Kho bạc Nhà nước tỉnh: Hiện đại hóa nghiệp vụ, hướng đến kho bạc số
– Những năm qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh đã không ngừng nỗ lực cải cách, hiện đại hóa các khâu nghiệp vụ, tạo thuận lợi cho khách hàng và các đơn vị sử dụng ngân sách, từ đó, hướng đến mục tiêu hình thành kho bạc số.
Cán bộ Kho bạc Nhà nước tỉnh xử lý công việc trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của đơn vị
Những ngày cuối tháng 8/2023, chúng tôi có dịp đến trụ sở KBNN tỉnh. Từ rất sớm, các cán bộ kho bạc đã có mặt để bắt đầu công việc. Tuy nhiên, khác với khung cảnh ồn ào, tấp nập, khách hàng phải xếp hàng chờ đợi như trước đây, KBNN tỉnh giờ đây chỉ lác đác một vài khách hàng đến đối chiếu số liệu hoặc thực hiện giao dịch, bởi hiện nay, toàn bộ hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) qua hệ thống KBNN tỉnh đều được thực hiện dưới hình thức thanh toán điện tử. Đây là kết quả bước đầu của việc triển khai đề án kho bạc không tiền mặt.
Bà Hà Thu Hằng, Phó Giám đốc KBNN tỉnh cho biết: Nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa các nghiệp vụ theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 trở thành kho bạc số. Theo đó, để phục vụ tốt nhất cho khách hàng giao dịch, thời gian qua, KBNN tỉnh đã chỉ đạo sát sao KBNN các huyện xác định nội dung, yêu cầu, tiến độ thực hiện và trách nhiệm thực hiện đối với từng nhiệm vụ; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu đối với việc tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC); tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá việc triển khai nhiệm vụ CCHC tại các đơn vị; đơn giản hóa, rút ngắn thời gian xử lý, cũng như sắp xếp tinh gọn bộ máy và tăng tính minh bạch trong quy trình nghiệp vụ quản lý quỹ NSNN; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các nghiệp vụ kho bạc.
Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của KBNN được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính. Để triển khai tốt nghiệp vụ này, KBNN tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động để các đơn vị sử dụng ngân sách hiểu được những lợi ích của DVCTT mang lại và tạo thói quen giao dịch điện tử cho các đơn vị sử dụng ngân sách.
Đến nay, toàn tỉnh có 1.448 đơn vị đang thực hiện giao dịch qua hình thức này, đạt 100% số đơn vị sử dụng NSNN (trừ các đơn vị thuộc khối lực lượng vũ trang). Trung bình mỗi năm có hơn 345.000 chứng từ được giao dịch. Tỷ lệ hồ sơ, chứng từ qua DVCTT đã tăng dần qua các năm. Cụ thể, năm 2019, hồ sơ phát sinh trên DVCTT mới chiếm 9% trong tổng số hồ sơ gửi đến KBNN, đến năm 2022, kết quả hồ sơ gửi qua DVCTT đã đạt 100%. Qua đó, tạo thuận lợi cho các đơn vị giao dịch, tiết kiệm chi phí, thời gian và đẩy nhanh tốc độ thanh toán, đảm bảo an toàn chính xác. Nếu như trước đây, khi thực hiện giao dịch qua đường văn bản phải mất thời gian từ 2 đến 3 ngày, thì hiện nay hồ sơ được giải quyết trong 8 tiếng làm việc.
