóng bỏng hiện nay ở khu vực, cộng đồng quốc tế dường như đang trông đợi vào các giải pháp ngoại giao nhằm hạ nhiệt căng thẳng, trong đó có vai trò của Washington. Tuy nhiên, Mỹ dường như ngày càng bất lực và không thể ngăn chặn nguy cơ một cuộc chiến toàn diện bùng nổ ở Trung Đông. Tổng thống Mỹ Joe Biden thừa nhận ông không thể tác động đến hoạt động quân sự của Israel, bởi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và chính phủ của ông liên tục phớt lờ các cảnh cáo của Mỹ về cách thức tiến hành cuộc chiến ở Gaza. Và sau vụ tấn công tên lửa của Iran vào Israel hôm 1-10, chính quyền Tổng thống Joe Biden tìm cách “cố vấn” cho Israel về những phản ứng tương xứng, đồng thời lên tiếng phản đối một cuộc tấn công vào các địa điểm hạt nhân của Iran.
Trong khi đó, CNN ngày 5-10 cho biết, một quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Israel không bảo đảm với chính quyền Mỹ sẽ không nhắm tới mục tiêu là những cơ sở hạt nhân của Iran, để trả đũa các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Iran hôm 1-10. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Israel đang cùng lúc phải đối phó với nhiều mặt trận, nên việc Israel tấn công trả đũa Iran là hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng một vụ tấn công nhằm vào cơ sở hạt nhân là không thể. Bởi một cuộc tấn công như vậy sẽ để lại những hậu quả khôn lường, không chỉ gây thiệt hại to lớn cho bên bị tấn công mà cả bên tấn công và các bên liên quan. Và thay vào đó, khả năng Israel sẽ tiến hành một cuộc không kích quy mô lớn nhằm vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran và có thể là một cuộc tấn công mang tính biểu tượng vào một mục tiêu quân sự liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran.
Có thể thấy, Nhà Trắng trong những tuần gần đây đã nhiều lần bị bất ngờ trước các quyết định cũng như hành động quân sự của đồng minh Israel. Nói một cách khác, Washington dường như ít có vai trò ảnh hưởng hơn đến các quyết định gần đây của Tel Aviv, không chỉ liên quan tới Gaza mà cả ở Lebanon. Giới chức Mỹ nói rằng, họ không được thông báo trước về các vụ nổ máy nhắn tin và nhấn mạnh Washington không liên quan đến vụ việc này. Rõ ràng khi liên tục giáng đòn tấn công vào Hezbollah, Israel, cụ thể là Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã liên tục phớt lờ lời kêu gọi kiềm chế của Mỹ.
Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ diễn ra, ông Biden và các cộng sự không còn muốn bận tâm quá nhiều cho những gì đang diễn ra ở Trung Đông hiện nay. Trước thời điểm sắp rời khỏi chiếc ghế quyền lực, ông Biden cũng không muốn hoặc không thể kiềm chế một đồng minh mà mình vẫn tiếp tục ủng hộ về mặt chính trị và cung cấp hỗ trợ quân sự quan trọng. Trong khi đó, đối với ông Netanyahu lại khác. Dường như Thủ tướng Netanyahu hy vọng rằng chiến dịch chống lại Hezbollah sẽ giúp khôi phục vận mệnh chính trị của ông trong bối cảnh nội bộ chia rẽ theo hướng bất lợi cho ông, và các cuộc thăm dò cho thấy hơn 70% người Israel muốn ông từ chức, ngay lập tức hoặc sau khi cuộc chiến ở Gaza kết thúc.
Ý kiến ()