Khi phụ nữ làm hòa giải viên
– Bằng sự khéo léo trong tuyên truyền, thuyết phục các bên tranh chấp, các nữ hòa giải viên đã phát huy vai trò, tham gia hòa giải thành các vụ việc ngay từ cơ sở. Qua đó, gắn kết tình làng, nghĩa xóm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Hơn 15 năm nay, bà Lương Thị Thon, Tổ trưởng Tổ hòa giải khối 10, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc đã tham gia hòa giải hàng trăm vụ việc tại cơ sở. Với tinh thần không ngại khó, nhiệt tình, bà luôn nỗ lực hoàn thành vai trò tổ trưởng tổ hòa giải. Bà Thon cho biết: Là phụ nữ, tôi luôn phát huy thế mạnh trong công tác hòa giải ở cơ sở (HGOCS). Cụ thể, tôi đã mềm mỏng dùng lý lẽ, quy định của pháp luật để hòa giải các vụ việc, nhất là vụ việc liên quan đến hôn nhân gia đình. Đơn cử gần đây nhất, tháng 4/2021, tôi và các thành viên tổ hòa giải đã hòa giải thành vụ xích mích vì kinh tế giữa 2 vợ chồng ông C và bà V, dẫn đến việc ông C bạo hành, chửi bới bà V. Qua phân tích lý lẽ hai vợ chồng đã hiểu ra vấn đề, hòa thuận với nhau, chồng cam kết không đánh vợ nữa.
Các nữ hòa giải viên (ngồi bên trong) tổ hòa giải khối 10, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc tuyên truyền pháp luật cho Nhân dân
Vừa là bí thư chi bộ, trưởng thôn, đồng thời là thành viên của tổ hòa giải, bà Hoàng Thị Tuyến, thôn Hang Nà, xã Tú Xuyên, huyện Văn Quan được nhiều người dân trong thôn kính trọng, yêu mến. Bà Tuyến cho biết: Đã nhận nhiệm vụ, tôi luôn nhiệt tình hoàn thành tốt công việc. Đối với các vụ việc hòa giải, chúng tôi gần gũi, trò chuyện, nắm bắt tâm lý, khuyên giải để các bên chủ động hóa giải mâu thuẫn. Trung bình hằng năm, thôn giải quyết 3 đến 4 vụ, tỷ lệ hòa giải thành trên 90%.
Trên đây chỉ là 2 hòa giải viên nữ tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 11.500 hòa giải viên, trong đó, hơn 3.000 hòa giải viên nữ, chiếm tỷ lệ hơn 26%. Cùng với các thành viên tổ hòa giải, các nữ hòa giải viên thường tham gia giải quyết các vụ việc như: mâu thuẫn liên quan đến hôn nhân gia đình, bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em, tranh chấp đất đai, mâu thuẫn làng xóm, trật tự công cộng… Trong đó, các hòa giải viên nữ đã phát huy vai trò, dùng sự tỉ mỉ, khéo léo, mềm mỏng thuyết phục các bên tranh chấp, do đó, các vụ việc hòa giải thấu tình đạt lý, được Nhân dân ủng hộ.
Ông Lương Văn Chuyền, Phó Trưởng Phòng Phổ biến, giáo dục Pháp luật và Theo dõi thi hành pháp luật, Sở Tư pháp cho biết: Để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong tổ chức của tổ HGOCS, theo quy định của Luật HGOCS, mỗi tổ hòa giải có từ 3 hòa giải viên trở lên, trong đó có hòa giải viên nữ. 100% tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đều có phụ nữ tham gia. Các hòa giải viên nữ luôn chịu khó trong tìm hiểu, nghiên cứu các quy định của pháp luật, cùng các thành viên tổ hòa giải hoàn thành nhiều vụ việc ngay từ cơ sở, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật.
Bà Lê Ngọc Thùy, Trưởng Ban Tuyên giáo – Chính sách luật pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết: Hiện nay, có trên 90% chi hội trưởng phụ nữ tham gia các tổ HGOCS. Bên cạnh đó, các cấp hội cũng thành lập mô hình, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, câu lạc bộ, tổ, nhóm phụ nữ nhằm thực hiện hiệu quả hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên, Nhân dân. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 200 CLB gia đình hạnh phúc, hơn 1.000 mô hình địa chỉ tin cậy cộng đồng… Qua đó hạn chế các vụ việc cần HGOCS.
Chị Nguyễn Thị Thu, hội viên Chi hội phụ nữ khối 12, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Thông qua công tác tuyên truyền của các cấp hội phụ nữ, hòa giải viên nữ nói riêng, tổ hòa giải ở khối phố nói chung, chúng tôi được nâng cao nhận thức pháp luật. Từ đó chấp hành nghiêm pháp luật, xây dựng gia đình hạnh phúc, khu dân cư đoàn kết văn hóa.
Hoạt động của hòa giải viên nữ đã góp phần kịp thời giải quyết tranh chấp, đảm bảo an ninh trật tự địa phương. Nhờ đó góp phần nâng cao tỷ lệ hòa giải thành qua các năm. Đơn cử năm 2020, các tổ hoà giải trên địa bàn tỉnh đã hoà giải thành 2.614/3.483 vụ việc, đạt tỉ lệ 75%, tăng 7,6% so với năm 2019…
Để nâng cao nhận thức pháp luật cho hòa giải viên nữ nói riêng, hòa giải viên nói chung, hằng năm, Sở Tư pháp, các cấp hội phụ nữ đều mở lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng HGOCS. Từ năm 2020 đến nay, Sở Tư pháp đã tổ chức 7 hội nghị tại cấp huyện; cấp xã phối hợp với các ngành chức năng tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ HGOCS cho hơn 800 đại biểu tham dự; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho gần 170 chi hội trưởng, trong đó có nội dung HGOCS. |
Ý kiến ()