Khi vắng bóng cảnh sát giao thông
LSO-Trong điều kiện nhân lực mỏng, địa bàn rộng, nhất là từ khi lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) rút khỏi trạm kiểm tra tải trọng xe (KTTTX), Thanh tra giao thông Sở Giao thông – Vận tải (GTVT) đã nỗ lực ngăn xe quá tải. Tuy nhiên, công tác này gặp không ít khó khăn.
Thanh tra giao thông Sở Giao thông – Vận tải kiểm tra tải trọng xe trên quốc lộ 1A |
Từ cuối năm 2013, thực hiện kế hoạch phối hợp liên ngành giữa Bộ Công an và Bộ GTVT về kiểm soát tải trọng xe, CSGT và thanh tra giao thông (TTGT) các địa phương trong cả nước đã phối hợp chặt chẽ trong ngăn chặn, xử lý xe quá tải nhằm bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ và đảm bảo an toàn giao thông.
Theo báo cáo liên bộ, qua 2 năm thực hiện kế hoạch, tình trạng xe quá tải giảm hơn 90%. Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, 2 bộ đã thống nhất kết thúc kế hoạch phối hợp và ngay sau đó, nhiều tỉnh, thành phố rút CSGT khỏi các trạm cân. Lạng Sơn là một trong số ít các địa phương duy trì sự phối hợp này đến đầu năm 2017, tuy nhiên tháng 3 vừa qua, được sự đồng ý của UBND tỉnh, Công an tỉnh Lạng Sơn không còn bố trí lực lượng CSGT tham gia phối hợp với TTGT tại trạm KTTTX trên quốc lộ 1A (thuộc thành phố Lạng Sơn).
Ông Nguyễn Đình Đại, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: Thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tải trọng xe, sau khi kết thúc kế hoạch phối hợp liên ngành, sở tiếp tục chỉ đạo lực lượng TTGT duy trì kiểm tra trên các tuyến giao thông trọng yếu của tỉnh. Trong khi một số địa phương dừng hoạt động trạm cân thì Lạng Sơn vẫn duy trì trạm KTTTX và lực lượng TTGT vẫn thường xuyên phối hợp với CSGT làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên đường để ngăn chặn, xử lý xe quá tải. Cùng với đó là duy trì kiểm soát tải trọng xe trên các tuyến khác thông qua hoạt động kiểm soát lưu động của các đội TTGT.
Trong điều kiện quân số tại trạm KTTTX giảm 1/3 so với thời gian thực hiện phối hợp liên ngành, TTGT Lạng Sơn đã nỗ lực bố trí lực lượng hợp lý để thực hiện nhiệm vụ. Ông Vũ Văn Nhiên, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Lạng Sơn cho biết: Chúng tôi bố trí 4 ca trực trong một ngày, đảm bảo hoạt động KTTTX tại trạm cân khép kín về thời gian 24/24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần. Song song với kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm, chúng tôi tăng cường tuyên truyền, vận động chủ phương tiện, lái xe, chủ doanh nghiệp cam kết không vi phạm về tải trọng phương tiện…
Anh Trần Văn Hoàn, ở xã Bằng Khánh, huyện Lộc Bình cho biết: Là lái xe tải chở vật liệu xây dựng thường xuyên lưu thông trên quốc lộ 1A, được lực lượng chức năng tuyên truyền, nhắc nhở, tôi nghiêm chỉnh chấp hành quy định về an toàn giao thông, không chở hàng hóa quá tải trọng hoặc vượt quá khổ quy định để đảm bảo an toàn cho mình và cho mọi người khi đi trên đường, bảo vệ hạ tầng giao thông.
Trong gần 5 tháng đầu năm 2017, TTGT đã xử phạt 758 trường hợp vi phạm về giao thông đường bộ với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Trong đó có 259 trường hợp chở quá tải; 111 trường hợp chở quá khổ, cơi nới thành thùng, còn lại là các hành vi khác. Riêng trạm KTTTX đã xử phạt gần 300 trường hợp vi phạm, trong đó 215 trường hợp chở quá tải. Tuy nhiên, theo đánh giá của TTGT, hiệu quả kiểm soát tải trọng xe còn hạn chế, đặc biệt từ khi CSGT rút khỏi trạm cân, công tác này gặp khó khăn do thiếu lực lượng có chức năng dừng phương tiện, một số trường hợp lái xe trốn tránh, không hợp tác khi bị kiểm tra. Sở dĩ như vậy là vì thực tế, so với TTGT thì trong kiểm soát, xử lý vi phạm, chức năng, nhiệm vụ của CSGT có tính toàn diện hơn. Điều quan trọng, CSGT là lực lượng vũ trang nên uy lực trong thực thi pháp luật cao hơn.
Theo Phó Giám đốc Sở GTVT, để ngăn xe quá tải, thời gian tới cần tiếp tục phối hợp liên ngành giữa lực lượng công an và TTGT. Cùng với đó là tăng cường nhân lực và trang thiết bị cho lực lượng TTGT để thực hiện tốt nhiệm vụ ngăn ngừa, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện.
VY THÚY HƯỜNG
Ý kiến ()