Khó cai nghiện tại gia đình, cộng đồng
LSO-Cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác cai nghiện này chưa phát huy được hiệu quả. Điều này đòi hỏi cần phải quan tâm nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Học sinh Trường THCS Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn tham gia tuyên truyền trực quan phòng, chống ma túy |
Theo thống kê của Công an tỉnh, toàn tỉnh có khoảng 2.400 người nghiện có hồ sơ quản lý. Trong đó, đa số sống ngoài cộng đồng, số còn lại tập trung cai nghiện ở Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh và được quản lý trong Trại Tạm giam của Công an tỉnh.
Trung bình mỗi năm chỉ có 5% người nghiện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, gần 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi, bổ sung năm 2008), mới có trên 910 người cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Riêng năm 2017, có 418 người cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Con số này quá ít so với số lượng người nghiện đang sinh sống tại cộng đồng. Đó là chưa kể đến việc người nghiện cai tại nhà, tại gia đình phần lớn đều tái nghiện.
Ông Hoàng Văn Thả, Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh cho biết, sau khi cai nghiện thành công tại cơ sở trở về cộng đồng, có trên 90% người nghiện trở lại cơ sở. Đây là thực tế đáng buồn phản ánh thực trạng người cai nghiện khi trở về cộng đồng đã dễ dàng tái nghiện.
Phân tích nguyên nhân của hạn chế trong cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, rõ nét nhất là ý chí của người cai nghiện. Bản thân nhiều người nghiện không có ý thức cai nghiện mà bị ép cai nên họ dễ dàng bỏ dở quá trình cai nghiện, không tuân thủ đúng, đủ phác đồ điều trị, không hợp tác với các cán bộ điều trị nên việc cai nghiện vừa kéo dài, vừa không đạt kết quả rõ nét. Theo quy định của pháp luật, trách nhiệm đăng ký cai nghiện tự nguyện thuộc về người nghiện và gia đình có người nghiện, song thực tế, hầu như việc này không được thực hiện. Vì thế, việc vận động đối tượng cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và đối tượng không tái nghiện rất khó khăn.
Anh Lê Thanh T, ở Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Sau 2 năm điều trị cai nghiện ở Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh về gia đình, tôi đã từ bỏ được ma túy. Song bị bạn bè lôi kéo, tôi lại tái nghiện. Tôi nhờ người đến nhà giúp tôi cai nghiện tại gia đình. Cai ở nhà khó hơn ở tập trung, do thoải mái hơn trong việc đi lại, người nhà lại “yếu lòng” mỗi khi thấy tôi lên cơn nghiện nên đâu lại vào đấy. Tôi và gia đình đành làm đơn vào cai nghiện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh.
Chị Hoàng T.H ở thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc có chồng nghiện ma túy đã hơn 10 năm. Chị H cho biết: Những lần chồng quyết tâm cai nghiện, gia đình đều động viên, hỗ trợ hết sức. Khi thì mua thức ăn mang vào tận phòng; tạo điều kiện không phải làm bất cứ việc gì… Tính đến nay, gần chục lần cai nghiện tại nhà, có lần phải nhờ anh em họ xa, có lần phải nhốt chồng vào phòng riêng, nhưng chỉ một thời gian ngắn là chồng tôi lại van xin, lại trốn nhà và tái nghiện.
Bên cạnh những khó khăn do chủ quan của người nghiện và gia đình, chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở cai nghiện chưa đủ để xã hội hóa công tác cai nghiện; sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, đoàn thể ở cơ sở chưa chặt chẽ, đồng bộ nên chưa phát huy sức mạnh tổng hợp của cộng đồng trong công tác hỗ trợ cai nghiện và sau cai nghiện; không bố trí được nhân lực thực hiện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng…
Ông Đàm Văn Chính, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng thì xã hội hóa công tác cai nghiện sẽ được ưu tiên thực hiện theo hướng khuyến khích, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở cai nghiện ngoài công lập. Bên cạnh đó, tăng cường tập huấn cho cán bộ làm công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Các tổ chức đoàn thể, xã hội thường xuyên động viên gia đình có người nghiện quan tâm và tạo điều kiện để người nghiện quyết tâm cai nghiện tại nhà…
Thiết nghĩ, trước mắt, khi Lạng Sơn chưa có trung tâm hỗ trợ sau cai nghiện thì công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về cai nghiện; nêu gương, kinh nghiệm từ bỏ ma túy của người cai nghiện thành công tại cộng đồng cần phải được đẩy mạnh cả về hình thức và nội dung. Đồng thời, chú trọng ứng dụng các bài thuốc hỗ trợ điều trị, cắt cơn đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép để điều trị nghiện tại gia đình; tăng cường quản lý người nghiện tại địa bàn; gia đình có người nghiện đặc biệt kiên trì thuyết phục, không che giấu tình trạng của người nghiện để các tổ chức, đoàn thể phối hợp quản lý, giáo dục, giúp đỡ cai nghiện, ngăn ngừa nguy cơ tái nghiện.
THANH HÒA
Ý kiến ()