Chị Lê Ngọc Lan, Kế toán Trường Mầm non 17/10, thành phố Lạng Sơn cho biết: Hiện nay, 100% giao dịch liên quan đến tài chính qua kho bạc đều được thao tác trên máy tính và nhập dữ liệu trực tuyến, thời gian thực hiện xong một giao dịch chỉ mất vài phút, thay vì 30 đến 40 phút như trước đây. Trung bình mỗi tháng, trường có khoảng 20 đến 30 chứng từ giao dịch qua DVCTT với KBNN tỉnh. So với cách làm truyền thống thì thực hiện giao dịch trực tuyến giúp tôi tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí đi lại mà hiệu quả thì vẫn đảm bảo. Tránh được các rủi ro như: thất lạc, nhầm lẫn chứng từ với các cơ quan, đơn vị khác…
Cùng với đó, để thực hiện hiệu quả công tác kiểm soát chi, từ tháng 10/2022, KBNN tỉnh đã chính thức áp dụng quy trình liên thông các ứng dụng nghiệp vụ DVCTT – Tabmis (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc), thanh toán song phương điện tử. Bên cạnh đó, thực hiện nâng cấp dịch vụ công tác kiểm soát cam kết chi ngân sách qua KBNN và dịch vụ công đối chiếu, xác nhận số dư tài khoản của đơn vị giao dịch tại KBNN.
Ngoài ra, từ năm 2022 đến nay, KBNN tỉnh đã triển khai chương trình ứng dụng hệ thống kiểm soát chi đầu tư qua hệ thống KBNN. Qua đó, thống nhất trong công tác quản lý nguồn vốn đầu tư công qua KBNN, giảm thời gian kiểm soát, tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, thực hiện đề án thanh toán không dùng tiền mặt, KBNN tỉnh luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thu và các ngân hàng thương mại tham gia ủy nhiệm thu NSNN trên địa bàn để tập trung, hạch toán đầy đủ và thu vượt dự toán giao các khoản thu NSNN trên địa bàn; duy trì phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền đến người nộp thuế về các hình thức nộp NSNN không dùng tiền mặt. Các chứng từ thu NSNN được hạch toán, điều tiết và xử lý nhanh gọn trong ngày làm việc theo đúng quy định.
Đến nay, người dân đã có thể thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách 24/7 tại bất kỳ thời gian, địa điểm nào. Tốc độ thực hiện giao dịch cũng như trao đổi thông tin thu được cải thiện đáng kể; thời gian thực hiện giao dịch thu ngân sách còn 5 phút/giao dịch; quy trình, thủ tục thu, nộp NSNN theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người nộp thuế. Đồng thời, KBNN Lạng Sơn đã áp dụng các hình thức thu nộp NSNN văn minh, hiện đại như ủy nhiệm thu NSNN cho 10 hệ thống NHTM trên địa bàn; phối hợp với cơ quan công an và bưu điện triển khai phối hợp thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua hệ thống bưu điện từ tỉnh đến huyện, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng nộp phạt được lựa chọn nhiều kênh nộp phạt.
Với sự nỗ lực này, đến thời điểm hiện tại, tổng số thu tiền mặt trên địa bàn tỉnh đã giảm 95,86% và tổng chi tiền mặt giảm 97,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Với việc triển khai hàng loạt các ứng dụng về quy trình nghiệp vụ và sự đồng thuận của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, KBNN tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Sự đánh giá hài lòng từ phía khách hàng đối với KBNN tỉnh được cải thiện đáng kể, đứng thứ 17/64 tỉnh, thành phố, tăng 26 bậc trên bảng xếp hạng toàn quốc so với năm 2022.
Bà Hà Thu Hằng, Phó Giám đốc KBNN tỉnh cho biết thêm: Để thực hiện thành công chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, hoàn thiện mô hình kho bạc số, chúng tôi xác định cần tăng cường công tác kiểm soát chi, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng trong giao dịch thanh toán của hệ thống. Đồng thời, thực hiện nâng cấp, bảo trì các ứng dụng, cập nhật thủ tục hành chính theo tiêu chuẩn mới, khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị liên quan tiếp cận và sử dụng các dịch vụ do kho bạc cung cấp gắn với phương thức quản lý mới đối với những sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin.
Xác định cải cách hành chính và chuyển đổi số là bước đột phá, có tính quyết định đến chất lượng hoạt động, thời gian tới, KBNN tỉnh tiếp tục nỗ lực cải cách, hiện đại hóa các khâu nghiệp vụ. Qua đó mang lại nhiều thuận lợi cho khách hàng, hướng tới mục tiêu hình thành kho bạc điện tử, kho bạc số vào năm 2030.
Ý kiến ()