Khi "vua" bánh kẹo đi bán bánh mì gọi
Sau thương vụ "khủng" bán mảng sản xuất kinh doanh bánh kẹo cho đối tác nước ngoài, mới đây, Kinh Đô lại tiếp tục gây sốc với bản hợp đồng trị giá 30 triệu USD ký với Saigon Ve Wong (sản xuất mì ăn liền) trong việc hợp tác liên doanh đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất mì ăn liền tại Bắc Ninh.
Theo thỏa thuận, Kinh Đô sẽ chịu trách nhiệm phân phối và quảng bá cho các sản phẩm của Saigon Ve Wong. Đây được cho là bước tiếp theo của Kinh Đô thể hiện tham vọng gia nhập thị trường mì ăn liền để mở rộng hoạt động kinh doanh ngoài lĩnh vực truyền thống là bánh kẹo. Sự “lấn sân” này không còn là chuyện mới bởi ngay từ cuối năm 2014, các sản phẩm mì ăn liền mang tên Đại Gia Đình của Kinh Đô đã lên các kệ hàng và chỉ sau một thời gian ngắn, mì ăn liền của họ đã xuất hiện tại hơn 86 nghìn điểm bán lẻ trên toàn quốc. Với giá bán 3.500 đồng/gói, Kinh Đô đang đi vào phân khúc phổ thông, được xem là phân khúc “vàng” nhờ thị trường tiêu thụ rộng lớn và cạnh tranh nhất hiện nay. Từ một “ông vua” bánh kẹo, khi chuyển sang bán mì ăn liền, Kinh Đô sẽ có cơ hội và thách thức gì?
Hiện nay, thị trường mì ăn liền chủ yếu nằm trong tay ba hãng lớn nhất là Acecook, Masan và Asia Food. Sẵn có lợi thế gia nhập thị trường lâu năm và chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, ba hãng này đang nắm giữ hơn 80% thị phần mì gói. Còn với Saigon Ve Wong, tuy cùng thời với Acecook nhưng chưa gây được tiếng vang nào và thị phần của hãng này chỉ chiếm hơn 5%. Trong khi ba đối thủ hàng đầu đã tìm ra hướng đi và đầu tư mạnh vào việc nhận diện thương hiệu bằng các chiến dịch quảng cáo rầm rộ thì sản phẩm mì ăn liền A-one của Saigon Ve Wong vẫn chưa có sự đầu tư bài bản quảng bá thương hiệu gây ấn tượng với người tiêu dùng. Nhận ra được điều này, Kinh Đô và Saigon Ve Wong mạnh tay chi cho các hoạt động quảng bá, nhận diện thương hiệu cũng như phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm mới, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, nhằm sớm lọt vào tốp ba nhà sản xuất mì ăn liền và chiếm lĩnh 10% thị phần trong vòng ba năm tới.
Mặc dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng Kinh Đô hoàn toàn có thể tận dụng toàn bộ những lợi thế sẵn có áp dụng vào lĩnh vực kinh doanh mới và câu chuyện chỉ còn là sản xuất sản phẩm dựa trên những kinh nghiệm có sẵn. Điều chắc chắn dễ nhận thấy là, để trở thành tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực thực phẩm, Kinh Đô sẽ tận dụng hơn 300 nhà phân phối, 200 nghìn điểm bán hàng trên cả nước để quảng bá sản phẩm. Đồng thời, gắn thương hiệu “vua” bánh kẹo của mình với các sản phẩm, ngành hàng thiết yếu khác, nhất là mì ăn liền. Đến giờ, chưa thể khẳng định liệu Kinh Đô có chiếm được thị trường này hay không, vì cục diện vẫn đang thay đổi từng ngày. Theo Tổ chức Giám sát kinh doanh quốc tế (BMI) dự báo đến năm 2018, sản lượng mì ăn liền tiêu thụ trên thị trường tăng trưởng chậm lại kể từ năm 2012, dự kiến mức tăng trưởng thấp nhất vào năm 2016. Vì vậy, trước mắt, việc gia nhập thị trường mì ăn liền của Kinh Đô sẽ hứa hẹn sự cạnh tranh khốc liệt cho cả “người cũ” và “kẻ đến sau”.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()