Khi nông dân "lợi đơn, lợi kép"
Từ hiệu quả của 26 ha quy hoạch mía ban đầu, người nông dân Vân Sơn phấn khởi tham gia mô hình doanh nghiệp độc đáo này. Có một mô hình sản xuất rất mới mẻ và độc đáo, hứa hẹn mang lại hiệu quả cao và sẽ làm thay đổi cuộc sống của hàng nghìn hộ nông dân nghèo. Đó là sự ra đời của Công ty cổ phần (CP) nông - công nghiệp, dịch vụ, thương mại tại xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa. Trên vùng thuần nông đang còn nhiều khó khăn, mô hình này không chỉ giải phóng sức lao động cho người nông dân mà còn giúp họ trở thành công nhân, được chia cổ tức ngay trên đồng ruộng của mình...Thay đổi diện mạo xóm làngMô hình ra đời là kết quả của quá trình làm việc, thống nhất cao giữa doanh nghiệp là Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn, các cấp ủy đảng, chính quyền từ xã đến huyện và hơn 1.500 hộ nông dân xã Vân Sơn. Với phương án: "Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung quy mô lớn, áp dụng...
Từ hiệu quả của 26 ha quy hoạch mía ban đầu, người nông dân Vân Sơn phấn khởi tham gia mô hình doanh nghiệp độc đáo này. |
Thay đổi diện mạo xóm làng
Mô hình ra đời là kết quả của quá trình làm việc, thống nhất cao giữa doanh nghiệp là Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn, các cấp ủy đảng, chính quyền từ xã đến huyện và hơn 1.500 hộ nông dân xã Vân Sơn. Với phương án: “Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung quy mô lớn, áp dụng cơ giới hóa, công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới tại xã Vân Sơn giai đoạn 2011 – 2020”, đây được đánh giá là một hướng đi mới, mang tính đột phá theo chủ trương, định hướng, chính sách phát triển của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đúng tinh thần của Nghị quyết T.Ư.
Sự ra đời của Công ty CP nông – công nghiệp, dịch vụ, thương mại Vân Sơn (vốn điều lệ 12 tỷ đồng) đã khẳng định hơn nữa định hướng phát triển bền vững vì cộng đồng của Công ty CP mía đường Lam Sơn (Lasuco). Với sự đầu tư, hỗ trợ, góp vốn, nguồn nhân lực, khoa học – kỹ thuật, Lasuco đang tiếp tục cùng bà con nông dân làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.
Dẫn chúng tôi đi thăm vùng quy hoạch mía giai đoạn I có diện tích 75 ha đang được khẩn trương cày xới để kịp trồng vụ mía đầu, Bí thư Đảng ủy xã Vân Sơn Đặng Minh Ân hồ hởi: Đây là những cánh đồng lớn đã được người dân nhượng đất lại cho Công ty Vân Sơn trồng mía cho hiệu quả kinh tế cao gấp hai, ba lần trồng lúa, một thời gian ngắn nữa sẽ đem lại niềm vui và làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của người nông dân tại Vân Sơn.
Vân Sơn là địa phương thuần nông, không có nghề phụ, toàn xã có 1.800 hộ dân thì vẫn còn 230 hộ nghèo, trồng lúa bấp bênh, chi phí cao, lợi nhuận thấp, cuộc sống người dân vẫn gặp nhiều khó khăn. Từ nhiều năm nay, địa phương đã xây dựng vùng quy hoạch rộng 200 ha để cấy lúa cao sản, vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa thực hiện tốt mô hình nâng cao cuộc sống của người dân. Số diện tích còn lại phải chuyển đổi sang các cây trồng khác như là thử nghiệm trồng mía 26 ha. Từ diện tích mía quy hoạch ban đầu này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt gấp hai lần lúa. Vì vậy, năng suất đạt từ tám đến chín tấn mía cây/sào là nằm trong tầm tay nếu áp dụng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Từ kết quả này, người nông dân sau khi chuyển đổi cây trồng sẽ bảo đảm được lợi nhuận cao hơn.
“Trước khi vận động nhân dân tham gia mô hình này, chúng tôi đã có nhiều cuộc khảo sát thực tế tại Công ty CP Đầu tư phát triển Lam Sơn – Bá Thước (huyện Bá Thước), một trong hai công ty CP thuộc Công ty CP mía đường Lam Sơn và nhận thấy người dân hưởng ứng rất mạnh mẽ. Hơn 300 hộ ở 17 xã tự nguyện góp đất tham gia trồng mía, bước đầu được gần 250 ha. Trước hiệu quả vượt trội của cây mía, hiện nay số diện tích đăng ký trồng mía tại địa phương này trong vụ 2012- 2013 đã tăng thêm 700 ha” – đồng chí Ân cho biết.
Ông Nguyễn Đại Đông, thôn 6 bày tỏ: gia đình tôi có hơn tám sào ruộng cấy lúa, hiện tham gia góp đất trồng mía cho công ty CP được 6,5 sào và đã nhận được tiền hỗ trợ ban đầu hơn 30 triệu đồng/10 năm, chưa kể hằng năm được nhận thêm 2,2 tạ thóc và lợi nhuận được nhận từ năm thứ tư khi ruộng mía đạt năng suất như theo cam kết của công ty. Cụ thể: nếu một sào mía cho năng suất chín tấn thì trừ 4,5 tấn theo quy định, số 4,5 tấn mía còn lại gia đình tôi được hưởng 50%, có nghĩa tính theo giá thành hiện tại, mỗi một sào mía người nông dân sẽ được chia cổ tức thêm 2,2 tấn mía tương đương 2,7 triệu đồng/năm. Đồng thời với số tiền 30 triệu đồng hỗ trợ ban đầu, nếu gia đình đem gửi tiết kiệm, mỗi tháng cũng cho lãi suất được 500 nghìn đồng nữa. Và như vậy, công ty đã hỗ trợ cho nông dân bằng năm tạ thóc/sào/năm (chưa kể số lao động dôi dư đi làm thêm việc khác và cổ tức được nhận từ vụ thứ tư).
