Khó cai nghiện tại cộng đồng
LSO-Một trong những nội dung thuộc đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy theo Quyết định 2596 ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 98 ngày 26/12/2014 của Chính phủ (gọi tắt là đề án) là tăng cường công tác cai nghiện tại cộng đồng. Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện, theo đánh giá của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), đến nay địa bàn chưa tổ chức được cai nghiện tại cộng đồng.
![]() |
Học viên cai nghiện tự nguyện trong giờ lao động tại Trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục, Lao động Xã hội tỉnh |
Từ khi thực hiện đề án đổi mới công tác cai nghiện, người nghiện chủ yếu cai nghiện tại gia đình hoặc cai nghiện tự nguyện tại Trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục, Lao động xã hội tỉnh.
Để hỗ trợ người nghiện ma túy cai nghiện tại cộng đồng, toàn tỉnh đã thành lập và đưa vào hoạt động 6 điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng theo hình thức điều trị thay thế bằng methadone với 3 cơ sở điều trị và 3 cơ sở cấp phát thuốc. Trong 3 năm qua, các cơ sở trên đã tư vấn cho trên 10.200 lượt người. Dự kiến sẽ tiếp tục mở 2 điểm cấp phát thuốc, tư vấn và điều trị mới ở huyện Lộc Bình và Hữu Lũng.
Tuy nhiên, thực tế do người nghiện được cai nghiện tại nơi mình sinh sống, có thể gặp gỡ, tiếp xúc với đối tượng xấu và tiếp cận nguồn ma túy nên khó từ bỏ ma túy hơn. Hơn nữa, cai nghiện tại chỗ đòi hỏi người nghiện phải có ý chí và nghị lực lớn, cộng với thời gian dài để có thể từ bỏ. Theo thống kê của Sở LĐTB&XH, hơn 3 năm qua, toàn tỉnh có trên 350 đối tượng cai nghiện tại gia đình, nhưng phần lớn đều tái nghiện.
Ông Mai Xuân Can, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐTB&XH cho biết: Cai nghiện tại gia đình và cộng đồng còn gặp khó khăn do không huy động được nguồn kinh phí đóng góp của gia đình người nghiện, thời gian cai nghiện ngắn. Hơn nữa, số cán bộ y tế được tập huấn về công tác cai nghiện tại cộng đồng, tại gia đình còn thiếu và yếu; thiếu kinh phí và sự tham gia của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để tổ chức dạy nghề, tạo việc làm và quản lý sau cai… Do đó tỷ lệ tái nghiện luôn trên 90%.
Công tác tuyên truyền mặc dù đã được thực hiện như: tổ chức trên 140 buổi diễu hành, cấp phát gần 100.000 bộ tài liệu, tờ rơi và hàng trăm băng rôn, pano; tổ chức hàng nghìn buổi truyền thông và trên 200 buổi giao lưu, tọa đàm về phòng chống tệ nạn xã hội; trung bình 1 năm tổ chức cho trên 90.000 lượt hộ gia đình ký cam kết không mắc tệ nạn xã hội… nhưng hiệu quả chưa cao do vẫn còn kỳ thị, định kiến tại cộng đồng. Rất ít người nghiện và thân nhân đăng ký và khai báo tình trạng nghiện tại cộng đồng, dẫn đến công tác quản lý tại địa phương gặp nhiều khó khăn…
Bên cạnh những hạn chế đó, thì thiếu cơ sở vật chất về y tế cũng ảnh hưởng lớn đến công tác cai nghiện tại cộng đồng. Theo quy định cai nghiện tại cộng đồng nhất thiết phải có khu vực y tế riêng cho cai nghiện, cách ly riêng và tối thiểu phải có 3 phòng (phòng khám, phòng lưu bệnh nhân, phòng thường trực của cán bộ y tế), có ít nhất 4 cán bộ y tế và các trang thiết bị hỗ trợ người cai nghiện. Song hầu như các cơ sở y tế đều khó đáp ứng tiêu chí này vì hạn chế về kinh phí, quỹ đất và đội ngũ cán bộ. Trong khi đó, hoạt động cai nghiện ở nhiều địa bàn chủ yếu dừng lại ở khâu tuyên truyền, vận động chứ chưa tập trung, rà soát, đánh giá nhu cầu, lập kế hoạch cai nghiện cho từng đối tượng…
Từ khó khăn của công tác cai nghiện tại cộng đồng, tỉnh cũng đã đề xuất Bộ LĐTB&XH cấp bổ sung kinh phí để hỗ trợ tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; hỗ trợ đối tượng cai nghiện tự nguyện; nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn lập thủ tục hồ sơ đưa người nghiện vào cai bắt buộc… nhằm phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tệ nạn ma túy.
THANH HÒA
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()