Khó chồng lên khó
LSO-Theo con số thống kê chưa đầy đủ của cơ quan văn hóa cho thấy, có đến 98% hoạt động quảng cáo trên địa bàn tỉnh vi phạm Luật Quảng cáo; tính kiên cố, độ an toàn không cao, gây mất mỹ quan đô thị, che khuất tầm nhìn... Tuy nhiên, để chấm dứt tình trạng sai phạm đó vẫn còn nhiều bất cập.
Một trong những sai phạm chủ yếu của hoạt động quảng cáo khiến lực lượng chức năng khó xử lý là tờ rơi, quảng cáo được dán lên cột điện |
Nhìn đâu cũng thấy sai phạm
Chỉ trong 1 buổi sáng cùng đi với lực lượng thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), chúng tôi được chứng kiến nhiều sai phạm về quảng cáo trên địa bàn thành phố Lạng Sơn – nơi tập trung đông dân cư và có nhiều sai phạm quảng cáo nhất. Nhà cao tầng tận dụng tường để treo, dán sản phẩm quảng cáo kích thước quá lớn, 2 cây xanh gồng mình gánh băng rôn quảng cáo, quán ăn hay cột điện, đèn tín hiệu giao thông chằng chịt tờ rơi khoan cắt bê tông, quảng cáo mạng điện thoại di động… Qua quan sát, cơ quan chức năng nhận định, tất cả sản phẩm quảng cáo này đều sai phạm theo quy định của pháp luật. Các lỗi sai phạm chủ yếu là: làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị; treo, vẽ, dán sản phẩm quảng cáo lên cột điện, cột tín hiệu, cây xanh nơi công cộng; không thông báo nội dung quảng cáo trên bảng, băng rôn đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nơi thực hiện quảng cáo; trên sản phẩm quảng cáo không ghi rõ tên, địa chỉ người thực hiện; sai vị trí đối với băng rôn nội dung tuyên truyền, cổ động chính trị, chính sách xã hội; diện tích thể hiện biểu trưng, lô gô, nhãn hiệu quá 20% diện tích bảng quảng cáo, băng rôn; hết thời hạn treo băng rôn (15 ngày theo quy định tại Điều 27 Luật Quảng cáo) không tự tháo dỡ.
Người dân thờ ơ
Anh Phan Văn Kết ở thôn Phai Trần, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn hiện đang cho hộ kinh doanh sơn Nisentex thuê tường nhà để quảng cáo với mức giá gần 1 triệu đồng/năm. Thế nhưng khi Thanh tra văn hóa hỏi về hợp đồng thuê, hiểu biết về quy định quảng cáo… anh Kết đều không biết. Anh Kết cho rằng: khi có người cần quảng cáo trên tường nhà, cảm thấy không có ảnh hưởng gì đến sinh hoạt, lại được một khoản tiền cho gia đình nên vợ chồng tôi đồng ý thôi. Họ trả hết tiền thuê trong 1 năm và tự đóng, tự treo bảng quảng cáo ở tường nhà, vị trí người đi qua đường có thể nhìn thấy. Mọi thỏa thuận đều thực hiện bằng lời nói, không có văn bản hay hợp đồng gì cả.
Còn mẹ chị Trần Thu Hồng ở số nhà 37 Trần Phú, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn thì không hề hay biết về việc con gái mình cho người khác thuê tường nhà để treo biển quảng cáo kích thước lớn trên 20 m2 như thế nào. Bà cho biết: con gái tôi làm việc trực tiếp với người thuê, không có hợp đồng giấy tờ rõ ràng. Phía bên kia trả cho gia đình tôi 3 triệu đồng/năm. Tôi cũng không biết điều này vi phạm Luật Quảng cáo, chỉ biết là không thấy ảnh hưởng gì đến gia đình thì đồng ý cho thuê.
Cơ quan chức năng “khó xử”
Ông Hoàng Gia Tôn, Phó Chánh Thanh tra, Sở VHTT&DL cho biết: việc xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động quảng cáo tuy đã có các quy định cụ thể, rõ ràng tại Luật Quảng cáo, song các đối tượng thực hiện quảng cáo không ghi rõ họ tên, địa chỉ trên sản phẩm quảng cáo. Do vậy, trong quá trình kiểm tra, xử lý rất khó xác định đối tượng vi phạm, hoặc phải xác minh chủ thể vi phạm mất rất nhiều thời gian. Trong khi đó, mức độ xử phạt đối với các hành vi vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối với đối tượng vi phạm. Lực lượng thanh tra còn mỏng, chưa thể bao quát hết địa bàn rộng lớn, kinh phí đầu tư cho công tác này còn hạn chế.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, Thanh tra văn hóa vẫn nắm tình hình hoạt động quảng cáo, thanh, kiểm tra hoạt động quảng cáo theo tháng, quý, năm và kiểm tra đột xuất. Trung bình có trên 10 cuộc kiểm tra hằng năm. Từ năm 2015 đến nay đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản nhắc nhở 10 trường hợp tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo, yêu cầu tháo dỡ bảng quảng cáo, băng rôn treo quá hạn, treo tại những nơi sai quy định. Đồng thời ban hành quyết định xử phạt hành chính 1 trường hợp vi phạm với số tiền phạt 1,5 triệu đồng.
Ông Hà Ngọc Minh, Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa, Sở VHTT&DL cho biết: để giải quyết tình trạng sai phạm trong hoạt động quảng cáo cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên quan như: Sở VHTT&DL, Sở Xây dựng, Điện lực, UBND huyện, thành phố, Giao thông Vận tải… Hiện Sở VHTT&DL đang điều chỉnh bổ sung để trình UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch quảng cáo ngoài trời giai đoạn 2015 – 2020… Cấp thiết nhất là tuyên truyền, phổ biến rõ những nơi được treo và cấm treo biển quảng cáo; hạn chế treo pa – nô cố định.
Theo Nghị định số 158/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt trong lĩnh vực văn hóa, thể thao du lịch và quảng cáo: những sai phạm trong hoạt động quảng cáo có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng tùy mức độ sai phạm. |
HOÀI AN
Ý kiến ()