Thôn 6 có khoảng 45 ha đất trồng lúa, hiện 99% số hộ đã đồng ý chuyển sang mô hình này. Các thôn còn lại trên địa bàn Vân Sơn cũng sẵn sàng tham gia hưởng ứng – ông Đông cho biết thêm. Bên cạnh số tiền người dân được nhận ban đầu và được chia cổ tức trên mỗi sào ruộng, theo quy định thì mỗi công lao động được công ty chi trả là 150 nghìn đồng, nếu tham gia trồng, chăm sóc, thu hoạch mía, hoặc hộ nào đảm nhận một sào được công ty trả công 1,7 triệu đồng/vụ.
Cổ tức… cho nông dân
Giám đốc Công ty CP công, nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Vân Sơn Lê Việt Cường cho biết: Mức mà công ty trả cho nhân dân là một sào/năm là 300 kg thóc. Trước tiên trả cho mỗi sào là 500 nghìn đồng, trả một cục năm triệu đồng cho một sào/10 năm (tương đương 80 kg thóc/sào), số thóc 2,2 tạ còn lại sẽ trả đúng thời điểm cho hai vụ trong năm để bảo đảm lương thực cho người dân. Nếu so thực tế đồng ruộng mà người dân canh tác thì không đạt được hiệu quả như vậy. Đây là mức giá cố định và nếu trong trường hợp giá cả lên xuống thất thường hoặc ruộng mía bị mất mùa thì công ty vẫn cam kết chi trả cố định mức như đã quy định, vì vậy đã tạo ra được sự an tâm cho người dân.
Theo quy định của mô hình này, thì từ vụ thứ tư trở đi, trên một sào mía người dân sẽ được “nhận cổ tức”. Trong đó lợi nhuận được chia theo tỷ lệ: 30 đến 40% cho người có đất cho thuê, khoảng 1,2 đến 1,5 triệu đồng/sào Bắc Bộ; 30% xây dựng nông thôn mới tại địa phương; 20 đến 30% tích lũy phát triển doanh nghiệp lâu dài và 10% còn lại đưa vào quỹ khen thưởng và phúc lợi xã hội. Tỷ lệ này có thể thay đổi do đại hội đồng cổ đông thường niên. Như vậy, với năng suất bình quân đạt 100 tấn/ha, với giá thu mua tại thời điểm này là 1,2 triệu đồng/ha, sẽ cho doanh thu 120 triệu đồng/ha; trừ chi phí đầu tư ban đầu là 60 triệu đồng/ha, còn cho lợi nhuận 60 triệu đồng/ha. Trong đó, bà con nông dân được hưởng khoảng 40 triệu đồng/ha; xã sẽ được 18 triệu đồng/ha; với 100 ha trồng mía, mỗi năm sẽ mang lại khoảng 1,8 tỷ đồng phục vụ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ xây dựng nông thôn mới.
Lợi ích đối với nông dân là có khoản tiền lớn từ việc cho doanh nghiệp thuê quyền sử dụng đất 20 năm, hằng năm có lợi nhuận được hưởng từ 30 đến 40%, nếu tham gia lao động trong doanh nghiệp sẽ được tính công, được đào tạo nghề. Đối với những hộ có từ ba ha đất cho thuê trở lên được mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo cơ chế tự nguyện. Địa phương có điều kiện tổ chức lại sản xuất, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm cho nông dân, hằng năm có thêm một phần kinh phí từ lợi nhuận kết quả trồng mía của doanh nghiệp đóng góp để xây dựng nông thôn mới.
Đây không chỉ là quyền lợi rất thiết thực, mà lâu dài còn bảo đảm việc tránh rủi ro cho người nông dân. Đồng thời người dân được giải quyết việc làm khi tham gia vào sản xuất ở các xí nghiệp may mặc, gạch tuy-nen không nung, trang trại nuôi lớn tập trung (đang được DN triển khai ngay tại địa phương) và hưởng quyền lợi về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội như người công nhân bình thường. Không những vậy, người nông dân có quyền quay lại làm việc trên những cánh đồng mía theo định mức khoán chung, bảo đảm ngày công cao hơn ra thành phố làm việc, với 150 nghìn đồng/ngày công.
Với mô hình này, địa phương đã chuyển dịch được cơ cấu lao động nông nghiệp từ 90% xuống chỉ còn 40%. Tại Vân Sơn, cho đến nay đã có 7/10 thôn và 492 hộ dân góp đất thành lập công ty cổ phần, với diện tích gần 100 ha (tổng số đất canh tác là gần 800 ha), kế hoạch đến năm 2015 sẽ chuyển đổi thêm 300 ha đất trồng lúa sang trồng mía. Sau khi mô hình ra đời đã gây được tiếng vang lớn, nhiều xã lân cận của huyện Triệu Sơn và cả các huyện khác như: Thiệu Hóa, Nông Cống… cũng lặn lội đến học tập và mong muốn được hợp tác để triển khai tại địa phương mình.
Theo Nhandan
Ý kiến ()