Khi thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu còn 15 năm, lương hưu có giảm?
Về cơ bản, khi giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu, có thể một bộ phận người lao động sẽ nhận được lương hưu ít hơn. Tuy nhiên, việc rút ngắn lại góp phần bao phủ, mở rộng diện được thụ hưởng chính sách an sinh ý nghĩa này.
Người lao động đóng bảo hiểm xã hội 15 năm là có thể nhận lương hưu
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 114/NQ-CP phiên họp Chính phủ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Trong đó, một nội dung đáng chú ý là Chính phủ thống nhất hoàn thiện nội dung dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) theo hướng giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.
Trong khi đó, người lao động để được hưởng lương hưu thì phải đáp ứng đồng thời 2 điều kiện là đủ tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu. Riêng điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành là phải đủ 20 năm.
Quy định này nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia), hoặc tham gia không liên tục, hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng được hưởng lương hưu hằng tháng khi đã hết tuổi lao động, thay vì họ phải nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Lao động nữ cần 30 năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu tối đa. Ảnh minh họa: VGP |
Thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu còn 15 năm, lương hưu có giảm?
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu như vậy liệu có ảnh hưởng gì đến lương hưu của người lao động hay không?
Theo Luật Bảo hiểm xã hội, lao động nam nghỉ hưu từ ngày 1-1-2022 trở đi có mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trong 20 năm đóng bảo hiểm xã hội. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam, mức tối đa bằng 75%.
Như vậy, lao động nam cần 35 năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu tối đa.
Còn đối với lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1-1-2021 trở đi, mức lương hưu được tính tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội. Lương hưu hằng tháng của lao động nữ được tính bằng 45% mức bình quân lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội. Sau đó, cứ mỗi năm tính thêm 2%, tối đa bằng 75%.
Như vậy, lao động nữ cần 30 năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu tối đa.
Với tỷ lệ hưởng lương hưu tịnh tiến với số năm đóng bảo hiểm xã hội như trên, khi giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu cũng sẽ ảnh hưởng đến khoản lương hưu hằng tháng của người lao động.
Về cơ bản, khi giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu thì có thể một bộ phận người lao động nhận lương hưu ít hơn. Tuy nhiên, việc rút ngắn lại góp phần bao phủ, mở rộng diện được thụ hưởng chính sách an sinh ý nghĩa này.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong 7 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, có hơn 476.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần đã có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội trên 10 năm với độ tuổi từ 40 tuổi trở lên; có hơn 53.000 người đã hết tuổi lao động phải nhận bảo hiểm xã hội một lần do chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; có hơn 20.000 người khi đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ thời gian đóng phải đóng một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương. Nếu vẫn quy định thời gian tối thiểu để hưởng lương hưu là 20 năm thì những người này khó có cơ hội nhận lương hưu. Do đó, Điều 71 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hằng tháng. |
* Như vậy, với quy định mới trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng, được bảo đảm bảo hiểm y tế khi đủ tuổi nghỉ hưu; quy định này cũng góp phần giảm số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Đối với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dài hơn thì vẫn được hưởng lương hưu với tỉ lệ hưởng lương hưu cao hơn không thay đổi so với quy định hiện hành.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/xa-hoi/chinh-sach/khi-thoi-gian-dong-bao-hiem-xa-hoi-toi-thieu-con-15-nam-luong-huu-co-giam-738347
Ý kiến ()