Khó chồng khó
Giờ hoạt động ngoài trời của học sinh Trường Tiểu học xã Minh Phát |
Theo lãnh đạo UBND xã Minh Phát, những năm qua, nhà trường đã có đóng góp đáng kể với chính quyền địa phương và ngành giáo dục trong việc nâng cao dân trí cho con em đồng bào dân tộc. Nhờ đó, 100% trẻ em ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa trên địa bàn xã như: Cốc Lại, Khuổi Luồng, Nà Hao,… đều được huy động đến trường, không còn tình trạng trẻ em bỏ học, thất học.
Cô giáo Lô Thị Thoạn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Minh Phát chia sẻ: Trong nhiều năm qua, tuy đã nhận được sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương và các ban ngành hỗ trợ nhưng thực tế giáo viên và nhà trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn như: chưa có phòng làm việc, chưa có nhà công vụ cho giáo viên ở tạm trú; thiếu phòng học và phòng chức năng. Hơn nữa, hầu hết các lớp học được đầu tư xây dựng đã lâu, nay đã xuống cấp. Hệ thống cấp nước, công trình phụ chưa đồng bộ nên chưa đạt mức chất lượng tối thiểu theo quy định của ngành GD&ĐT. Do vậy, dẫn đến việc dạy và học của nhà trường gặp nhiều khó khăn, cụ thể như còn có 1 lớp ghép 3 trình độ 2 3 5, học sinh lớp 4 ghép với lớp 5, lớp 2 ghép với lớp 1. Bên cạnh đó, các điểm trường chưa được trang bị đầy đủ thiết bị dạy và học như: máy tính, bàn ghế cho học sinh và giáo viên, hệ thống điện chiếu sáng lớp học…
Không chỉ là vấn đề trường, lớp mà đời sống sinh hoạt của cán bộ, giáo viên cũng rất vất vả, nhất là tại các điểm trường còn thiếu nhà bếp, nước sinh hoạt phải đi lấy ở xa. Trong khi đó, hầu hết giáo viên của trường đều từ ngoài thị trấn Lộc Bình và có 3 giáo viên ở các huyện Văn Lãng, Tràng Định, thành phố Lạng Sơn đến dạy, cách xa trường từ 20 đến 80 km. Để đảm bảo thời gian lên lớp buổi chiều đúng giờ, các thầy, cô giáo phải nấu cơm ăn và ở lại trường. Do vậy, vào buổi trưa, các thầy, cô giáo không có chỗ nghỉ, phải tá túc nghỉ tạm ở phòng hội đồng.
Được chứng kiến hoạt động dạy và học ở nơi đây, mới thấy hết được những khó khăn của Trường Tiểu học xã Minh Phát. Ngoài khó khăn do cơ sở vật chất chưa đồng bộ, thì đường giao thông đến trường, đến lớp cũng gian nan. Trên 85% đường giao thông liên thôn của xã chủ yếu là đường đất nên vào mùa mưa đường trơn, lầy lội, rất khó đi. Chính vì vậy, các thầy, cô giáo phải gửi xe máy ở trung tâm xã, rồi đi bộ đến các điểm trường với quãng đường dài từ 5 đến 8 km. Không chỉ riêng giáo viên vất vả mà một số em học sinh nhà ở vùng sâu, phải đi bộ, leo dốc đến trường, rất khó khăn nên đã ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự tiếp thu bài học của các em. Điều đáng quan tâm là đa số các em học sinh nơi đây thuộc diện hoàn cảnh gia đình khó khăn (chiếm tỷ lệ 70%) nên sự chuẩn bị đồ dùng học tập chưa đầy đủ. Mặt khác, việc quan tâm phối kết hợp giáo dục học sinh giữa nhà trường và gia đình còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của cả giáo viên và học sinh…
Có thể thấy, trong chương trình mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia thì cơ sở vật chất lớp học và đường giao thông là những yếu tố quan trọng, quyết định đến hiệu quả nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đưa giáo dục nông thôn miền núi đi lên. Nhưng những vấn đề trên hiện đang là rào cản, tác động không nhỏ đến công tác giáo dục đào tạo ở Trường Tiểu học xã Minh Phát.
Ông Vi Văn Quốc, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Lộc Bình cho biết: Thực trạng cơ sở vật chất ở Trường Tiểu học xã Minh Phát chưa đồng bộ là nỗi trăn trở của ngành trong nhiều năm qua. Nhưng do kinh phí của địa phương và Phòng GD&ĐT của huyện còn hạn hẹp nên rất mong các cấp, các nhà hảo tâm tiếp tục quan tâm hỗ trợ để cơ sở vật chất Trường Tiểu học xã Minh Phát được đồng bộ, đáp ứng yêu cầu dạy và học ngày càng tốt hơn.
Ý kiến ()