Khó có đồng thuận trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
Hội nghị lần thứ 17 của LHQ về biến đổi khí hậu (COP-17) đã khai mạc tại TP Đơ-ban của Nam Phi, với sự tham dự của khoảng 15 nghìn đại biểu đến từ 194 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên Công ước khung LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Trong 12 ngày họp, COP-17 sẽ tập trung thảo luận việc gia hạn giai đoạn hai Nghị định thư Ky-ô-tô (KP), mục tiêu thúc đẩy quỹ "Khí hậu xanh" nhằm tài trợ cho các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Tuy nhiên, ngay từ những buổi đầu, Hội nghị đã bộc lộ "khoảng cách" giữa các nước phát triển và đang phát triển trong tìm kiếm một giải pháp cấp bách cho vấn đề này.Hội nghị lần này đối mặt với bài toán vô cùng nan giải trong việc thu hẹp khoảng cách giữa hai nhóm nước phát triển và đang phát triển trong thực thi trách nhiệm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Dù mới qua ngày đầu thảo luận, COP-17 đã bộc lộ những mâu thuẫn ngày càng sâu sắc về cách thức phân chia gánh nặng trách...
Hội nghị lần này đối mặt với bài toán vô cùng nan giải trong việc thu hẹp khoảng cách giữa hai nhóm nước phát triển và đang phát triển trong thực thi trách nhiệm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Dù mới qua ngày đầu thảo luận, COP-17 đã bộc lộ những mâu thuẫn ngày càng sâu sắc về cách thức phân chia gánh nặng trách nhiệm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính (CO2). Phần lớn các nước thành viên của KP không muốn phê chuẩn giai đoạn hai của văn kiện này, còn các nền kinh tế mới nổi có lượng phát thải lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Bra-xin cũng dường như đứng ngoài những nỗ lực cắt giảm khí thải.
Vấn đề gai góc nhất xuất phát từ việc các nước có lượng phát thải nhiều nhất thế giới lại đổ lỗi lẫn nhau. Trong khi Trung Quốc là nước có lượng khí thải lớn nhất thế giới, lại thuộc nhóm các nước đang phát triển không bị bắt buộc phải ký KP năm 1997. Còn Mỹ, quốc gia cũng có lượng khí thải lớn và là nước phát triển duy nhất không phải là thành viên của KP, lại từ chối phê chuẩn hiệp ước này nếu Trung Quốc không ký. Trong khi đó, EU, vốn đi đầu trong việc hạn chế biến đổi khí hậu, thì nay lại nói nước đôi rằng, muốn ký tiếp giai đoạn hai nhưng chỉ khi các nước xả khí thải nhiều đồng ý ký cam kết thực hiện các mục tiêu đặt ra cho năm 2020. Châu Âu chỉ chấp thuận kéo dài KP nếu có sự tham gia của Trung Quốc và Mỹ. Ca-na-đa tuyên bố sẽ không tham gia giai đoạn hai của KP nếu không có sự tham gia của những nền kinh tế xả thải lớn ở cả hai nhóm nước phát triển và đang phát triển, nhất là Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ. Trước đó, Nhật Bản và Nga, hai thành viên tích cực của KP, cũng cho biết sẽ không tham gia giai đoạn tiếp theo của KP. Như vậy, những động thái trên dự báo khó có thể đạt một thỏa thuận toàn cầu tiếp theo về cắt giảm khí CO2.
Liên minh Bô-li-va cho châu Mỹ (ALBA) tuyên bố sẽ phản đối bất kỳ sự trì hoãn nào đối với thỏa thuận khí hậu tới năm 2020 và cáo buộc các nước phát triển đã không chia sẻ trách nhiệm ngăn chặn khí hậu trái đất nóng lên,
trong khi chính các quốc gia phát triển phải chịu trách nhiệm đối với việc phát thải phần lớn lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới cũng đang phủ bóng mây u ám lên kế hoạch quỹ “Khí hậu xanh” với mục tiêu cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm giúp các nước nghèo ứng phó biến đổi khí hậu.
Năm 2011, thế giới đã phải chứng kiến những thiệt hại nặng nề do hậu quả của biến đổi khí hậu. Khoảng 13 triệu người ở khu vực Đông Phi bị nạn đói hoành hành. Châu Á cũng phải trải qua nhiều trận lụt nghiêm trọng trong đó có trận “đại hồng thủy” ở Thái-lan. Nhiều quốc đảo nhỏ ở khu vực Thái Bình Dương có nguy cơ bị nhấn chìm bởi nước biển dâng cao. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), năm nay là một trong những năm nóng nhất và con người chính là “thủ phạm” của hiện tượng này. Các cuộc đàm phán trước đây đề ra mục tiêu hạn chế tăng nhiệt độ trung bình của trái đất là 2 độ C, song thực tế, nhiệt độ trái đất đã nóng lên khoảng 3 đến 4,5 độ C. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) còn cảnh báo, nhiệt độ trái đất sẽ tăng từ 3 đến 6 độ C vào cuối thế kỷ này, nếu chính phủ các nước không cắt giảm khí thải CO2.
Lấy cây bao báp khổng lồ với cành khô trơ trụi vươn những chiếc rễ phủ xanh sa mạc khô cằn làm biểu tượng cho Hội nghị khí hậu lớn nhất hành tinh COP-17, các nhà tổ chức mong muốn chuyển một thông điệp đầy ý nghĩa. Loại cây có sức sống mãnh liệt, xanh tươi quanh năm ngay cả trên sa mạc châu Phi này là lời cảnh báo sâu sắc của châu lục đen, nơi luôn phải “vật lộn” với khí hậu khắc nghiệt, về sự cấp thiết phải chung tay hành động cứu hành tinh xanh. Theo lời Bộ trưởng Ngoại giao Mê-hi-cô P.Ê.Ca-xtê-la-nô, hàng triệu người, chủ yếu ở các nước nghèo và đang phát triển, phụ thuộc vào các kết quả của Hội nghị này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những bất đồng sâu sắc giữa các nước phát triển, các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển sẽ khiến các bên khó có thể đi tới một sự đồng thuận đối với một văn kiện pháp lý toàn cầu nhằm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Theo Nhandan
Ý kiến ()